Nguyên nhân của thực trạng trên

Một phần của tài liệu Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế ở việt nam hiện nay (Trang 70 - 76)

2.3.3.1. Nguyên nhân của thành tựu

Những thành tựu đạt được trong quá trình giáo dục y đức của các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y hiện nay là kết quả tổng hợp của các nguyên nhân khách quan và chủ quan mà trước hết là do thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 25 năm đổi mới đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực trong đó có công tác giáo

dục. Đó là kết quả của đường lối giáo dục - đào tạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, của chính sách đổi mới, trực tiếp là đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Đảng ta đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của giáo dục trong sự phát triển đất nước. Nhà nước đã có những cố gắng lớn trong việc đầu tư cho giáo dục, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành giáo dục, của các nhà trường, của đoàn viên, sinh viên, trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ phía gia đình và xã hội. Thực tế ấy đã tác động sâu sắc tới nhận thức, tình cảm của đoàn viên, sinh viên cả nước trong đó có sinh viên các cơ sở đào tạo nhân lực ngành y, tạo cho họ có cơ sở củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, tin tưởng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ hai, do thường xuyên có sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục y đức cho sinh viên, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bên cạnh việc trang bị những tri thức lí luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống, các nhà trường luôn gắn giáo dục chính trị tư tưởng với giáo dục truyền thống của dân tộc, truyền thống của ngành, của nhà trường. Các nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi nghe báo cáo tình hình thời sự trong nước và quốc tế, các chuyên đề về văn hoá, kinh tế, xã hội, học tập nghị quyết của Đảng, của Đoàn… giúp cho sinh viên có sự hiểu biết nhất định về tình hình chính trị - xã hội trong và ngoài nước.

Thứ ba, vai trò của người thầy giáo, người thầy thuốc đối với việc hình thành và phát triển nhân cách của người học.

Đội ngũ thầy giáo, thầy thuốc ưu tú trong các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y là những tấm gương sáng về mặt y đức cho các em noi theo. Các thầy cô giáo đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, lối sống của người học. Nhiều thầy cô giáo có tâm huyết, gắn bó với nghề, ngoài việc truyền thụ kiến

thức, các thầy cô còn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện y đức cho sinh viên. Thực tiễn đó đã chứng minh lời dạy của Hồ Chủ tịch tại lớp học chính trị giáo viên năm 1959 rằng: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”.

Thứ tư, do quá trình tự tu dưỡng, tự rèn luyện của sinh viên trong các cơ sở đào tạo nhân lực ngành y. Tự tu dưỡng, tự rèn luyện để trở thành người có ích là một nguyên lý của triết học xã hội. Vận động bao giờ cũng là tự thân, không thể chờ đợi từ cái “huých” ban đầu nào cả. Là lớp người trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết và thích được khẳng định mình. Đại đa số sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên ngành Y nói riêng luôn luôn có ý thức vươn lên, tự vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong học tập và sinh hoạt để đạt được thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Chưa bao giờ xã hội lại tạo nhiều cơ hội cho người học thể hiện vai trò “trung tâm” trong mối tương quan vốn có của quá trình sư phạm như hiện nay (học sinh là trung tâm, giáo viên là chủ đạo). Nhìn vào bảng thành tích học tập và rèn luyện của sinh viên ngành Y bước đầu làm cho những ai khó tính cũng phải hài lòng.

Khảo sát thực tế những trường ngành Y các cơ sở đào tạo nhân lực ngành y, cho phép chúng ta khẳng định rằng, trong những năm gần đây, hầu hết sinh viên trong các nhà trường y đều tích cực tự tu dưỡng, tự rèn luyện theo những nguyên tắc, chuẩn mực về y đức. Số sinh viên đạt kết quả cao trong học tập ngày càng nhiều hơn, sinh viên ngày càng tự giác thực hiện các nội quy, quy chế của nhà trường. Tình trạng bỏ học và vi phạm nội quy, quy chế trong học tập ngày càng giảm. Sinh viên ngành Y đã có những hiểu biết và những việc làm cụ thể chứng tỏ vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

2.3.3.2. Nguyên nhân của mặt hạn chế, yếu kém

Mặt hạn chế, yếu kém trong thực trạng giáo dục y đức ở các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y hiện nay có thể có nhiều, ở mức độ khái quát nhất chúng ta có thể đề cập đến những nguyên nhân chủ yếu sau:

Quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Bên cạnh mặt tích cực cần được khẳng định, cơ chế thị trường cũng có mặt trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội nói chung, đến ý thức, tình cảm đạo đức sinh viên nói riêng. Không ít sinh viên y khoa khi còn ngồi trên ghế nhà trường được giáo dục đầy đủ, thấm nhuần lí tưởng cách mạng, nhưng khi bước vào cuộc sống họ đã bị gục ngã trước sự cám dỗ của đồng tiền. Và cũng chính sự cạnh tranh gay gắt trong thương trường đã dẫn đến tình trạng phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội. Sự phân hoá này đã tác động tới mọi thành viên trong xã hội, trong đó có sinh viên ngành Y. Ngành Y là một trong những ngành đòi hỏi phải có ý thức, chuẩn mực hành vi đạo đức cao nhất. Nhưng lại là ngành có nhiều thuận lợi cho việc làm giàu. Do vậy, người thầy thuốc phải đối mặt với hai xu hướng: nếu chạy theo đồng tiền, làm giàu bằng mọi cách thì y đức bị tổn hại; nếu giữ gìn y đức thì phải chấp nhận cuộc sống thanh đạm. Trong cuộc đấu tranh đó, nhiều thầy thuốc vẫn vững vàng, nhưng cũng có một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế chạy theo đồng tiền làm tổn hại đến truyền thống y đức. Thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục y đức cho sinh viên ngành Y.

Mặt khác, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang có tác động tiêu cực đến một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên ngăn cản sự nghiệp đổi mới của nước ta. Đối với sinh viên, mục tiêu của chúng hòng làm phai nhạt lí tưởng cách mạng, xa rời truyền thống dân tộc. Chúng lợi dụng những đặc điểm tâm lí sinh viên như: năng động, nhạy bén với cái mới, thích mạo hiểm, ưa khám phá… để kích động, lôi kéo dẫn tới tình trạng một số sinh viên vi phạm đạo lí, vi phạm pháp luật. Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lí của nhà nước, nhiều văn hoá phẩm độc hại, tư tưởng tự do, lối sống theo kiểu phương Tây thích hưởng thụ đang được truyền bá vào nước ta. Chúng sử dụng một số phần tử trí thức biến chất, để xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành quả cách mạng và

quá khứ hào hùng của dân tộc, hòng làm cho thế hệ trẻ Việt Nam bị lẫn lộn, không phân biệt được phải, trái, đúng, sai nhằm tạo nên một lớp người phi chính trị, sống mờ nhạt không có lí tưởng, thiếu hoài bão và ước mơ.

Đối với các tổ chức Hội sinh viên, công tác Hội ở một số cơ sở đào tạo nhân lực ngành y còn lúng túng, thụ động, cán bộ Hội đa phần là sinh viên luân chuyển nhanh lại không thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nên gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, điều hành. Việc tập huấn cán bộ Hội ở một số trường còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. Vì vậy hiệu quả hoạt động thấp. Công tác chỉ đạo của các cấp Hội đôi khi còn chưa kịp thời, thiếu nhạy bén, kém sáng tạo. Đặc biệt công tác kiểm tra còn chưa được chú trọng. Một số trường, vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn đối với tổ chức Hội còn hạn chế, nhất là trong việc phát huy vai trò, sự chủ động, sáng tạo của tổ chức Hội sinh viên. Đối với hội viên, sinh viên còn có một bộ phận thờ ơ với tổ chức, ít tham gia các hoạt động tập thể. Mặt khác, việc phát huy vai trò tự nguyện, tự giác, ý thức trách nhiệm của sinh viên đối với công tác Hội và phong trào sinh viên còn chưa cao.

Một nguyên nhân hết sức quan trọng khác là từ chính sinh viên- với tư cách là đối tượng được giáo dục. Bên cạnh những mặt tích cực, trong một bộ phận sinh viên tỏ ra thiếu ý thức rèn luyện y đức. Nhiều sinh viên tỏ thái độ thờ ơ, lãnh đạm trong các giờ học các môn: đạo đức nghề nghiệp, tâm lí y học, các môn lí luận Mác-Lênin. Còn có các hiện tượng bỏ học, bỏ trực bệnh viện, ngại tham gia các hoạt động của Đoàn, của Hội. Còn một số sinh viên có lối sống thực dụng, đua đòi ăn chơi, thậm chí một số sinh viên còn sa vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, ở các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y hiện nay cần phải tăng cường công tác quản lí sinh viên, kết hợp với việc đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Phương pháp giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên cần hết sức mềm dẻo, thiết thực.

Ngoài ra phương pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp ở các cơ sở đào tạo thiếu linh hoạt, chưa nhạy bén và kém phần thiết thực. Nhiều khi chạy

theo phong trào (các đợt thi đua hay nhân dịp kỉ niệm một sự kiện nào đó). Do sự quản lý của Nhà nước còn chưa chặt chẽ, công tác đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn tiêu cực trong xã hội chưa cao, môi trường xã hội nhìn chung còn ô nhiễm. Bên cạnh đó, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, từ những tấm gương phản diện… cũng gây hậu quả không tốt cho công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên ngành Y nói riêng.

Tóm lại nguyên nhân của những mặt hạn chế trong thực trạng giáo dục y đức cho sinh viên các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y chủ yếu là do ý thức tự giáo dục, tự tu dưỡng của một bộ phận sinh viên còn thấp.

Tóm lại, nghề Y là một nghề đặc biệt trong đó nhân lực y tế là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định phạm vi cũng như chất lượng dịch vụ y tế. Nghị Quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”, đã khẳng định “nghề Y là một nghề đặc biệt, vì vậy cần được đào tạo và sử dụng một cách đặc biệt”. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực vừa đảm bảo đủ về số lượng, vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và vừa có cơ cấu nhân lực y dược hợp lý cho ngành Y tế để phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đang đặt ra những áp lực lớn đối với công tác đào tạo. Vì vậy, đào tạo nhân lực y dược nói riêng đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là hướng đi đúng, nhằm làm thay đổi căn bản nhận thức của các cơ sở đào tạo, nhận thức của các cơ sở y dược trong và ngoài công lập và người học, tạo bước chuyển biến thực sự về tư duy, cách nghĩ, cách làm giáo dục trong điều kiện ràng buộc về nguồn lực còn hạn hẹp, để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả đầu tư cho giáo dục nói chung và nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư cho đào tạo nhân lực y dược nói riêng để có được những người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, ngời sáng về y đức.

Chương 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ NƯỚC TA HIỆN NAY ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ NƯỚC TA HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế ở việt nam hiện nay (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w