2001 - 2007
Từ năm 2001 - 2007, nhìn chung nền kinh tế Thanh Hoá đạt được nhiều thành quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao, đạt bình quân 9,1%/năm. CCKT chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH.
- Về nông - lâm - ngư nghiệp: Phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng kinh tế. Sản xuất lương thực đạt kết quả khá toàn diện, sản lượng bình quân đạt 1,45 triệu tấn/năm; đã hình thành được một số vùng cây công nghiệp cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy và xuất khẩu như: mía 32.000 ha, lạc 18.000 ha, cói 4.000 ha, cao su 7.400 ha. Chăn nuôi phát triển theo mô hình trang trại; các dự án phát triển đàn lợn nạc, cải tạo tầm vóc đàn bò, chăn nuôi bò sữa triển khai có hiệu quả; tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng; năm 2007 đạt 29,7% (năm 2000 là 17,3%).
Nghề rừng được tổ chức lại và phát triển theo hướng xã hội hoá, hình thành các trang trại nông - lâm kết hợp, trồng rừng phòng hộ gắn với phát triển rừng
kinh tế. Đã tổ chức giao đất lâm nghiệp đến hộ và các tổ chức kinh tế; độ che phủ rừng tăng từ 36,6% năm 2000 lên 45% năm 2007.
Ngành thuỷ sản phát triển toàn diện cả đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần và chế biến. Sản lượng thuỷ sản năm 2007 đạt 83.909 tấn, trong đó khai thác đạt 60.779 tấn, nuôi trồng 23.130 tấn; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 13.374 ha. Một số cơ sở chế biến thuỷ sản được mở rộng, nâng cấp, đưa năng lực chế biến hải sản lên 3.700 tấn/năm, các cơ sở chế biến của tư nhân phát triển mạnh, một số cảng cá như Lạch Bạng, Lạch Hới được đầu tư, nâng cấp đã bước đầu phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng đánh bắt hải sản.
- Về công nghiệp: Sản xuất công nghiệp trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng cao. Thời kỳ 2001 - 2007 tăng bình quân 17,5%/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,4%, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 19%. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP toàn tỉnh tăng từ 26,6% năm 2000 lên 36,87% năm 2007. Hiện nay, Thanh Hoá là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng và đường kết tinh. Một số dự án lớn như công trình thuỷ lợi thuỷ điện Cửa Đạt, Nhà máy ô tô Bỉm Sơn, Nhà máy đóng sửa tàu biển Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Công Thanh, Nhà máy bột giấy và giấy 6 vạn tấn/năm, đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện để có thể đi vào hoạt động trong thời gian gần nhất. Đặc biệt, trong năm 2008 Thanh Hoá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu số 2 với số vốn đầu tư lên đến 6,2 tỷ USD.
Các ngành nghề thủ công truyền thống như: dệt nhiễu hồng đô, đúc đồng, thêu ren và dệt, rèn, mây tre đan, chiếu cói,… và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác đang được khôi phục và phát triển, nhiều loại sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường thế giới.
- Về thương mại dịch vụ: Các dịch vụ vận tải được tăng cường, với việc đưa bến số 1, số 2 - Cảng Nghi Sơn đi vào hoạt động đã mở ra cơ hội phát triển dịch vụ vận tải biển. Hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển hiện đại, đồng bộ và có chất lượng cao. Công tác tổ chức và xúc tiến thương mại có chuyển biến tích cực, thị trường ngày càng được mở rộng, giá trị hàng hoá xuất khẩu trên địa bàn tăng
bình quân 23,3%, năm 2007 đạt 108,82 triệu USD. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc các TPKT.