chương trình Ngữ Văn 12 trung học phổ thông
Qua hoạt động điều tra khảo sát, dự giờ thăm lớp, chúng tôi nhận thấy: Bên cạnh một số những thành tựu nhất định, việc dạy học văn nói
chung và việc dạy các tác phẩm kí nói riêng trong trường trung học phổ thông, cụ thể là ở chương trình Ngữ Văn 12 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Hạn chế đầu tiên là phương pháp dạy học của giáo viên. Trong quá trình dạy học, người giáo viên chưa dám bứt phá khỏi con đường mòn; chú trọng cung cấp kiến thức đơn thuần mà không quan tâm đến phương pháp. Thiết nghĩ, dạy văn học văn là phải giúp học sinh chủ động, tự mình khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm, ngôn từ, hình tượng, tự mình tìm tới những xúc cảm, những tư tưởng mà nhà văn gửi gắm vào trong “ đứa con tinh thần” của mình, để từ đó trưởng thành về trí tuệ, tâm hồn, nhân cách, thế nhưng thực tế thì lại đi ngược lại những gì chúng ta ước vọng: học sinh phải lắng nghe, phải ghi lại những lời thuyết giảng của giáo viên một cách máy móc, khô khan, đôi lúc phải khiên cưỡng biến xúc cảm của thầy thành xúc cảm của mình, phải ép mình cho rằng câu văn đó, hình ảnh đó hay, ý nghĩa, trong khi bản thân lại nhận thấy câu văn khác, hình ảnh khác hay hơn, ý nghĩa hơn. Có thể nói, công việc của người giáo viên dạy Ngữ Văn hiện nay phần nhiều là tìm kiếm, phát hiện cái hay, cái đẹp, quy chúng lại thành những nhận định chung chung và cố gắng truyền thụ các kiến thức đó cho học sinh một cách nhạt nhẽo.
Hạn chế thứ hai là vẫn còn tình trạng giáo viên dạy học theo lối đọc chậm cho học sinh viết, để sau đó học sinh học lại những gì mà giáo viên giảng chứ không được đến với tác phẩm bằng sự nỗ lực vận động của cá nhân, không được tự giác và tự nhiên cảm thụ tác phẩm. Đó là sai lầm cơ bản của người giáo viên, do không nhận thức đúng đắn vai trò cảm thụ của học sinh trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Dường như người giáo viên chú trọng quá nhiều đến văn bản, mà quên mất nhu cầu tự khám phá, tự cảm thụ của học sinh. Vì thế, học sinh luôn là người “ lắng nghe” chứ không phải là
người “ nhập cuộc”, dẫn tới học sinh gần như bị tê liệt về cảm xúc, về hứng thú học tập và trở nên thụ động, lười suy nghĩ.
Mặt hạn chế khác của tình hình dạy học văn nói chung và dạy học các tác phẩm kí nói riêng là giáo viên chưa thật sự chú ý đến đặc trưng thể loại của tác phẩm văn học nên chưa có cơ sở chắc chắn để đánh giá, phân tích tác phẩm. Vì vậy, không ít những giờ dạy học đã diễn ra khá bài bản, đảm bảo đúng một quy trình giờ dạy từ mở đầu cho đến kết thúc, nhưng cuối cùng chính người dạy cũng chưa thật sự hài lòng về nó, bởi người giáo viên chưa tìm thấy “ chiếc chìa khóa” để mở “ cánh cửa” chứa ý đồ sáng tạo của nhà văn trong tác phẩm văn học. Do đó, dù tiết dạy đã được thực hiện theo đúng quy trình của nó nhưng giáo viên vẫn không thể khai thác hết giá trị tác phẩm.
Bên cạnh đó, trong quá trình dạy học các tác phẩm kí hiện nay, giáo viên vô tình lãng quên phần hướng dẫn và chuẩn bị bài ở nhà của học sinh. Phần lớn, giáo viên chỉ tranh thủ vài giây cuối cùng để nhắc nhở học sinh chuẩn bị bài, và chuẩn bài chỉ dừng lại ở việc trả lời các câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài của sách giáo khoa. Điều đó, vô hình dung đã khiến cho học sinh xem nhẹ phần chuẩn bị bài, cũng như dẫn tới một thực trạng học sinh chép phần hướng dẫn chuẩn bị bài trong sách tham khảo, sách tài liệu, hoặc chép bài của bạn, chỉ một số rất ít học sinh có ý thức chuẩn bài cẩn thận.
Một hạn chế nữa của quá trình dạy học môn Ngữ Văn và tác phẩm kí là quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa được hợp lí, chưa vừa sức, chưa có tác dụng tạo động lực cho học sinh học tập. Đề kiểm tra, hoặc câu hỏi giáo viên đưa ra khi thì quá khó, khi thì quá dễ, hoặc thiếu chính xác về khoa học, ngôn từ không rõ ràng, khiến cho học sinh không hiểu được đề, câu hỏi và không trả lời được. Khi tình trạng đó diễn ra
quá lâu, sẽ khiến cho học sinh không còn hứng thú học tập vì học sinh sẽ mang tâm lí: có cố gắng cũng không đạt điểm cao, không trả lời được câu hỏi của thầy cô đưa ra... Bên cạnh đó, việc chấm, sửa bài cho học sinh cũng còn nhiều thiếu sót. Trả bài cho học sinh không đúng thời gian quy định, thường là lâu hơn quy đinh, sửa bài không cụ thể, chi tiết. Phần lớn điểm số cho bài làm của học sinh thường ở mức trung bình, khá, rất ít điểm giỏi (điểm 8, điểm 9 càng ít hơn, và gần như không có điểm 10). Vì thế, việc kiểm tra đánh giá không đem lại hứng thú và động cơ học tập cho học sinh, mà càng khiến cho học sinh cảm thấy nặng nề, chán nản.