Xây dựng trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia

Một phần của tài liệu Quản lý dạy học ở trường trung học phổ thông Nguyễn Du - Thanh Oai thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia (Trang 33 - 35)

1.3.2.1 Sự cần thiết phải xây dựng trường trung học phổ thông đạt chuẩn

Qua ba lần cải cách và quá trình đổi mới những năm gần đây, giáo dục Việt Nam (bao gồm cả đào tạo, sau đây gọi chung là giáo dục) đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, giáo dục đã bộc lộ những yếu kém, bất cập, trong đó có những vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài. Nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp về giáo dục có hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, nay đã không còn phù hợp, cần được điều chỉnh.

Yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao đòi hỏi giáo dục phải đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, nhanh chóng góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nếu không đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo thì nhân lực sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước.

Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, khoa học giáo dục và sự cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia đòi hỏi giáo dục phải đổi mới. Thực chất cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay là cạnh tranh về nguồn nhân lực và về khoa học và công nghệ. Xu thế chung của thế giới khi bước vào thế kỷ XXI là các nước tiến hành đổi mới mạnh mẽ hay cải cách giáo dục.

Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” và “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”.

Đây là những vấn đề đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo cấp thiết phải đổi mới thực sự mới có thể bắt kịp với xu thế và nhu cầu của người dân.

Chuẩn hóa trong giáo dục thực chất là chuẩn hóa các thành tố giáo dục, hiện nay chúng ta đã ban hành được một số bộ chuẩn như; chuẩn các môn học, chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn đầu ra của sinh viên,... vậy việc ra đời bộ tiêu chuẩn trường trung học đạt chuẩn quốc gia là một lẽ tất yếu.

Để đáp ứng ngày một càng cao hơn về nguồn nhân lực cho xã hội và mỗi địa phương, nhiệm vụ của các nhà trường phổ thông ngày càng nặng nề hơn đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn và trong đó nguyện vọng đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia là một nhu cầu khách quan, hợp quy luật. Hơn nữa phấn đấu xây dựng trường trung học đạt chuẩn quốc gia là những nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tốt kế hoạch chiến lươc phát triển của nhà trường

1.3.2.2. Con đường, cách thức thực hiện

Mỗi nhà trường có những đặc điểm riêng về mặt mạnh cũng như mặt yếu có những thời cơ và thách thức khác nhau và vì thế mà con đường tiến tới đạt chuẩn cũng không giống nhau. Tuy nhiên có thể chỉ ra những thuộc tính chung cho quá trình xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia bao gôm;

* Tập trung rà soát đối chiếu từng tiêu chuẩn theo Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Có kế hoạch cụ thể để phấn đấu đạt dần từng yêu cầu cụ thể qua từng học kỳ, từng năm học. Có thể tổ chức hội nghị chuyên đề về trường chuẩn quốc gia, coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm nhất của đơn vị.

* Thường xuyên đối chiếu với các tiêu chuẩn để xác định rõ những tiêu chuẩn chưa đạt, xác định nguyên nhân đề ra giải pháp khắc phục trong những năm học tiếp theo.

* Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên, học sinh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể, hội cha mẹ học sinh về mục đích ý nghĩa của công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia từ đó vận động mọi nguồn lực và lực lượng xã hội cùng tham gia.

* Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của từng học sinh, từng khối lớp và toàn trường, trên cơ sở đó cần xây dựng và đề ra các biện pháp tốt nhất để đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.

* Chú trọng nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm túc quy định của ngành, giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban.

* Tổ chuyên môn cần có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giáo viên và của cả tổ chuyên môn; xây dựng các chuyên đề chuyên môn có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy - học ngay từ đầu mỗi năm học.

* Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho cán bộ quản lý, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, giao chỉ tiêu tự học, tự bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chỉ tiêu thi giáo viên giỏi hàng năm nhằm tăng tỷ lệ giáo viên giỏi các cấp. Chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại trường THPT đã đạt chuẩn ,..

Một phần của tài liệu Quản lý dạy học ở trường trung học phổ thông Nguyễn Du - Thanh Oai thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)