2. Mục tiêu nghiên cứu
1.2.3.2. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là xu hướng vận động có tính khách quan, dưới tác động của nhiều nhân tố ảnh hưởng của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan; trong nước và nước ngoài. Trên thực tế, cùng với quá trình hình thành và phát triển phong phú, đa dạng của các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, thì cơ cấu giữa các ngành cũng ngày càng phức tạp và luôn biến đổi theo nhu cầu xã hội, theo đà phát triển của thị trường và theo khả năng của sản xuất để khai thác các nguồn lực vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa nâng cao hiệu quả của sản xuất. Quá trình đó thể hiện sự tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, là bước chuyển từ chỗ khai thác sử dụng các tài nguyên và nguồn lực thực dụng vì mục đích trước mắt, mục đích có tính nội bộ (người sản xuất, trong từng vùng riêng biệt, tiêu dùng nội bộ) sang sử dụng hợp lý, khoa học hơn, gắn lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài, gắn lợi ích kinh tế với các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Quá trình đó được khái quát bởi các xu hướng sau:
- Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trước hết là quá trình chuyển từ nền nông nghiệp độc canh, mang tính tự cấp, tự túc sang nền nông nghiệp sinh thái đa dạng và bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có nghĩa là sản xuất sản phẩm để bán chứ không phải để tiêu dùng cho bản thân và gia đình họ. Vì vậy, sản xuất ra loại hàng hóa gì? Sản lượng bao nhiêu? Cơ cấu chủng loại thế nào? Điều đó không phụ thuộc người sản xuất mà chủ yếu phụ thuộc
vào mức độ và khả năng tiêu thụ của thị trường, do sự chi phối của thị trường, đó là mối quan hệ: Thị trường - Sản xuất hàng hóa - Thị trường.
Phát triển sản xuất hàng hóa giúp phá bỏ cơ cấu kinh tế cũ, lạc hậu, xác lập cơ cấu kinh tế mới tiên tiến phù hợp. Một khi cơ cấu kinh tế nông nghiệp được xác lập hợp quy luật, sẽ mở đường cho phát triển sản xuất hàng hóa. Cho nên có thể nói, không thể đẩy mạnh sản xuất hàng hóa mà không biến đổi cơ cấu sản xuất và ngược lại, nếu không biến đổi cơ cấu sản xuất thì cũng không có hoặc có rất ít hàng hóa để cung ứng ra thị trường. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phải được xem là vấn đề cốt lõi.
Xu hướng có tính tất yếu mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã trải qua trong chuyển dịch cơ cấu nông thôn trước hết là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp: chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, rau quả, giảm tỷ trọng lương thực.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ thuần nông sang phát triển nông nghiệp tổng hợp
Một xu hướng song hành cùng quá trình chuyển từ nền nông nghiệp tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thuần túy sang kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp và ngư nghiệp. Sự kết hợp giữa các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp vừa xuất phát từ yêu cầu nội tại của từng ngành, từng mối quan hệ giữa các ngành và yêu cầu của việc khai thác sử dụng các tiềm năng để phát triển kinh tế, vừa giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời khôi phục, bảo vệ và tạo lập môi trường sinh thái bền vững.
Sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo các xu hướng vận động trên là kết quả tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến sự chuyển
dịch cơ cấu nông nghiệp bao gồm các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp tổng hợp và dịch vụ nông nghiệp được phát triển và phát triển với tốc độ nhanh làm cho cơ cấu kinh tế có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành lâm ngư nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Sự phát triển của các ngành được thực hiện trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó gắn bó giữa nông nghiệp với các ngành dịch vụ, kể cả dịch vụ du lịch.
Như vậy cơ cấu nông nghiệp trước hết là một bộ phận của cơ cấu kinh tế, là một ngành lớn một tổng thể hữu cơ của nhiều ngành nhỏ, với nhiều cấp hệ khác nhau, không ngừng hoàn thiện và phát triển trong sự ổn định tương đối, trong các mối quan hệ chằng chịt, tác động và tùy thuộc lẫn nhau giữa các yếu tố, được xác định bằng các quan hệ tỷ lệ về số lượng và chất lượng. Cơ cấu nông nghiệp chịu sự tác động mạnh mẽ của các điều kiện tự nhiên: đất đai, khí hậu, thời tiết, nguồn nước và các điều kiện kinh tế xã hội.