2. Mục tiêu nghiên cứu
1.2.3.1. Quan điểm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp phải gắn với khai thác triệt để các lợi thế so sánh của đất, nước cũng như của từng vùng, từng địa phương
Nước ta có nhiều lợi thế trong kinh tế, như lợi thế về tự nhiên, lao động, lợi thế về các nghề truyền thống... Một số địa phương lại có những lợi thế riêng, để vận dụng quan điểm này vào quá trình chuyển dịch cơ cấu, đòi hỏi phải đánh giá khách quan, có cơ sở khoa học những lợi thế so sánh của đất nước cũng như từng vùng địa phương trong quá trình phát triển các ngành.
Khai thác lợi thế so sánh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến sự hình thành các sản phẩm, các ngành mũi nhọn mà đất nước có khả năng, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đi vào chuyên môn hóa. Tuy nhiên, nhiều lợi thế so sánh của đất nước cũng như từng vùng địa phương đa dạng ở tiềm năng. Khai thác có hiệu quả các lợi thế đó hay không còn phụ thuộc chiến lược phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, cần nhận thức rằng khai thác lợi thế so sánh trong chuyển dịch cơ cấu không có nghĩa là tập trung sản xuất sản phẩm ta có, mà phải luôn hướng theo nhu cầu thị trường, phải nhạy bén
trước nhu cầu thị trường. Vận dụng quan điểm này vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ từ Nhà nước trung ương đến các ngành, địa phương.
- Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải phù hợp khả năng của nền kinh tế và quan hệ quốc tế hiện nay.
Đòi hỏi phải đánh giá khách quan đúng khả năng nền kinh tế (tài nguyên, vốn, lao động, khoa học...). Trên cơ sở đánh giá đúng khả năng nền kinh tế, lựa chọn một cơ cấu thích hợp, xác định quy mô phát triển đúng từng ngành, từng sản phẩm. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có tác động lớn đến sự phát triển nông nghiệp Việt Nam. Từ khi Việt Nam đổi mới các chính sách kinh tế (1986), sản lượng nông nghiệp đã tăng nhanh, với động lực chính là việc tự do hóa nhanh chóng nền kinh tế quốc dân và thừa nhận vai trò của người nông dân như là một tác nhân kinh tế tự chủ. Sự tăng trưởng này đã giúp giảm nghèo một cách rõ rệt ở nông thôn và Việt Nam đã chuyển mình từ một nước phải nhập khẩu lương thực thành một nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới. Đồng thời từ một nước xuất khẩu cà phê như Việt Nam cũng đã trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất cà phê . Trong trường hợp lúa gạo, sự gia tăng sản lượng nếu không có xuất khẩu chắc chắn sẽ chậm hơn nhiều, bởi vì lượng gạo dư thừa sẽ làm giảm giá gạo trong nước xuống mức thấp hơn so với giá đạt được nhờ xuất khẩu. Do đó, rõ ràng là sự tồn tại của thị trường thế giới và sự hội nhập của Việt Nam vào những thị trường này là điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành nông nghiệp.
Nền nông nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ khả năng cạnh tranh quốc tế bằng cách tăng thị phần một loạt các hàng hóa nông nghiệp quan trọng của mình trong thương mại toàn cầu. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực đó, khu vực nông thôn tăng trưởng chậm hơn so với toàn bộ nền kinh tế nói
chung và vẫn là một khu vực có vấn đề với tỷ lệ nghèo phổ biến với nhiều hình thức.