“Chàng trai của núi” nặng tình với quê hương

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong thơ Dương Thuấn (Trang 65 - 70)

Dương Thuấn có khoảng 600 bài thơ viết về quê hương. Đọc thơ anh, người ta nhận thấy: con người anh “bám rễ” vào quê hương, “quê hương đã “đắp” nên thơ anh và anh đã tạc tượng quê hương trong thơ mình” (Nguyễn Hưng Hảo). Trong thơ, Dương Thuấn tự gọi mình là “Chàng trai của núi” và đây cũng là một nhân vật trữ tình trung tâm, nổi bật trong thơ anh. Dù viết vùng núi hay đồng bằng, miền xuôi hay miền ngược, trong nước hay ở nước ngoài thì người đọc vẫn thấy nhân vật trữ tình - “Chàng trai của núi” - Người con của bản Hon - hiển hiện trong nhiều bài thơ

Đó là con người nặng tình với quê hương. Quê hương là hình ảnh rất thiêng liêng, gần gũi trong đời sống tâm hồn mỗi người Việt Nam. Quê hương có khi hóa thân trong những thứ tưởng như đời thường, giản dị nhất, có thể

chỉ là hương vị của những món ăn dân dã như “canh rau muống”, “cà dầm tương” hay những hình ảnh quen thuộc nơi thôn quê như cây đa, bến nước, sân đình, dòng sông, cánh cò...Thế nhưng hai chữ “quê hương” có thể gợi thương, gợi nhớ đối vớimỗi người, nhất là với những người con xa quê. Dương Thuấn cũng vậy. Quê hương anh là vùng núi có bản nhà sàn, có dòng sông Năng, “Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”(Ca dao). Quê hương anh, từ thiên nhiên, con người đến phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, tất cả đều gắn với nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc anh em ở vùng cao Việt Bắc nói chung. Thơ Dương Thuấn đưa người đọc trở về với đời sống thuần phác, giàu ân tình, cốt cách của dân tộc mình, để người đọc chia sẻ cảm xúc cùng anh.

Viết về quê hương, thơ Dương Thuấn có hai dòng cảm xúc: Thứ nhất, là tình cảm của con người trực tiếp sống và gắn bó với mảnh đất đó mà trân trọng, ngợi ca và tự hào. Cảm xúc thứ hai là hồi tưởng nhớ nhung giữa bao sự xa xôi cách trở, ngoái nhìn lại quê hương, bản làng với bao kỷ niệm sâu lắng. Những dòng cảm xúc ấy là tâm tình “Chàng trai của núi” luôn nặng lòng với quê hương như lời nhà thơ tâm sự:

“Chàng trai của núi” luôn tự hào về quê hương mình. Anh giới thiệu với mọi người:

Quê tôi núi ngàn cao vời và lớn rộng Sáng sớm sương trời bay trắng lòng thung Chiều về từng đàn mây vờn nhau trên cỏ Xuân đến hoa đào nở, hoa lê trắng ngần

(Quê tôi núi ngàn)

Trong mắt anh quê hương hiện lên thật đẹp, một vẻ đẹp ban sơ, tự nhiên, có núi vờn mây, có hoa nở bốn mùa, có sương trời bay trắng lòng thung, có nhiều địa danh nổi tiếng như hồ Ba Bể, động Puông Thăm, thác Đầu

Đẳng, rừng Phja bjoóc, sông Năng, Phủ Thông, Đèo Giàng, Đèo gió...và hơn tất ở nơi đó con người ai cũng hiền lành, sống chan hòa với thiên nhiên:

Ở bản Hon ai cũng hiền lành Như lá. Như cây. Như cỏ... Cùng mặt trời thức ngủ làm ăn

Theo tiếng chim kêu đắp phai, gieo hạt Chưa có điện đêm nằm gối lên trăng

(Chiều bản Hon)

Dương Thuấn kiêu hãnh vì mình là người dân tộc Tày, được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất ấy:

Tôi - Đứa con của bản Hon Đứa con của dân tộc Tày Tôi - Người con của Tự do

Công dân của nước Việt Nam độc lập

(Từ bản Hon đến Washington)

Bên cạnh niềm tự hào, tẩn chứa trong cảm xúc của nhân vật trữ tình còn có nỗi day dứt vì quê hương còn nghèo khó:

Ở vùng cao con người vất vả Chiếc gùi luôn đè nặng trên lưng Cõng hết cửa nhà ngô lúa

Cõng trâu leo lên núi trập trùng

(Cõng trâu)

Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở những miền quê có đồi núi, rừng đèo mới hiểu hết cuộc sống khó khăn vất vả của đồng bào ở nơi rừng sâu núi cao. “Chàng trai của núi” day dứt, trăn trở vì sự nghèo khó của quê hương. Anh biết rằng, mảnh đất quê mình nhỏ bé: “không đủ chỗ để đánh rơi

leo là lội”. Trong cuộc sinh tồn, từ nhiều đời nay, người bản Hon quê anh phải “cõng” trên lưng tất cả mọi thứ lúa, ngô, măng, sắn,...và cõng cả….trâu, vượt núi băng rừng về bản:

Ở vùng cao con người vất vả, Chiếc gùi luôn đè nặng trên lưng Cõng hết của nhà ngô lúa

Cõng trâu leo lên núi trập trùng

(Cõng trâu)

Thấu hiểu quê mình, “Chàng trai của núi” dành cho quê hương nguồn tình cảm tha thiết và niềm tự hào sâu sắc. Anh nói về cội nguồn, về quê hương với tất cả sự kiêu hãnh, tự hào.

Ta là chàng trai của núi Ta chỉ biết nói lời cho quả sai

(Ra đi)

Trong cuộc đời mình, từ chú bé bản Hon, Dương Thuấn đã phấn đấu trở thành nhà thơ - người trí thức - niềm tự hào của quê hương. Chính tình yêu quê hương đã giúp cho anh có nguồn nội lực vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, tình yêu quê hương lúc nào cũng đau đáu trong anh. Nhịp sống phố phường đông đúc, khiến anh có cảm giác: “Đồng bằng rộng tựa bên nào cũng

trống”. Trong thơ, mỗi khi viết về quê hương, anh lại trở về nguyên vẹn tâm

trạng “Chàng trai của núi” trên quê hương mình: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Chàng trai tóc dày, cõng trâu mộng qua cầu làm rẫy Con mắt bắn tin từng lá sậy

Hát câu ca trăng ướt đầm đìa

Yêu người yêu đi quên bản không về...

Nỗi nhớ quê hương trong anh chưa một giây lát nào nguôi. Bước chân “Chàng trai của núi” đã sải đến trăm miền: “sải dọc đo trời/ sải ngang đo bể”; có thể “ở Phú Nhung”, “lên Đồng Văn”, “ở Cà Mau”, “Thăm anh em ở

Krông Năng”, hay ở Trường Sa...anh vẫn không nguôi nhớ vê bản Hon. Càng

đi xa, tâm hồn anh lại càng muốn trở lại quê nhà:

Bản Hon ở xa trên rẻo cao Hà Nội lên đi xe một ngày Qua mấy núi, mấy đèo sẽ đến Ở nhà sàn ăn nước sông Năng

(Bản Hon)

Đối với chàng trai ấy, quê hương luôn ở trong tim. Khoảng cách về địa lí không làm anh vơi đi nỗi nhớ. Dù đi đến bất cứ nơi đâu anh vẫn thấy hình bóng quê hương hiện về khiến lòng bồn chồn nhớ nhung, có khi nhớ “Núi

cơm chiều”, thèm “lời cô gái xứ Mây”, khát lời “Nàng ơi uống rượu”, vẫn in

hình “Lượn cọi”...và da diết nhất là nỗi nhớ về mẹ:

Đi lâu lâu

Muốn về nhìn lâu lâu

Cái cầu thang có dấu chân của mẹ...

(Về bản)

Trở về quê hương là trở về với những gì thiêng liêng nhất, đẹp đẽ nhất của lòng mình, Nhưng sự trở về nhiều khi không như mong đợi. Từ những quan sát, anh thoảng thốt nhận ra quê hương đã thay đổi, xung quanh đang mất dần những người thân và buồn cho cuộc đời hữu hạn:

Về đến nhà nỗi nhớ như dài thêm Ông Ngân hay bẫy cá không còn Ông mèo hay đi săn không còn Ông Nông hay nấu cao không còn

Ông Bếp Lằm hay đùa trẻ con Ông bếp Vò vấn thuốc rê một ngón Các ông già lần lượt rủ nhau đi Chỉ cây si già nua như cũ mãi...

(Về bản)

Tình cảm đó khiến bài thơ viết về quê hương của anh tuy có thoáng nỗi buồn nhưng lại dễ tìm được sự đồng cảm của người đọc.

Qua tình cảm của nhân vật trữ tình trong thơ Dương Thuấn, người ta thấy nhà thơ là người luôn nặng lòng với quê hương. Anh yêu thương và gắn bó sâu sắc với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình. Hơn 600 bài thơ là bản ký thác tình cảm sâu nặng đó của anh. Nhân vật trữ tình trong thơ đã thay anh nói lên tình cảm trân trọng, tự hào và cả những nỗi niềm trăn trở của nhà thơ với quê hương.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong thơ Dương Thuấn (Trang 65 - 70)