sinh viên ngành Y thông qua các hình thức sinh hoạt mang ý nghĩa chính trị - xã hội - thực tiễn
Như đã đề cập ở phần trên, một trong những nguyên nhân của những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp về y đức của một bộ phận sinh viên hiện nay là do thời gian qua, việc giáo dục đạo đức, lối sống có phần bị coi nhẹ, chưa được quan tâm một cách đúng mức. Vì vậy, để nâng cao y đức cho sinh viên ngành Y hiện nay, đồng thời với việc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cần phải tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề y, nêu gương “người tốt, việc tốt” để sinh viên học tập.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên ngành Y cần phải thực hiện tốt các nội dung như: giáo dục truyền thống đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc, những nguyên tắc chuẩn mực của đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa, những phẩm chất, giá trị đạo đức của người thầy thuốc, pháp luật của nhà nước, qui định của ngành… Trong đó, đặc biệt chú trọng giáo dục tiêu chuẩn y đức theo 12 điều qui định về y đức do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 6/11/1996.
Giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề y cho sinh viên cần sử dụng tổng hợp nhiều hình thức, như: giáo dục tập trung thông qua các đợt học tập, lễ kỉ niệm; giáo dục thông qua tổ chức các hoạt động thực tiễn, giao lưu văn hoá giữa các trường.. Trong đó giáo dục y đức thông qua hoạt động thực tiễn chuyên môn nghề nghiệp của sinh viên tại bệnh viện thực tập có vị trí đặc biệt quan trọng. Thực tiễn vốn là “người thầy” vĩ đại của nhận thức. Nó không chỉ giúp con người nhận thức được hiện thực khách quan, củng cố, nâng cao những hiểu biết đã có, loại bỏ những hiểu biết không đúng hoặc đã lỗi thời… mà còn là môi trường giúp con người hình thành những phẩm chất nhân cách cần thiết.
Thực hiện phương châm: giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, trong công tác giáo dục y đức ngoài những giờ lên lớp môn đạo đức nghề nghiệp, tâm lý y học và các môn khoa học Mác-Lênin, các trường y cần kết hợp với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức nhiều hình thức hoạt động mang ý nghĩa chính trị - xã hội - thực tiễn để thông qua đó giáo dục đạo đức, giáo dục y đức cho sinh viên. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương pháp giáo dục hiện đại là phương pháp kết hợp, sử dụng nhiều phương pháp giáo dục cho những đối tượng và môn học khác nhau.
Đặc biệt phong trào hiến máu nhân đạo hàng năm, đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia, được sinh viên ngành Y hưởng ứng nhiệt tình. Hiến máu cứu người là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, một hành động mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, việc làm thể hiện và tiếp nối được truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Phong trào hiến máu nhân đạo hàng năm ở các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đã thu được kết quả tốt, đòi hỏi Đoàn thanh niên, Hội sinh viên của các nhà trường vận động sinh viên, triển khai phong trào tốt hơn nữa trong những năm tới.
Các phong trào thanh niên tình nguyện hè, đội sinh viên tình nguyện tham gia khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng chính sách, người nghèo và người có công với cách mạng của sinh viên các trường đại học, cao đẳng ngành Y cả nước thực sự là những hoạt động bổ ích, những hoạt động đó có ý nghĩa giáo dục y đức cao. Đó là những buổi thực hành y đức thiết thực cho sinh viên. Tuy nhiên số lượng sinh viên tham gia vào các hoạt động của đội sinh viên tình nguyện còn hạn chế; thế mạnh vốn có của sinh viên trường y trong hoạt động của các đội nói chung và đội sinh viên tình nguyện nói riêng chưa được phát huy triệt để; số lượng và thời gian đến với vùng sâu, vùng xa của các đoàn bác sĩ trẻ chưa đáp ứng được nhiều so với
nhu cầu và kì vọng của đồng bào nơi đây. Các phong trào này cần được triển khai một cách rộng khắp và đa dạng, phong phú, vận động được nhiều sinh viên tham gia hơn nữa.
Trong giáo dục đạo đức, giải pháp “Nêu gương tốt” (người tốt, việc tốt) có ý nghĩa vô cùng to lớn. Năm 1968 Hồ Chí Minh chủ trương xuất bản loại sách “Người tốt Việc tốt” và cho rằng “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Đây là một quan điểm, một tư tưởng giáo dục lớn của Hồ Chí Minh. Trước đây Người từng viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [22, tr.89]. Điều đó cho thấy, trong giáo dục - nhất là giáo dục đạo đức - việc nêu gương tốt có tác dụng, có sức thuyết phục vô cùng to lớn và ngày nay chúng ta cần phát huy.
Sinh thời từ năm 1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào “người tốt, việc tốt” để xây dựng nhân rộng điển hình và mười năm sau loại sách “người tốt, việc tốt” mới xuất bản. Hiện nay phong trào này đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Thiết nghĩ các nhà trường y cần tăng cường hưởng ứng phong trào đó, kịp thời phát hiện biểu dương những thầy giáo, thầy thuốc, những sinh viên có những hành vi dù nhỏ nhưng nói lên y đức cao cả của người thầy thuốc. Mặt khác, trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền của nhà trường cần thường xuyên đưa những thông tin về người tốt, việc tốt trong ngành Y tế và trong các lĩnh vực khác trên phạm vi cả nước. Gần đây Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 13/7/2007 đưa tin Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định khen thưởng đột xuất bác sĩ Ngô Đức Đễ, trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đồng Nai sau khi tiến hành phẫu thuật thành công một ca vỡ tim do tai nạn lao động. Đây là người đầu tiên của ngành Y tế trong thời kì đổi mới được Thủ tướng khen thưởng đột xuất vì đã
có thành tích trong khám chữa bệnh, nêu cao tấm gương “Lương y như từ mẫu”.
Mặt đối lập của “người tốt việc tốt” là “người xấu việc xấu”. Do đó, cùng với việc nêu gương người tốt, việc tốt chúng ta cũng cần phê phán những tấm gương phản diện về đời sống đạo đức nói chung, y đức nói riêng. Bên cạnh những tấm gương sáng về y đức, dám hi sinh cả tính mạng của mình để làm thí nghiệm hay sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì bệnh nhân, vì độc lập tự do của Tổ quốc (như bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm)… Cũng còn không ít cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã có biểu hiện tha hoá về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng xấu đến công tác giáo dục y đức cho sinh viên. Theo Báo Công an nhân dân (số ra ngày 1/11/2006), chỉ riêng địa bàn Thành phố Hà Nội từ năm 2004 đến nay đã khám phá 10 vụ, bắt 21 đối tượng, thu giữ, tiêu huỷ hàng triệu cơ thuốc tân dược giả… cùng hàng tạ nhãn, mác giả các biệt dược nổi tiếng thế giới.
Không chỉ mua bán, tàng trữ thuốc giả, nhãn, mác giả, đặc biệt hơn có bác sĩ cai nghiện cũng bán thuốc nghiện. Báo Công an nhân dân (số ra ngày 13/9/2005) đưa tin bác sĩ Lí Thanh Sơn đã bị cơ quan cảnh sát điều tra về ma tuý, công an Thành phố Cần Thơ khởi tố với tội danh “mua bán trái phép chất ma tuý”...