Về hệ thống tổ chức quản lý công tác học sinh của nhà trường

Một phần của tài liệu Quản lý công tác học sinh tại trường Trung cấp nghề Thái Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 52 - 56)

8. Cấu trúc luận văn

2.2.2.Về hệ thống tổ chức quản lý công tác học sinh của nhà trường

Hệ thống tổ chức của Trường Trung cấp nghề Thái Bình gồm các khoa, bộ môn và bốn phòng chuyên môn nghiệp vụ: Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức – Tổng hợp hành chính, Phòng Kế toán, và Phòng Tuyển sinh – Dạy nghề ngắn hạn – Tư vấn việc làm. Do quy mô, và nhu cầu đào tạo hiện tại còn nhỏ hẹp, nên nhà trường chưa có phòng chuyên môn phụ trách công tác học sinh,

tuy nhiên nhà trường có Bộ phận phụ trách Công tác học sinh thuộc Phòng Tổ chức – Tổng hợp hành chính.

Sơ đồ 2.1: Hệ thống tổ chức, quản lý Trường Trung cấp nghề Thái Bình

Hiệu trưởng nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo công tác học sinh. Tuy nhà trường chưa có Phòng Công tác học sinh độc lập nhưng hầu hết mọi nội dung về công tác học sinh đều được Hiệu trưởng chỉ đạo thực hiện đầy đủ.

Bộ phận phụ trách Công tác học sinh là đầu mối giúp Hiệu trưởng thực hiện nội dung công tác học sinh trong toàn trường. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp học sinh là những người trực tiếp hướng dẫn và thực hiện các nội dung đó trong phạm vi lớp mình phụ trách. Mỗi lớp học sinh đều có giáo viên chủ nhiệm theo sát, hướng dẫn mọi hoạt động, và quan tâm chu đáo đến từng học sinh. Khi thành lập lớp, các lớp đều được chỉ định ban cán sự lâm thời; sau khi lớp ổn định và vào đầu từng kỳ học, các lớp đều tổ chức bầu ban cán sự lớp cho kỳ học đó. Ban cán sự lớp được hướng dẫn tổ chức các hoạt động để giúp lớp ổn định, gắn bó và tạo thuận lợi cho từng thành viên trong lớp phát huy năng lực của mình.

Nhà trường đã đưa công tác học sinh đi vào nề nếp ổn định, tạo thuận lợi cho học sinh học tập và rèn luyện tại trường. Tuy nhiên, vì nhà trường mới được thành lập được 5 năm từ năm 2006, và do đặc thù riêng của hệ thống

Ban giám hiệu

Các khoa - bộ môn Giáo viên Bộ phận phụ trách CTHS Phòng Kế toán Phòng TS- DNNH- TVVL Phòng Đào tạo Phòng Tổ chức- THHC

đào tạo nghề nên bộ máy tổ chức của nhà trường nói chung và bộ máy làm công tác học sinh nói riêng vẫn chưa được hoàn thiện, và còn nhiều bất cập.

Bộ phận phụ trách Công tác học sinh thuộc Phòng Tổ chức – Tổng hợp hành chính; đội ngũ giáo viên và giáo viên chủ nhiệm lớp trực thuộc các khoa, bộ môn và phòng đào tạo nên việc phối hợp thực hiện một số hoạt động có liên quan đến học sinh còn cồng kềnh, vướng mắc, chưa linh hoạt. Công tác học sinh là một bộ phận thuộc Phòng Tổ chức – Tổng hợp hành chính nên việc tổ chức các hoạt động chưa được chủ động, gây cản trở cho việc thực hiện các nội dung công tác. Mặt khác, bộ phận này hiện tại chỉ do một cán bộ nữ đảm trách, nội dung công tác học sinh thì dài và đối tượng học sinh của nhà trường đa số là nam giới và ý thức kỷ luật của học sinh chưa cao, nên việc thực hiện công tác này còn nhiều hạn chế.

Theo kết quả điều tra thực trạng công tác học sinh của nhà trường, 66% cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường cho rằng việc tổ chức thực hiện công tác học sinh của nhà trường chưa hệ thống, còn chồng chéo, hoặc vẫn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. 83% nhìn nhận việc phối hợp giữa các phòng, ban trong việc thực hiện công tác học sinh chưa chặt chẽ.

Công tác học sinh của nhà trường hiện nay được chỉ đạo thực hiện theo một chiều, theo chiều dọc từ trên xuống, từ Hiệu trưởng đến các phòng, khoa, bộ môn và tới các lớp. Do đó việc thực hiện công tác này còn bị động, chưa tạo được động lực sáng tạo cho các đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó, nó làm cho các mục tiêu của công tác này không được tất cả các đơn vị thấu hiểu và thực hiện mà chỉ đơn giản là việc thực thi các chỉ thị từ trên xuống. Vì vậy, mục đích của các hoạt động đưa ra thường không đạt được và thậm chí còn bị hiểu sai và thực hiện sai.

Theo kết quả điều tra, 67% cán bộ quản lý cho rằng đội ngũ thực hiện công tác học sinh của nhà trường còn mỏng và chưa hiệu quả. 83% nhận định ý thức học sinh của nhà trường chưa tốt và 50% cho rằng đầu tư của nhà trường cho công tác này chưa được thỏa đáng.

Quy chế công tác học sinh của nhà trường đã được xây dựng. Quy chế đã quy định về quyền, nghĩa vụ của học sinh và những việc học sinh không được làm. Quy chế cũng nêu rõ các nội dung công tác học sinh trong nhà trường, các quy định về thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã xây dựng quy chế đánh giá kết quả rèn luyện học sinh. Việc thực hiện công tác học sinh trong nhà trường dựa chủ yếu vào hai quy chế trên. Tuy vậy, các quy định mới chỉ nằm ở dạng văn bản, chưa được áp dụng triệt để vào thực tiễn quản lý của nhà trường. Những quy định đó chưa được cụ thể, chưa sát thực tế và việc phối hợp thực hiện các quy định đó chưa chặt chẽ, không tạo được sự nghiêm minh và công bằng trong quản lý học sinh. Do đó, công tác quản lý học sinh của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác học sinh tuy là một nhiệm vụ quan trọng trong một nhà trường, công tác này bao gồm rất nhiều công việc nhỏ và kết quả của công tác này khó đong đếm được, vì vậy công tác này thường không được đánh giá đúng mức trong các nhà trường nói chung. Mặt khác, ý thức, thái độ của học sinh không chỉ chịu ảnh hưởng từ trong nhà trường, mà còn bị tác động mạnh mẽ từ đời sống xã hội. Trong khi đó, xã hội hiện nay không coi trọng đào tạo nghề, không mong muốn con em mình trở thành công nhân, nên sự quan tâm của gia đình và xã hội đối với lĩnh vực đào tạo này và với những học sinh học nghề là chưa thỏa đáng, thậm chí còn coi thường. Cùng với đó, dưới sự tác động của kinh tế thị trường, internet, thế hệ trẻ có thể tiếp xúc với các nguồn thông tin khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, và sự tha hóa về đạo đức xã hội do đồng tiền mang lại cũng xâm lấn tới các nhà trường. Điển hình là các vụ việc bạo lực học đường hiện nay là điều đáng báo động. Do đó, các thầy cô giáo, cán bộ làm công tác học sinh trong nhà trường hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nghiêm công tác này.

Một phần của tài liệu Quản lý công tác học sinh tại trường Trung cấp nghề Thái Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 52 - 56)