Thư viện, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy

Một phần của tài liệu Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế ở việt nam hiện nay (Trang 45 - 48)

Hầu hết các trường đào tạo thuộc khối ngành Y đều trang bị hệ thống máy tính cho cán bộ và sinh viên/học viên nhà trường sử dụng trong các mục đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, một số nhà trường đã trang bị một hệ thống máy tính được nối mạng Internet tốc độ cao (ADSL), mạng máy tính nội bộ (mạng LAN); đồng thời lắp đặt nhiều điểm phát sóng Internet không dây đảm bảo thuận lợi cho việc truy cập Internet miễn phí của cán bộ, sinh viên/học viên và khách đến làm việc tại nhà trường.

Hiện nay, nhiều trường đang phối hợp với một công ty công nghệ thông tin chuyên nghiệp xây dựng phần mềm tích hợp trong việc quản lý thông tin nhân sự, quản lý hồ sơ học sinh viên/học viên, quản lý nghiên cứu khoa học, quản lý tài chính và quản lý thư viện v.v… Phần mềm này sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý thông tin một cách hệ thống và truy cập thông tin toàn diện, kịp thời.

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, một trong những cơ sở vật chất không thể thiếu là hệ thống thư viện hiện đại hoạt động theo mô hình kho mở với vốn tài liệu cập nhật, phong phú, bao gồm nhiều đầu sách, tạp chí nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước. Một số trường trang bị khá hiện đại, như Trường Đại học Y tế Công cộng, cùng với cơ sở dữ liệu Libol giúp bạn đọc tra cứu trực tuyến các tài liệu hiện có của nhà trường, thư viện còn tham gia vào các liên hợp thư viện, các sáng kiến chia sẻ nguồn lực thông tin, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên thông tin, điển hình có HINARI với quyền truy cập tới hơn 3750 tạp chí y sinh học tên tuổi trên thế giới, EBSCO với các nguồn tin phong phú về y, dược học, khoa học xã hội... Bên cạnh đó, với định hướng lấy bạn đọc làm trung tâm, thư viện còn triển khai nhiều hình thức hỗ trợ bạn đọc như hỗ trợ tra cứu qua email, qua điện thoại, tổ chức các

lớp hướng dẫn người dùng tin định kỳ hàng tuần, lồng ghép phần hướng dẫn sử dụng thư viện và khai thác thông tin vào các môn học chính khoá cho sinh viên hệ cử nhân, cao học, mời chuyên gia đến báo cáo khoa học về khai thác sử dụng các nguồn thông tin mới... Với đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, tận tình với bạn đọc, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, như hệ thống quản lý mượn trả qua Barcode, máy tính nối mạng phục vụ tra cứu, hệ thống Internet không dây, các góc học tập cá nhân trong không khí yên tĩnh với đầy đủ tài liệu hỗ trợ đã đáp ứng được tối đa yêu cầu của người sử dụng nói chung và của sinh viên/học viên của nhà trường nói riêng.

Theo báo cáo của 10 trường (5 trường đại học và 5 trường cao đẳng) về thư viện cho thấy, diện tích xây dựng bình quân/1 thư viện là 412m2 và diện tích sử dụng bình quân/1 thư viện là 339m2; Học viện Quân y đang xây dựng thư viện điện tử, còn lại 9 trường chưa có thư viện điện tử.

Tổng số giáo trình của 10 trường tự biên soạn là 277 với 19.111 cuốn, trong đó 237 giáo trình do 5 trường đại học biên soạn và 40 giáo trình do 5 trường cao đẳng biên soạn. Nếu tính bình quân, một trường đại học y dược đã biên soạn được 47,4 giáo trình và một trường cao đẳng y dược chỉ biên soạn được 8 giáo trình phục vụ giảng dạy và học tập. Với tỷ lệ bình quân 69 cuốn/1 giáo trình cho thấy, giáo trình của các trường, đặc biệt là các trường cao đẳng là không tương thích với quy mô đào tạo. Bên cạnh giáo trình tự biên soạn, các trường cũng đã tổ chức dịch 18 tài liệu từ tiếng nước ngoài, trong đó các trường đại học dịch 4 tài liệu và các trường cao đẳng dịch 14 tài liệu.

Đối với chương trình đào tạo của một ngành, số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ bình quân các môn học/học phần có giáo trình phục vụ giảng dạy, học tập khối kiến thức giáo dục đại cương đạt 59,2% và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp đạt 62,3% [7, tr.33].

Về giáo trình giáo dục y đức, đã có khá nhiều sách viết về y đức, nhiều lời dạy của các bậc tiền nhân trong ngành Y trong nước và trên thế giới về

đạo đức và phẩm chất người thầy thuốc. Chúng ta lại có nhiều tấm gương sáng về đạo đức y tế từ xưa tới nay.

Nhiều bậc thầy mẫu mực trong ngành, nhiều các thầy dạy trong các trường y, dược, nhiều cán bộ quản lý ngành đang công tác và đã nghỉ hưu tha thiết với sự nghiệp y tế, sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe con người Việt Nam hôm nay và sức khỏe dân tộc Việt Nam ngày mai, sánh vai cùng với các dân tộc trên thế giới sẽ hăng hái đóng góp kinh nghiệm của mình trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức y tế, một nhiệm vụ vẻ vang và cực kỳ quan trọng trong công cuộc đào tạo cán bộ y tế ở nước ta.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, GS Nguyễn Đức Hinh nhìn nhận, ngành Y tế có một lịch sử rất đáng tự hào và có nhiều đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ngành Y đúng là có những vấn đề về y đức phải quan tâm tăng cường trang bị y đức cho cán bộ ngành Y tế: “Thực tế, sự vận hành của y đức chưa theo kịp sự vận hành của cơ chế thị trường. Do vậy, việc thành lập bộ môn Y đức và Y xã hội học thuộc Khoa Y tế công cộng của trường là cần thiết để việc dạy y đức cho sinh viên đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và xã hội”.

Trước mắt, hai trường gồm Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất: Đại học Y Hà Nội sẽ viết giáo trình dùng giảng dạy cho sinh viên hai trường những kiến thức về Y đức (khả năng chuyên môn) và Y xã hội học (khả năng tư vấn bệnh lý) cần cho một bác sĩ. Sau đó, sẽ chỉnh sửa giáo trình để dùng giảng dạy trong các trường y dược cả nước.

Thực tế vấn đề y đức đã - đang được dạy cho sinh viên trong các trường nhưng chưa đúng. Qua khảo sát chương trình ở 7 trường có đào tạo về y, điểm chung là các trường đều dạy về lịch sử ngành y, 12 điều y đức… Điểm yếu của bác sĩ là không có kiến thức về xã hội học vì mảng này chưa được học trong trường. Do vậy, khi làm việc họ tận dụng được rất ít về chuyên môn dẫn đến không có khả năng tư vấn bệnh lý…

Trưởng Khoa Y tế Công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội), GS. TS Trương Việt Dũng cho biết, y đức được giảng dạy trong nhà trường được 10 năm nay. Thế nhưng, việc đào tạo cho sinh viên mới chỉ dừng ở khâu chăm sóc bệnh nhân chứ chưa chú trọng đến tâm lý. Việc đào tạo thêm cho sinh viên về Y xã hội học để chăm sóc về tâm lý cộng với kiến thức xã hội thì việc chăm sóc người bệnh được tốt hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức giảng dạy môn Y đức và Y xã hội học như thế nào cho hiệu quả đang là vấn đề lúng túng không chỉ của một vài trường.

Nội dung bác sĩ được làm gì và không được làm gì thì nhà trường vẫn đang giảng dạy cho sinh viên. Nhưng nội dung khoa lúng túng nhất là giảng dạy “ứng xử với bệnh nhân” cho sinh viên thế nào, ứng xử như thế nào cho đúng, hiệu quả trong điều trị cần sự tư vấn của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Như vậy, có thể nói rằng, giáo trình của các trường đại học, cao đẳng y dược là chưa đủ về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập, dẫn đến dạy chay, học chay ở một số môn học, học phần.

Một phần của tài liệu Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế ở việt nam hiện nay (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w