Dương Thuấn sử dụng linh hoạt giọng điệu trong thơ. Việc sử dụng nhiều giọng điệu khác nhau sẽ đem lại hiệu quả cao trong biểu đạt cảm xúc. Ta thấy anh có giọng tự hào, kiêu hãnh khi viết về quê hương:
Ta là chàng trai của núi Ta chỉ biết nói lời cho quả sai ...
- Ta là họ Dương
Hổ liền cõng ta vượt núi ...
Ta đi bốn phương trời
Không phương nào để ngỏ...
(Ra đi)
Khi viết về cảnh quê hương còn nghèo khó, người dân lam lũ vất vả thơ anh thấm thía giọng buồn :
Quê hương không đủ chỗ để đánh rơi đồng xu Ba bước chân gặp núi
Ra khỏi cửa là leo là lội
(Quê hương)
Bây giờ ngựa về tàu khác Một mình anh ôm câu hát Đi tìm bóng núi ngày xưa
(Đi tìm bóng núi)
Giọng điệu vui tươi, phóng khoáng khi say sưa trước vẻ đẹp thiên nhiên
«Kìa thảo nguyên đẹp là thế ». Chính sự phong phú về giọng điệu đã giúp anh
thể hiện đầy đủ những cung bậc cảm xúc, trạng thái khác nhau làm nên những thành công trong thơ anh. Đồng thời chất giọng thơ cũng góp phần thể hiện nét phong cách riêng của Dương Thuấn trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, giọng điệu chủ đạo và cũng là giọng điệu thấm thía nhất trong thơ anh là giọng điệu thủ thỉ, tâm tình tạo thành nét duyên rất riêng. Lời thơ anh nhiều khi nhẹ nhàng, tự nhiên, gần gũi như lời trò chuyện:
Ở bản Hon ai cũng hiền lành Như lá, như cây, như cỏ... Cùng mặt trời thức ngủ làm ăn
(Chiều bản Hon)
Người bản Hon luôn sống giản dị, hòa mình với thiên nhiên, ngay cả khi làm ăn hay thức ngủ cũng có thiên nhiên làm bạn. Có được những câu thơ “thủ thỉ” mà thấm thía ấy bởi nhà thơ cũng mang bản chất người miền núi hiền “như lá, như cây, như cỏ...”
Có khi lời thơ anh nhẹ nhàng như nhắc nhủ: lời cô gái xứ Mây với chàng trai của núi trước khi xuống đồng bằng;
Anh giữ lành anh nhé Thơm cay một lá trầu Nếu bỏ rơi một nửa Sẽ làm nửa kia đau
Có khi giống lời kể chuyện tâm tình:
Ngủ chung một giường đắp chung một chăn Khi mệt bảo nhau cùng nghỉ
Đến bữa mời nhau cùng ăn
Hai người vốn chẳng phải họ hàng Ở với nhau ngày lại thêm thân
(Vợ chồng)
Ngay cả khi nhà thơ nói việc sâu xa ở đời hoặc triết lý thì giọng thơ vẫn thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng như lời tâm sự:
Những bà mẹ xứ Mây Mắng quan tham Đừng run sợ Trước khi hái quả Thì hãy chắp hai tay
(Bà mẹ xứ Mây)
Dương Thuấn sử dụng linh hoạt nhiều chất giọng trong sáng tác, diễn đạt hiệu quả cảm xúc: giọng tự hào, kiêu hãnh khi viết về quê hương; giọng buồn thấm thía vì nỗi quê hương còn nghèo khó; giọng khắc khoải, nuối tiếc khi tình yêu dang dở; giọng vui tươi khi chứng kiến vẻ đẹp của thiên nhiên... trên hết vẫn là giọng thủ thỉ, tâm tình. “Mỗi bài thơ của anh đều thủ thỉ nói về kỷ niệm, phong tục, cảnh sắc quê hương” (Đỗ Thị Thu Huyền) [26;14]. Giọng điệu thể hiện được nét phong cách riêng của Dương Thuấn.