Trên cơ sở thực trạng và những tồn tại trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp trong thời gian qua và đặc điểm kinh tế xã hội của Việt Nam, việc sửa đổi những quy định về định giá DNNN là việc làm cần thiết để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi DNNN, những nội dung sửa đổi bao gồm:
- Trước hết, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và có thể xem xét việc đưa ra nhiều phương pháp định giá khác nhau không chỉ cứng nhắc ở 2 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo tài sản hoặc theo dòng tiền. Thực ra nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà họ thu được sau khi góp vốn mua cổ phần của DN. Bên cạnh yếu tố tài sản thì yếu tố khả năng sinh lời trong tương lai của DN là một yếu tố được nhà đầu tư rất coi trọng, do đó nên chăng cần có một phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp có sự kết hợp cả 2 phương pháp trên.
Về xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Đây là phương pháp tiên tiến, ít tốn kém thời gian và công sức. Theo phương pháp này, giá trị vốn Nhà nước được xác định trên cơ sở khả năng sinh lời của những năm tương lai. Khả năng sinh lời của những năm tương lai được dựa trên cơ sở khả năng sinh lời của những năm quá khứ và dự kiến
phương án sản xuất kinh doanh của những năm sau cổ phần hoá và hệ số rủi ro của thị trường chứng khoán. Khả năng sinh lời được thể hiện thông qua chỉ số tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tuy nhiên, để xác định đúng giá trị vốn Nhà nước theo phương pháp này, đòi hỏi lợi nhuận của doanh nghiệp trong những năm quá khứ phải được xác định chuẩn xác. Nếu lợi nhuận trong quá khứ phản ảnh không đúng thực trạng tài chính và hoạt động của doanh nghiệp (ví dụ, doanh nghiệp có nợ không có khả năng thu hồi nhưng không xử lý hoặc kết quả lợi nhuận của năm quá khứ là do có những hoạt động bất thường mang lại, không có tính bền vững như: doanh nghiệp nhận được khoản bồi thường...) thì khả năng sinh lời những năm tương lai sẽ không sát với thực tế của doanh nghiệp. Do đó, cần phải có quy định cho phép doanh nghiệp được chuẩn xác lại lợi nhuận của năm quá khứ theo đúng quy định hiện hành về pháp luật tài chính kế toán.
Mở rộng đối tượng áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu trong quá trình định giá doanh nghiệp. Mặc dù phương pháp xác định giá doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu không đơn giản và dễ thực hiện như phương thức giá trị tài sản ròng những phương pháp này thể hiện được mục tiêu của nhà đầu tư. Nhà nước có thể mở rộng các đối tượng áp dụng phương pháp này sang tất cả các doanh nghiệp khác. Theo quy định hiện hành của chế độ kế toán hiện hành thì vốn chủ sở hữu đã bao gồm cả lợi nhuận lũy kế và các quỹ của doanh nghiệp. Do vậy, vốn chủ sở hữu đã bao gồm cả chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện trong năm và gồm cả các quỹ không tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, điều nhà đầu tư quan tâm là đồng vốn doanh nghiệp bỏ ra sau một năm sẽ thu được bao nhiêu lợi nhuận, vì vậy tỷ suất lợi nhuận cần tính là tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn kinh doanh.
Quy định rõ hơn việc xác định nguyên giá của tài sản là Nhà cửa, vật kiến trúc trong phương pháp định giá doanh nghiệp theo phương pháp giá trị tài sản ròng. Theo quy định hiện hành, để xác định nguyên giá các công trình thì giá quyết toán công trình sẽ được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên thực trạng quản lý xây dựng cơ bản cho thấy có không ít những công trình đã hoàn thành sau ba năm nhưng chưa thể quyết toán được vì rất nhiều lý do khác nhau. Hơn nữa, giá trị quyết toán của công trình có thể khác nhau giữa giá trị quyết toán do kiểm tóan đưa ra hoặc giá trị do chủ đầu tư quyết định. Do vậy, đối với các công trình đã được kiểm toán hoặc được chủ đầu tư quyết toán đã được phê duyệt thì giá xác định là giá trị quyết toán đã được duyệt, còn đối với những công trình chưa quyết toán thì giá xác định trên cơ sở quyết toán tạm thời và sẽ thực hiện điều chỉnh khi có quyết toán chính thức.
Cần hướng dẫn bổ sung việc định giá tài sản là Nhà ở, gắn với đất đai, thuộc loại tài sản lưu động, tạm gọi là “hàng hóa” của các Công ty địa ốc phát triển kinh doanh Nhà, vì đó không phải là tài sản cố định của doanh nghiệp. Định giá tài sản là Nhà xưởng vật kiến trúc, đề nghị Chính phủ hướng dẫn thêm việc xác định giá trị vị trí tọa lạc (có thể nghiên cứu thêm việc có hay không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa), cần phải coi đây như là một tài sản vô hình của doanh nghiệp, bởi lẽ mức thuê đất hiện nay mà doanh nghiệp phải trả thường thấp hơn so với giá trên thị trường. Bởi vậy giá trị lợi thế của quyền sử dụng đất là sự chênh lệch giữa giá doanh nghiệp phải trả cho Nhà nước và giá thuê trên thị trường. Về giá trị lợi thế: nên quy định rõ các điều kiện cần và đủ, để xét doanh nghiệp có lợi thế hay không, sau đó mới cho tính giá trị lợi thế.
Quy định và hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp và hướng dẫn các xác định giá trị vô hình của một số ngành kinh doanh đặc thù. Thương hiệu là những giá trị vô hình đem lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu, thương hiệu góp phần rát lớn trong việc tạo ra sức mua của sản phẩm và đương nhiên sẽ tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, định giá thương hiệu như thế nào lại là vấn đề khá phức tạp, nó phụ thuộc vào các yếu tố như thị phần của doanh nghiệp, sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, sự bảo hộ của Nhà nước hoặc của cơ quan chức năng, tính quốc tế của thương hiệu. Có một thực tế là không thể có một phương pháp chung tổng quát nào áp dụng cho mọi thương hiệu, cũng như không có một giá trị đúng cho một thương hiệu. Kết quả xác định giá trị thương hiệu tùy thuộc rất nhiều vào những vấn đề khác nhau, như phụ thuộc vào người định giá, đối tượng định giá, mục đích của việc định giá và cả đối tượng sử dụng kết quả định giá. Hiện tại, giá trị thương hiệu cũng như các lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp được Nhà nước gói gọn trong chỉ tiêu lợi nhuận siêu ngạch mặc dù lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chính vì thế có những doanh nghiệp chưa có lãi hoặc không đạt tới lợi nhuận siêu ngạch cho dù thương hiệu doanh nghiệp có giá trị trên thị trường. Vì thế giá trị thương hiệu nên được hình thành dựa trên sự thỏa thuận giữa người mua và người bán doanh nghiệp, hoặc giá trị thương hiệu do công ty kiểm toán đề xuất và được các bên chấp nhận. Đối với một số ngành đặc thù có liên quan đến các tài sản quốc gia như các công ty được giao quản lý những nguồn khoáng sản thì Nhà nước cần quy định giá trị vô hình là các quyền khai thác và đánh giá giá trị trữ lượng của mỏ vào giá trị doanh nghiệp.
Không nên áp dụng cứng nhắc các tỷ lệ cấu thành giá của các bộ phận tài sản của doanh nghiệp. Phương thức Hội đồng thẩm định giá với sự chủ trì
của Bộ tài chính hiện nay tỏ ra bất cập ở những phương diện: l) Cán bộ của Bộ tài chính không đủ nên nhiều doanh nghiệp phải chờ; 2) Cán bộ của Bộ tài chính không thể am hiểu giá của các loại vật tư máy móc chuyên dùng của nhiều ngành khác nhau nên định giá không chính xác; 3) Nguyên tắc thỏa thuận giữa doanh nghiệp và Hội đồng thẩm định giá mang nhiều tính chất chủ quan, không phản ánh đúng giá thị trường... Vì thế nên áp dụng các hình thức định giá của thị trường tài chính như đấu giá, định giá của các tổ chức định giá chuyên nghiệp, tư vấn định giá của các công ty chứng khoán... Về đại thể, nên đa dạng các phương pháp định giá cho phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp. Muốn vậy, cơ quan chuyên trách về cổ phần hóa phải có phương án cho từng loại đối tượng đó. Thậm chí có thể thuê chuyên gia và các doanh nghiệp định giá của nước ngoài. Ngoài ra cần cải tiến hệ thống kế toán thống kê theo chuẩn mực thế giới. Việc làm này có nhiều cái lợi như: tạo mặt bằng chung cho các công ty cổ phần có vốn trong nước và nước ngoài có chuẩn so sánh thống nhất; tạo bình đẳng cho người đầu tư trong nước và nước ngoài; dễ xác định giá trị doanh nghiệp.
Hoàn thiện vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất khi định giá doanh nghiệp. Để đảm bảo công bằng giữa các DNNN trước và sau khi chuyển đổi và công bằng với các quan hệ kinh tế khác, Nhà nước cần phải đưa giá trị quyền sử dụng đất vào định giá doanh nghiệp. Xác định giá trị quyền sử dụng dất theo đơn giá cho thuê đất hay đơn giá góp vốn liên doanh bằng đất của địa phương nơi đặt trụ sở doanh nghiệp với số năm hoạt động của doanh nghiệp và đưa giá trị đó vào định giá doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu và coi đó là phần vốn của Nhà nước trong công ty cổ phẩn. Tuy nhiên
do đặc thù của giá trị quyền sử dụng đất là không có hao mòn và mất giá trong quá trình sử dụng nên khó có thể xác định mức chi phối của Nhà nước đối với công ty chuyển đổi tương ứng với phần vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn đối với phần vốn góp liên doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Cho thí điểm áp dụng các phương pháp định giá phù hợp từng loại ngành sản xuất kinh doanh, có thể cho kết hợp phương pháp, để tìm ra hệ số so sánh, khi xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Hoàn thiện khung pháp lý cho quá trình hoạt động của các công ty kiểm toán trong hoạt động định giá doanh nghiệp. Ban lãnh đạo DNNN và các cơ quan chức năng cần có thông tin về các dịch vụ tài chính năng lực của các tổ chức tài chính trung gian. Vai trò của các tổ chức tài chính trung gian, DNNN và các cơ quan chức năng cần được xác định rõ trong việc lựa chọn tổ chức tài chính trung gian, chi trả chi phí, quản lý khách hàng và phân định trách nhiệm để tránh mâu thuẫn có thể xảy ra. Mức phí cho các tổ chức tài chính nên được quy định dựa theo mức thị trường và có thể được chi trả đầy đủ từ tiền bán cổ phiếu hoặc được Nhà nước hỗ trợ nếu cần. Các tổ chức tài chính có đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi DNNN nên được đăng ký với những điều kiện minh bạch, trách nhiệm và chuyên môn rõ ràng. Do đó việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán là một việc làm cần thiết, đặc biệt là sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các công ty kiểm toán đối với kết quả kiểm toán, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường tính pháp chế đối với các dịch vụ kế toán, tài chính, ngân hàng và áp dụng các biện pháp để đẩy nhanh tiến trình không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh. Điều đó chứng tỏ rằng muốn có kết quả kiểm toán được tin
cậy thì không những cần phải có các văn bản pháp luật tác động trực tiếp đến các dịch vụ tài chính mà còn cần đến những giải pháp quản lý tổng thể nền kinh tế từ phia Nhà nước.
Với những nhóm giải pháp cơ bản nêu trên, những vướng mắc trong việc định giá DNNN sẽ được tháo gỡ phần nào qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách chuyển đổi DNNN ở nước ta trong thời gian tới.