Phân tích đánh giá ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Biện pháp chỉ đạo hoạt động tổ chuyên môn ở các trường trung học phổ thông huyện Thạch Thất - Hà Nội (Trang 69 - 72)

2.4.1.1. Về các Ưu điểm và nguyên nhân * Ưu điểm:

Hiệu trưởng các trường THPT huyện Thạch Thất có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo duy trì nề nếp, chế độ hội họp tổ chuyên môn ở trạng thái ổn định. Về quản lý chuyên môn, các trường đảm bảo giảng dạy đầy đủ nội dung phân phối chương trình theo đúng quy định; hoạt động chuyên môn ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến đáng kể; giáo dục toàn diện được chú trọng.

Trong những năm gần đây, hoạt động của tổ chuyên môn ở các trường THPT trong huyện có nhiều nội dung thiết thực, đã đi vào nề nếp và bước đầu có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục trong nhà trường. Đội ngũ giáo viên từng bước được trưởng thành qua tham gia vào các hoạt động của tổ chuyên môn và thực tế giảng dạy.

Tổ trưởng chuyên môn năng nổ, nhiệt tình có tinh thần trách nhiệm, giáo viên đa số trẻ, khỏe có tinh thần tự học tự rèn phấn đấu vươn lên vừa nâng cao trình độ đào tạo vừa nâng cao tay nghề, an tâm công tác, đoàn kết gắn bó vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng năm học.

Hiệu trưởng các trường đã tác động bằng nhiều biện pháp thiết thực để có được các tổ trưởng chuyên môn giỏi, các thành viên trong tổ chuyên môn tích cực hoạt động, có năng lực sư phạm để thực hiện tốt kế hoạch của nhà trường đề ra. Đó là những việc làm rất quan trọng, vì nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là hoạt động dạy và học. Các giải pháp chỉ đạo hoạt động tổ chuyên môn của các hiệu trưởng đề ra là bước đầu có nhiều kết quả, giải quyết được nhiều vấn đề về chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

* Nguyên nhân

- Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học. Tăng cường kiểm tra hoạt động chuyên môn trong các trường học nhằm kiểm soát chất lượng giáo dục và nâng cao kết quả giảng dạy, học tập ở các trường. Quan tâm chỉ đạo thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn huyện mà khâu đột phá là xây dựng nề nếp hoạt động của tổ chuyên môn; nhiều nội dung cần thiết phải thực hiện trong hoạt động tổ chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu của chương trình thay sách giáo khoa mới. Sở đã tăng cường công tác thanh tra chuyên môn, đặc biệt là thanh tra chuyên đề về công tác quản lý của hiệu trưởng, hoạt động của các tổ chuyên môn.

- Hiệu trưởng các trường từng bước quan tâm quản lý các hoạt động chuyên môn của trường, xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và phẩm chất, các tổ trưởng chuyên môn giỏi làm nòng cốt trong chuyên môn, làm chuyển biến chất lượng giảng dạy, giáo dục ở từng trường THPT trong toàn huyện.

2.4.1.2. Về các hạn chế và nguyên nhân * Hạn chế

Nhìn chung hoạt động tổ chuyên môn của các trường THPT trong huyện còn nhiều hạn chế, giáo viên chưa nắm bắt kịp thời tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học nên trong quá trình vận dụng giảng dạy còn nhiều khiếm khuyết.

Các biện pháp quản lý hoạt động tổ chuyên môn của hiệu trưởng đạt hiệu quả thấp nhất là thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, các hoạt động chưa đi sâu vào một vấn đề chuyên môn cụ thể để áp dụng có hiệu quả trong thực tế giảng dạy

Về bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thông qua hoạt động tổ chuyên môn các hiệu trưởng có quan tâm song kết quả thực hiện hiệu quả chưa cao.

* Nguyên nhân

Một số hiệu trưởng trường THPT chưa qua học bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, quản lý trường học, số còn lại được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý vào những năm 1990 nên kiến thức đã lạc hậu vì vậy mà bị tụt hậu so với đà phát triển chung nên chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực hoạt động thực tiễn trong quản lý thực tế. Sự chỉ đạo của hiệu trưởng đối với các tổ chuyên môn chưa sâu sắc, còn giao khoán cho phó hiệu trưởng chuyên môn và các tổ trưởng chuyên môn. Nội dung chỉ đạo hoạt động tổ chuyên môn của một số hiệu trưởng còn chung chung chưa đem lại điều gì mới mẽ cho giáo viên. Công tác kiểm tra của hiệu trưởng còn yếu chưa làm tròn nhiệm vụ tư vấn, thúc đẩy các hoạt động của tổ chuyên môn; việc xử lý các giáo viên vi phạm chưa kiên quyết, còn cả nể.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học các trường hiện có chưa đủ đáp ứng cho hoạt động dạy và học. Năng lực của các tổ trưởng chuyên môn còn hạn chế do chưa được bồi dưỡng về các kỹ năng quản lý tổ chuyên môn một cách có hệ thống. Bản thân các giáo viên còn coi thường, ít tham gia vào các hoạt động của các tổ chuyên môn.

Một phần của tài liệu Biện pháp chỉ đạo hoạt động tổ chuyên môn ở các trường trung học phổ thông huyện Thạch Thất - Hà Nội (Trang 69 - 72)