- Chương trình thu dọn vệ sinh khu vực lòng hồ: Thực hiện các biện pháp thu dọn vệ sinh khu vực lòng hồ
9.2.1. Danh mục các phương pháp sử dụng
Báo cáo Đánh giá tác động môi trường - công trình thuỷ điện Krông Hnăng” giai đoạn TKKT chúng tôi có kế thừa các kết quả nghiên cứu về các yếu tố môi trường của các viện nghiên cứu và các cơ quan liên quan đến chuyên ngành môi trường. Sử dụng số liệu điều tra, khảo sát hiện trạng môi trường tự nhiên, cũng như kinh tế - xã hội khu vực dự kiến xây dựng công trình và toàn lưu vực.
Trong quá trình tiến hành phân tích, dự báo và đánh giá các tác động của dự án tới các yếu tố môi trường, chúng tôi có sử dụng các nhóm phương pháp và các phương pháp: Phương pháp thống kê; phương pháp điều tra, khảo sát; phương pháp so sánh; phương pháp đánh giá nhanh; phương pháp ma trận; phương pháp nghiên cứu, phân tích trong phòng thí nghiệm (nhóm phương pháp chung được sử dụng để lập báo cáo); Phương pháp chuyên gia; phương pháp so sánh; phương pháp tính toán thực nghiệm bao gồm: phương pháp tính xói mòn đất, phương pháp dự báo sạt lở tái tạo bời hồ, phương pháp hệ số ô nhiễm, phương pháp lan truyền chất ô nhiễm, phương pháp lan truyền tiếng ồn, phương pháp tính sinh khối lòng hồ,… (nhóm phương pháp sử dụng trong đánh giá và dự báo các tác động).
- Nhóm phương pháp chung (sử dụng lập báo cáo):
+ Phương pháp thống kê: Sử dụng các tài liệu thống kê thu thập được của địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), cũng như các tài liệu nghiên cứu đã được thực hiện từ trước tới nay của các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội. Những tài liệu này được hệ thống lại theo thời gian, được hiệu chỉnh và giúp cho việc xác định hiện trạng môi trường, cũng như xu thế biến đổi môi trường trong khu vực dự án, làm cơ sở cho việc dự báo tác động môi trường khi thực hiện dự án, cũng như đánh giá mức độ tác động đó.
+ Phương pháp điều tra, khảo sát: Trên cơ sở các tài liệu về môi trường đã có sẵn, tiến hành điều tra, khảo sát khu vực dự án nhằm cập nhật, bổ sung các tài liệu mới nhất, cũng như khảo sát hiện trạng môi trường trong khu vực dự án.
+ Phương pháp đánh giá nhanh: Bằng kinh nghiệm của các chuyên gia, trong quá trình điều tra khảo sát thực địa, ngay tại địa bàn nghiên cứu việc đánh giá tác động đã được thực hiện sơ bộ đối với một số yếu tố môi trường như: môi trường sinh thái, môi trường kinh tế - xã hội,...
+ Phương pháp ma trận: Để đánh giá tổng hợp tác động môi trường chúng tôi đã lập ma trận các tác động, đồng thời tiến hành cho điểm tác động. Việc định lượng hoá các tác động môi trường là một công việc khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường dự án thuỷ điện Krông Hnăng chúng tôi đã cố gắng thực hiện việc cho điểm các tác động theo một thang điểm nhất định.
+ Phương pháp nghiên cứu, phân tích trong phòng thí nghiệm: Để đánh giá hiện trạng môi trường nước, không khí, đất,… chúng tôi đã tiến hành đi thực địa, lấy mẫu và phân tích trong phòng thí nghiệm. So sánh kết quả phân tích với TCNV để đánh giá chất lượng của môi trường nền.
- Nhóm phương pháp sử dụng để đánh giá, dự báo các tác động:
+ Phương pháp chuyên gia: Báo cáo có sự tham gia của chuyên gia trong lĩnh vực môi trường thuộc: Viện Địa chất và Môi trường, Viện Địa lý, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,...
+ Phương pháp tính toán thực nghiệm: Sử dụng các phương trình thực nghiệm của các tác giả trong nước, cũng như nước ngoài để tính toán, dự báo sạt lở bờ hồ, xói mòn tiềm năng và xói mòn hiện tại toàn lưu vực dự án, tính toán lượng phù sa lắng đọng trong lòng hồ, tính toán sinh khối bị ngập, dự báo biến đổi chất lượng nước,...
+ Phương pháp so sánh: Nghiên cứu các diễn biến môi trường tại một số các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi đã và đang được xây dựng và vận hành như Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà, Yaly, Sông Hinh, Dầu Tiếng, Trị An,... để dự báo các tác động có thể xảy ra đối với các yếu tố như địa chất, khí hậu, thuỷ văn, chất lượng nước,... cho công trình.