Yêu cầu về ngôn ngữ thơ

Một phần của tài liệu Hệ thống quan niệm thơ thời thơ mới (1932 1945) (Trang 84 - 90)

2. Các phương diện hình thức thơ

2.1.2Yêu cầu về ngôn ngữ thơ

Ngôn ngữ là một hệ thống mã, là phương tiện giao tiếp phổ biến nhất trong xã hội. Không chỉ có vậy, ngôn ngữ còn là văn hóa, một thứ truyền thống, là kho tàng trí tuệ của một dân tộc, có cội rễ sâu xa trong sức mạnh tinh thần chung của cả dân tộc, nó mang trong mình hệ thống giá trị tinh thần vô giá. Ngôn ngữ là phương tiện, là chất liệu nghệ thuật của văn học. Ngôn ngữ thi ca là một kiểu ngôn ngữ đặc biệt, khác ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ văn xuôi. Nó có những đặc trưng riêng khác, đưa người đọc vào thế giới nội tâm, để cất lên tiếng nói tâm tình của thi nhân.

Phong trào Thơ mới bùng nổ và phát triển qua nhiều chặng đường trong một khoảng thời gian tuy không dài, song đã đủ làm nên “một cuộc cách mạng trong thi ca”. Nhìn lại một cách khách quan, Thơ Mới đã có những giá trị tích cực về nội dung tư tưởng và đóng góp không nhỏ trong hình thức nghệ thuật. Bộ mặt thơ ca đã có nhiều thay đổi đáng kể: thể thơ, cách thể hiện các trạng thái cảm xúc trong thơ…đặc biệt là những đóng góp mới mẻ trong ngôn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

ngữ thi ca. Đó là bởi những yêu cầu về ngôn ngữ thi ca đã được đặt ra nghiêm túc ngay từ những tranh luận, lí luận đương thời, và tìm tòi trải nghiệm qua sáng tác. Các học giả, thi sĩ đã ý thức được vai trò của ngôn ngữ, với tư cách chất liệu nghệ thuật, trong sáng tạo. Xuất phát từ sự phân tích đặc điểm ngôn ngữ Tiếng Việt: đơn âm tiết, thanh điệu dồi dào, phong phú; căn cứ thực tế sáng tác của các tác giả Thơ Mới, các học giả đã chỉ ra những đặc điểm cũng như những yêu cầu về ngôn ngữ của Thơ Mới như sau:

1. Ngôn ngữ thơ được mở rộng, mới mẻ, sáng tạo trên cơ sở đặc trưng ngôn ngữ Việt cùng với ảnh hưởng của thơ Pháp và phương Tây. Thơ cũ sử dụng lối diễn đạt ước lệ, khuôn sáo nên ngôn ngữ trong thơ mòn cũ, chung chung. Ta có thể luôn gặp trong thơ cũ những cụm từ như: non nước, não nùng, bể thảm vơi đầy, giọt ngâu tầm tã, trăm thương ngàn nhớ, cung cầm, lênh đênh, bụi hồng, mệnh bạc, nỗi niềm, con tạo, lòng son, chiếc bách giữa

dòng, đua chen, phong lưu… đến mức chúng trở nên nhàm chán. Với Thơ

Mới, ngôn ngữ thơ được mở rộng, phong phú và đa dạng theo hướng cá thể hóa, cụ thể hóa cao độ. Theo tác giả Thi nhân Việt Nam, cái mới nhất của Thơ Mới chính là cái tôi cá nhân, đứng trong thế đối lập với cái ta của Thơ cũ. Và cái Tôi có biểu hiện hết sức phong phú trong nội dung cũng như cách thức biểu hiện. Xét riêng về ngôn ngữ thơ, với việc cá thể hóa ngôn ngữ cao độ, nhằm thể hiện cái riêng, cái tôi trong phong cách nghệ thuật của từng nghệ sĩ, thi nhân lại càng năng nổ khám phá, tìm tòi cách thức diễn đạt mới của ngôn ngữ, xem đó là một cái đích để khẳng định tài năng và sự sáng tạo của mình. Cảm nhận về sự phong phú đa dạng trong ngôn ngữ và phong cách của Thơ Mới, Hoài Thanh đã nhận định: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên, và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu…” [88]. Nói về thực tế này, Thế Lữ cũng xác nhận: “Bọn làm thơ chúng tôi bây giờ khác ông (chỉ Tản Đà, một đại diện của thơ cũ, theo Thế Lữ), không muốn cảm xúc như ông và cũng không thể cảm xúc như ông. Nỗi lòng của chúng ta phức tạp hơn, ta đau đớn thấm thía hơn và khi ta vui mừng thì sự hớn hở của ta cũng có nhiều tình sắc lạ” [55]. Bởi vậy, sự đa dạng, mở rộng phong phú của ngôn ngữ trong thơ là yêu cầu tất yếu, và đã tạo không gian rộng cho nhà thơ thoả sức sáng tạo, thể hiện tài năng và cái tôi của nghệ sĩ.

2. Ngôn ngữ thơ cần giàu nhạc điệu và hình ảnh. Thơ trung đại đã nhắc đến yêu cầu “thi trung hữu họa”, “thi trung hữu nhạc” như là một yêu cầu nghệ thuật của thơ, có được nhờ khả năng tượng thanh và tượng hình của ngôn ngữ. Thơ Mới, với việc phóng túng, phá cách trong niêm luật, vần điệu lại càng đặt ra yêu cầu cao cho tính nhạc, khả năng tạo hình, xem đó là một trong những chuẩn quan trọng nhất của tác phẩm thơ (xem phần 1.2.2.3, 1.2.2.4, chương III): “thơ phải bao gồm tính cách của nhạc và của họa”. Và ngôn ngữ thơ phải đảm nhận trách nhiệm này: “thanh âm, màu sắc ghi bằng chữ và gợi lên bằng lời… Ý tình, cảm giác cũng ghi bằng chữ và gợi lên bằng lời” [93].

Để tạo nhạc điệu và hình ảnh trong thơ, các thi sĩ cần phát huy vẻ đẹp của ngôn ngữ. Cụ thể là vận dụng các thủ pháp nghệ thuật, các biện pháp tu từ (từ những lối so sánh bình thường đến các lối ẩn dụ, nhân hóa; từ cụ thể đến trừu tượng…) và trên cơ sở nắm được đặc điểm thanh âm của tiếng Việt (đơn âm tiết, thanh điệu dồi dào phong phú), tìm tòi sáng tạo các thể nghiệm mới, các diễn đạt mới táo bạo (như tạo thêm nhiều từ mới, đặc biệt là các liên từ, than từ và giới từ…), tăng hiệu quả diễn đạt của ngôn ngữ lên mức tinh tế, làm câu thơ thêm duyên dáng, ý nhị:

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn Trời cao xanh ngắt. Ô kìa!

Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.

(Thế Lữ)

Và non nước. Và cây. Và cỏ rạng

Cho chuyếnh choáng mùi thơm. Cho đã đầy ánh sáng

(Xuân Diệu)

Về vấn đề này, phái bênh vực thơ cũ lên án lối ngôn ngữ mới mẻ tân kì, cho rằng nó lố bịch, thiếu thẩm mĩ và nhại thơ Pháp một cách ngô nghê. Song các học giả Thơ mới đã lập luận rất thuyết phục về sự học hỏi ấy, coi đó là sự mở rộng trường nghĩa và vốn từ cho tiếng Việt, nó là cần thiết và cốt nhất là giữ được bản sắc Việt. Ngôn ngữ Thơ Mới rất giàu nhạc điệu, hình ảnh, biện pháp tu từ… diễn tả tinh tế, phong phú các trạng thái cảm xúc và muôn mặt của bức tranh cuộc sống. Và điều quan trọng hơn cả, là Thơ Mới đã làm người đọc say mê chính bởi những mới mẻ ấy của ngôn từ. Ngôn ngữ tiếng Việt như được trẻ lại, giàu thêm trong ngôn ngữ Thơ Mới.

3. Ngôn ngữ thơ phải có tính dân tộc. Đây là một yêu cầu lớn đặt ra trong thi ca giai đoạn này. Trên con đường đi của Thơ Mới, sau những tìm tòi thể nghiệm, sau những phá phách rồi lại kiến thiết, cuối cùng thì họ đã “quay về hòa giải với truyền thống” (chữ dùng của Trần Đình Hượu). Xuân Diệu, trong bài luận có tựa đề Tính cách An Nam trong văn chương đã nêu quan điểm rất đúng đắn về tinh thần cần phải có trong tranh luận: “Cốt nhất không phải là thắng trong tranh luận; cốt nhất không phải lòng tự ái; chỉ một điều ta nên nghĩ, dầu ta phải hay ta trái, là tiếng Việt Nam mà ta yêu” [12].

Không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng rằng các thi nhân Thơ Mới đã chịu ảnh hưởng rất lớn của thi ca Pháp và phương Tây: “Mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp” [88]. Sự ảnh hưởng ấy là trên nhiều phương diện, trong đó có ngôn ngữ. Song, hồn dân tộc vẫn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

khẳng định sức sống mạnh mẽ. Và “thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam. Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải” [88]. “Đời nào văn Việt Nam lại dung túng những lối văn sống sượng, một lối văn nô lệ cho văn Tàu hay văn Tây! Trong văn chương cũng có một luật đào thải tự nhiên; những cái phản với tinh thần quốc văn tất phải tiêu diệt” [12].

Quả đúng như các tác giả đã xác định, sau bao thể nghiệm, tranh cãi trên thi đàn và trong sáng tác, cuối cùng, “những cái ngông cuồng trái với tinh thần tiếng Việt đều mất. Hồn thiêng của cha ông còn nương trong tiếng nói đã giữ con cháu không cho làm loạn”. Thơ Mới nhận ra “tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt” [88]. Cái “tinh thần nòi giống” ấy, trước hết được gửi gắm trong ngôn ngữ thơ: “ Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương vào trong tình yêu Tiếng Việt” [88]. Tiếng Việt là một biểu hiện của tính dân tộc nên các tác giả đã có ý thức trau chuốt, làm mới, sáng tạo, làm giàu có cho vốn tiếng Việt, tăng khả năng diễn tả mọi cung bậc cảm xúc, mọi sắc màu cuộc sống cho ngôn ngữ Việt, mà vẫn giữ được “tính cách An Nam trong văn chương” [12].

4. Ngôn ngữ phải đạt chuẩn cô đọng súc tích. Đây cũng là một trong những quan niệm có tính truyền thống của văn học. Thơ xưa đã đặt ra yêu cầu “ý tại ngôn ngoại”, ngôn ngữ thơ phải cô đọng súc tích. Kế thừa quan điểm truyền thống đó, các học giả, thi sĩ Thơ Mới cũng có nhiều phát biểu, lí luận thể hiện yêu cầu này đối với ngôn ngữ thi ca.

Trong Việt Nam thi ca luận (1942), ông Lương Đức Thiệp đã đặt ra yêu cầu tổng hợp, là một trong hai tôn chỉ cho sáng tác. Tổng hợp là “chỉ phải dùng ít âm thanh mà diễn tả được nhiều”, ngôn ngữ thơ phải cô đọng súc tích. Ông cũng đã khẳng định lợi thế của tiếng Việt (so với tiếng Pháp) là thứ tiếng

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

thuộc loại đơn âm, tự nó đã có tính cách độc lập và thi sĩ phải biết tận dụng lợi thế đó khi sáng tác để ngôn ngữ thơ đạt chuẩn cô đọng, tổng hợp cao.

Xuân Diệu cũng rất tâm đắc với yêu cầu cô đọng, súc tích của thơ và ngôn ngữ thơ. Trong bài Thơ ngắn, ông đã viết say sưa, đầy xúc cảm về yêu cầu ngắn, cô đọng của thơ: “Ta dàn trải để làm gì? Ta hãy đọng lại nơi vài dòng châu sáng... Nhà thi sĩ không bán những thùng nước loãng chỉ tốt để tưới đường cho vạn chân đi; người chỉ tặng một, hai giọt thơm, đựng trong những bình thủy tinh sáng loáng….cũng như một giọt sương tinh mà gió đêm gieo trên đời, làm bằng sự kết đọng của muôn thước - khối bóng trăng” [15]. Ở một bài báo khác, bài Thơ khó, thi sĩ trở lại luận bàn về vấn đề này. Ông khẳng định “cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó… Người thi sĩ gắng sức đi tìm , đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cái lõi của sự vật. Vì vậy, thơ phải súc tích, phải sắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần…thơ vẫn là sự sống, nhưng đây là sự sống đọng lại, kết tinh lại, biến thành cái đẹp” [16]. Vì thế, ngôn ngữ thơ cần đạt tới sự lung linh đa nghĩa, “phải khó”. Theo Xuân Diệu, thơ cô đọng súc tích thì khó nắm bắt, “nhưng khi hiểu được câu nào thì câu ấy lồ lộ một vẻ đẹp nguy nga” [16]. Và người thưởng thức vẻ đẹp cuả thơ phải suy nghĩ, phải nghiền ngẫm, để có thể thâu nhận thông điệp từ ngôn ngữ, chiêm ngưỡng “vẻ đẹp lồ lộ nguy nga” của thi ca.

Nhận định: Cùng với yêu cầu đổi mới thi ca nói chung, các học giả và thi sĩ Thơ Mới đã đặt ra yêu cầu đổi mới ngôn ngữ thi ca, như một đòi hỏi tất yếu trong sự đổi mới toàn diện, sâu sắc của thơ ca chặng đường này. Sau những năm tháng dài của thi ca trung đại, dưới những quy tắc luật lệ gò bó, hệ thống ngôn ngữ đã mất dần sinh lực biểu hiện. Thơ Mới đã góp phần hồi sinh, nâng cao hơn khả năng diễn tả của vốn ngôn ngữ Việt. Trên cơ sở kế thừa tinh hoa truyền thống, sáng tạo mới mẻ, các thi sĩ đã vận dụng một số vốn từ mới và loại bỏ hầu hết những từ ngữ sáo rỗng, ước lệ của thơ ca cũ; những từ ngữ

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

cũ còn được dùng thì đã được “thổi” vào đó nội dung và cách diễn tả mới. Đây có thể được xem là một bước tiến dài của ngôn ngữ thi ca, để ngôn ngữ thơ đạt tới độ hiện đại. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Hệ thống quan niệm thơ thời thơ mới (1932 1945) (Trang 84 - 90)