Trong những năm qua, nhân lực y tế đã có nhiều đóng góp to lớn và đã đạt được nhiều thành tựu; nhiều dịch bệnh và bệnh xã hội đã được khống chế hoặc loại trừ; sức khỏe và tuổi thọ của nhân dân tăng; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ngày càng giảm. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến đã được áp dụng và triển khai thành công như ghép gan, ghép thận... đưa nền y học nước ta tiến dần tới trình độ khu vực và thế giới.
Trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y tế để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đang đặt ra những áp lực lớn đối với công tác đào tạo.
Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân có tốt hay không, một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu là đội ngũ cán bộ y tế, những người trực tiếp khám, chăm sóc và cung cấp các dịch vụ y tế cho nhân dân. Chất lượng của các dịch vụ y tế này phần lớn phụ thuộc vào chính bản thân người thầy thuốc. Một người thầy thuốc giỏi về chuyên môn, tận tụy với nghề nghiệp, có lương tâm đạo đức tốt thì chất lượng phục vụ sẽ được nâng cao, đặc biệt là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu vùng xa, hải đảo - nơi mà cán bộ y tế vừa thiếu, vừa yếu; trang thiết bị y tế còn nhiều thiếu thốn, thì vai trò của người thầy thuốc càng trở nên quan trọng hơn nhiều lần. Vì vậy, để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo và đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, vấn đề cấp bách hiện nay mà ngành Y tế cần giải quyết đó là về nhu cầu nhân lực như: số lượng và chất lượng, về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng thực hành nghề nghiệp và y đức. Để giải quyết vấn đề đó, ngành Y tế nói chung và cac các cơ sở đào tạo nhân lực y tế nói riêng cần thực hiện các biện pháp nhằm mục đích
định hướng đào tạo nhân lực Y , xây dựng các chính sách và cơ chế phù hợp với yêu cầu đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo.
Các cơ sở đào tạo y dược cần có những chuyển biến tích cực trong đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của ngành Y tế.
Các cơ sở y dược công lập và ngoài công lập, các nhà tuyển dụng nắm được năng lực đào tạo, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo về số lượng và chất lượng để đặt hàng và cung ứng các dịch vụ hỗ trợ đào tạo, tạo môi trường cho sinh viên các trường thực hành, thực tập, rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Để có được những cán bộ ngành Y giỏi về chuyên môn, ngời sáng về y đức, cùng với việc nâng cao kiến thức chuyên môn, văn hoá, khoa học kĩ thuật… chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên ngành Y. Để công tác giáo dục đạo đức, giáo dục y đức đạt được hiệu quả tốt hơn nữa cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề Y, nêu gương người tốt việc tốt; phát huy tính tích cực chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện của sinh viên ngành Y; giáo dục y đức cho sinh viên ngành Y thông qua các hình thức sinh hoạt mang ý nghĩa chính trị - xã hội - thực tiễn; đổi mới chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành Y. Chúng ta tin rằng, một xã hội lành mạnh, lấy công bằng, thương yêu đùm bọc làm phương châm sẽ là đất lành cho ngành Y tế Việt Nam phát triển.