Thực trạng các DNNN ở Trung quốc cũng có nhiều nét giống với Việt Nam. Trung quốc cũng tiến hành cải cách DNNN một cách rộng rãi nhưng thận trọng, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa DNNN.
Chương trình cải cách để cơ cấu lại các DNNN ở Trung quốc nhằm vào các mục tiêu chính:
- Xây dựng một hệ thống doanh nghiệp hiện đại bằng cách tách chức năng kinh tế của DNNN ra khỏi các chức năng xã hội
- Nâng cao hiệu quả của các DNNN
Năm 1991, việc cổ phần hóa một bộ phận DNNN được chính thức triển khai, tại thời điểm đó có 3220 doanh nghiệp được thí điểm chuyển đổi sở hữu. Năm 1993, hơn 10000 doanh nghiệp chuyển đổi đã phát hành cổ phiếu trị giá 400 tỉ nhân dân tệ. Các chính sách tài chính thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sở hữu bao gồm xác định đối tượng cổ phần hóa là những DNNN thuộc những ngành sản xuất cơ bản là loại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các doanh nghiệp thuộc các ngành chế biến thông thường có tính cạnh tranh trên thị trường và có thể phát hành cổ phiểu rộng rãi. Kết cấu Công ty cổ phần chủ yếu được tổ chức thành 2 loại hình là CTCP hữu hạn và Công ty trách nhiệm hữu hạn. Hai loại hình này có thể thực hiện chia nhỏ thành bốn hình thức :
- Cổ phần hóa nội bộ : Đây là hình thức huy động vốn tham giá của các thành phần Nhà nước, tập thể và cá nhân mà không thực hiện biện pháp phát hành trái phiếu, không tự do chuyển nhượng cổ phần
- Tăng lượng cổ phần dựa vào vốn, tài sản hiện có, kết hợp với phương thức phát hành trái phiếu
- Liên hợp đầu tư tham gia cổ phần là hình thức liên hợp bằng tài sản, tiền, thiết bị giữa các doanh nghiệp thành viên trong một tập đoàn doanh nghiệp
- Hợp tác cổ phần là hình thức kết hợp giữa yếu tố sở hữu và yếu tố lao động, người lao động trong doanh nghiệp có quyền sở hữu một phần tài sản trong doanh nghiệp, hình thức này được áp dụng chủ yếu với doanh nghiệp quy mô nhỏ
Năm 1994, 47% cổ phiếu được bán cho người lao động trong doanh nghiệp, 46% thuộc quyền sở hữu của pháp nhân, chỉ có 7% cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của các cá nhân ngoài xã hội. Khi mua, người lao động, cá nhân hoặc tổ chức ngoài xã hội đều phải trả tiền mặt, không có những ưu đãi như miễn giảm giá, trả chậm, dùng quỹ phúc lợi. Nhà nước quy định những tài sản thăng thêm do sự cố gắng của bản thân doanh nghiệp vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, doanh nghiệp chỉ có quyền lợi của pháp nhân. Năm 1995, tỷ lệ lạm phát ở Trung quốc là 5%, lãi suất tín dụng là 12%/năm nhưng việc bán cổ phiếu vẫn thuận lợi do công chúng quan tâm đến giá trị cổ phiếu hơn là cổ tức. Điều đó cho thấy cổ phần hóa dựa trên tiêu đề là hiệu quả kinh tế, uy tín của doanh nghiệp chuyển đổi và sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Đối với việc xử lý nợ, Trung quốc ban hành những chính sách như Nhà nước cấp cho các ngân hàng thương mại một số vốn dự trữ để xóa một phần
các khoản nợ khó đòi của DNNN đối với các ngân hàng. Ngân sách Trung ương được sử dụng để chuyển nợ của DNNN thành vốn cổ phần.
Trong lĩnh vực định giá, Trung quốc sử dụng phương pháp giá trị hiện tại của tài sản. Giá trị hiện tại của tài sản được tính toán dựa trên dự đoán về khả năng sinh lời của các tài sản đó và một tỷ lệ chiết khấu thích hợp khi đánh giá lại giá trị tài sản. Ngoài phương pháp trên, Trung quốc còn áp dụng định giá bằng phương pháp chi phí thay thế. Khi áp dụng phương pháp này, giá trị tài sản được đánh giá trên cơ sở chi phí thay thế của tài sản đó bằng cách lấy nguyên giá tài sản trừ đi khấu hao cộng dồn trong thời gian sử dụng, Giá trị còn lại được gọi là chi phí thay thế tài sản. Phương pháp định giá nữa được áp dụng là phương pháp giá trị thị trường hiện tại, trong đó giá trị tài sản được đánh giá dựa vào giá thị trường của tài sản tương đương hoặc cùng loại. Phương pháp giá thanh lý là giá trị tài sản được đánh giá dựa trên giá trị tài sản tại doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có sở hữu các tài sản đó được thanh lý. Trong bốn phương pháp trên thì phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo giá thành và giá thị trường được áp dụng nhiều nhất. Bên cạnh áp dụng những phương pháp định giá cho tài sản hữu hình, định giá tài sản vô hình cũng được thực hiện nhằm mục đích tính đầy đủ giá trị của doanh nghiệp. Đối với các tài sản vô hình do doanh nghiệp tạo ra, việc định giá sẽ dựa trên chi phí để tạo ra lợi thế và khả năng sinh lời của các tài sản vô hình. Đối với tài sản vô hinh được mua hay tạo ra nhưng không thể xác định được chi phí thì việc định giá sẽ dựa vào khả năng sinh lời của tài sản vô hình.
Tóm lại, qua tìm hiểu kinh nghiệm chuyển đổi sở hữu DNNN ở các nước, ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi áp dụng như sau :
Thứ nhất, phải định giá doanh nghiệp theo nguyên tắc người mua người bán đều chấp nhận được, đảm bảo tài sản Nhà nước không bị thất thoát khi chuyển đổi DNNN, đồng thời khuyến khích được người mua cổ phần và áp dụng các phương pháp định giá linh hoạt trên cơ sở giá thị trường.
Thứ hai, phải có các chính sách ưu đãi về tài chính đối với các DNNN chuyển đổi sở hữu và các chính sách đối với người lao động trong các DNNN chuyển đổi.
Thứ ba, phải tiến hành xử lý công nợ của DNNN, Nhà nước phải chấp nhận xóa nợ, giảm vốn tùy theo tính chất và đối tượng liên quan.
Cuối cùng, Nhà nước phải xác định rõ các đối tượng DNNN phải chuyển đổi, mục tiêu chuyển đổi và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sở hữu đồng bộ và kiên định thực hiện cải cách DNNN theo những mục tiêu đã định.
Kết luận : DNNN là doanh nghiệp có sự góp vốn của Nhà nước ở mức độ đủ lớn theo quy định của từng quốc gia. DNNN có một vai trò nhất định trong nền kinh tế. Tuy nhiên DNNN cũng là khu vực hoạt động kém hiệu quả mặc dù có nhiều ưu đãi. Xu hướng cải cách, chuyển đổi DNNN là một xu hướng tất yếu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Cải cách, chuyển đổi DNNN về bản chất là quá trình giảm tỷ trọng vốn Nhà nước trong các DNNN. Vì thế, vấn đề tài chính có một tác động mạnh mẽ đến tiến trình cải cách DNNN. Xử lý nợ DNNN và định giá DNNN là hai vấn đề chủ yếu trong thúc đẩy tiến trình cải cách DNNN nhanh hay chậm. Chương này giới thiệu những vấn đề lý luận chủ yếu nhằm làm rõ mối quan hệ tác động qua lại giữa cải cách, chuyển đổi DNNN và các chính sách tài chính.
Chương 2
Thực trạng vấn đề tài chính trong tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam