6/ Cảng tàu Bãi Chá y Mê Cung Tiên Ông Thiên Long làng chài Cửa Vạn Cảng tàu.
2.2.3 Tình hình khách đến vịnh Hạ Long
Khách du lịch đến thăm vịnh Hạ Long được tính trong giới hạn địa lý ở mục 1.1.1.
Du khách đến tham quan vịnh Hạ Long ngày càng tăng mạnh. Sự gia tăng này đã tạo nên một sức ép về du lịch cho khu vực Di sản. Hiểu được thị trường và phát triển chiến lược quản lý nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường là chìa khoá để tạo ra các sản phẩm có chất lượng. Từ năm 1996 đến nay (2 năm sau khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới), số lượt khách đến vịnh Hạ Long đã tăng trưởng đều đặn giữa các năm. Đặc biệt năm 2000 khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2 số lượt khách năm đó đã tăng ở mức đột biến. Và sau năm đó bảng tổng kết khách thăm vịnh của Ban Quản lý vịnh Hạ Long chưa bao giờ dưới con số 1 triệu và cũng không bị thụt giảm nghiêm trọng mặc dù liên tục xảy ra các đại dịch như Sars (2003) hay dịch cúm gia cầm và các dịch tiêu chảy cấp... sau đó.
Bảng 6: Bảng thống kê lượt khách tham quan vịnh Hạ Long (từ năm 1996 - 2007)
Đơn vị tính: Người
Năm Khách Việt Nam Khách nước ngoài Tổng
1996 191.248 45.000 236.248 1997 122.294 94.014 216.308 1998 214.433 113.140 327.563 1999 464.768 129.327 594.095 2000 554.870 297.562 852.432 2001 457.514 536.676 994.190 2002 576.970 704.721 1.281.691 2003 611.728 695.192 1.306.919 2004 734.602 817.156 1.551.758 2005 608.775 809.361 1.418.136 2006 734.084 728.016 1.462.100 2007 763.808 1.012.620 1.776.428
Nguồn: Ban Quản lý vịnh Hạ Long [1]
Hình 3: Biểu đồ tăng trưởng khách du lịch trên vịnh Hạ Long giai đoạn 1996 - 2007
2.2.3.1 Đặc điểm chung
Thành phần khách
Thành phần khách rất đa dạng, thuộc tất cả các lứa tuổi. Tiến hành phỏng vấn 300 khách khu vực bến tàu du lịch Bãi Cháy và bãi tắm Ti Tốp cho thấy trên 70% khách du lịch đến vịnh Hạ Long nằm trong độ tuổi từ 18 đến 45. Như vậy đa phần du khách đến Hạ Long nằm trong độ tuổi lao động. Điều đó có nghĩa là họ rất chủ động về kinh tế cũng như việc lựa chọn địa điểm và loại hình du lịch.
Động cơ du lịch
Du khách đến vịnh Hạ Long với rất nhiều động cơ song dù với mục đích gì thì họ cũng đều mong muốn được kết hợp với việc tham quan ngắm cảnh. Nghiên cứu động cơ du lịch của khách thăm vịnh Hạ Long, tác giả đã đưa ra 7 loại động cơ (lý do) đến với vịnh Hạ Long. Trong 300 bảng hỏi được trả lời không một du khách nào chỉ chọn một lý do duy nhất. 100% du khách đến vịnh Hạ Long để ngắm cảnh kết hợp với một vài lý do khác.
Bảng 7: Kết quả khảo sát động cơ du lịch của khách trên vịnh Hạ Long.
Nghỉ ngơi, thư giãn 150 145
Ngắm cảnh 150 150
Hạ Long là điểm du lịch nổi tiếng 53 72
Tìm hiểu địa chất 27 20
Tìm hiểu môi trường, sinh thái 42 40
Tìm hiểu văn hoá, khảo cổ 20 92
Khác 77 22
Hình 4: Biểu đồ phân loại động cơ du lịch của khách tham quan vịnh Hạ Long (kết quả khảo sát 300 khách).
Tháng 6 năm 2007, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã (FFI) đã có một nghiên cứu tập trung tại dự án bảo tàng sinh thái Cửa Vạn lại chỉ phân chia động cơ du lịch của du khách đến vịnh thành hai nhóm:
• Nhóm 1: nhóm học tập nghiên cứu (gồm nhóm du khách đến vịnh Hạ Long để tìm hiểu giá trị địa chất, văn hoá, khảo cổ và môi trường, sinh thái).
• Nhóm 2: nhóm thích nghỉ ngơi thư giãn, ngắm cảnh hay vì một mục đích nào đó.
Với cách phân nhóm này, sau khi phỏng vấn 137 nhóm bao gồm 20 quốc gia, trong đó có 81% là khách quốc tế và 19% khách Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ giữa hai nhóm là khá chênh lệch: 35% và 65% [18]. Điều này cho thấy sức hấp dẫn lớn nhất ở vịnh Hạ Long là giá trị cảnh quan và loại hình du lịch được nhiều du khách lựa chọn nhất là:
• Ngắm cảnh: bao gồm cả việc ngắm vịnh trên tàu và tham quan hang động, đảo đá.
• Nghỉ ngơi, giải trí tại các bãi tắm và khu vui chơi trên vịnh.
Hình 5: Biểu đồ tỉ lệ về động cơ du lịch của du khách trên vịnh Hạ Long
Nhu cầu về hướng dẫn viên
Phần lớn du khách không dùng hướng dẫn viên tại điểm bởi nhiều lý do. Thứ nhất do lượng hướng dẫn viên tại các hang động không đủ để hướng
dẫn tất cả các đoàn. Thứ hai là do lượng thông tin mà hướng dẫn viên cung cấp không nhiều hơn thông tin ở các tờ gấp và sách hướng dẫn vịnh Hạ Long (được bán và phát miễn phí ở các quầy lưu niệm). Đặc biệt đối với khách có động cơ du lịch chính là nghiên cứu các giá trị địa chất, đa dạng sinh học hay văn hoá, khảo cổ trên vịnh Hạ Long. Đối với khách quốc tế, một cản trở lớn nữa đó là vấn đề ngôn ngữ. Ngoại ngữ của các hướng dẫn viên đôi khi không phù hợp với ngôn ngữ mà khách sử dụng.
Điểm đến quen thuộc
Qua việc tiến hành phỏng vấn 300 khách du lịch (150 khách quốc tế và 150 khách trong nước) – hình 2.4 và thông tin từ Đội quản lý hang động, Ban Quản lý vịnh Hạ Long – hình 2.5 [15] cho thấy: Hoạt động du lịch của du khách tập trung chủ yếu ở khu vực hang Đầu Gỗ, Thiên Cung, Sửng Sốt, Mê Cung hoặc khu bãi tắm Ti Tốp, Soi Sim. Khu vực này hấp dẫn du khách bởi nhiều lý do trong đó có những lý do cơ bản như: khoảng cách địa lý khá gần (so với bến tàu du lịch Bãi Cháy), thời gian cho các chuyến tham quan không nhiều chỉ từ 4 – 6h.
Hình 6: Biểu đồ mật độ khách tại một số điểm tham quan quen thuộc trên vịnh Hạ Long (kết quả khảo sát 300 khách).
Hình 7: Biểu đồ mật độ khách tại một số điểm tham quan quen thuộc trên vịnh Hạ Long năm 2006.
Nguồn: Đội quản lý hang động, Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
Từ năm 2007, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thay đổi cơ cấu tổ chức đó xóa bỏ Đội quản lý hang động thay vào đó là việc thành lập 4 trung tâm bảo tồn (bảng 2.2). Do vậy cách thống kê số lượt khách sẽ không căn cứ vào từng điểm đến cụ thể mà căn cứ vào từng trung tâm. Hai trung tâm bảo tồn công viên Vạn Cảnh và trung tâm bảo tồn công viên hang động (khu vực có các điểm tham quan quen thuộc trên) vẫn là khu vực có mật độ khách đông nhất.
Thời gian lưu trú
Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình du khách chỉ ở lại Hạ Long 1,5 ngày (bao gồm cả thời gian trên bờ và dưới vịnh). Với diện tích mặt vịnh, mật độ và giá trị các điểm tham quan lớn như vậy cùng với các dịch vụ vui chơi giải trí trên bờ khá đa dạng mà thời gian lưu giữ khách chỉ dừng ở con số 1,5 ngày/khách. Đối với việc đánh giá hiệu quả kinh tế, đây quả là vấn đề cần xem xét.
Vịnh Hạ Long có một vị trí địa lý rất thuận lợi nằm giữa vùng động lực phát triển kinh tế phía Bắc Việt Nam, nơi thường xuyên diễn ra nhiều sự kiện văn hoá, chính trị cuả cả nước. Đường giao thông thuận lợi, du khách có thể đến Hạ Long bằng nhiều phương tiện khác nhau: Về đường bộ hầu hết các tỉnh và thành phố trong cả nước đều có tuyến xe khách (xe bus) đến Hạ Long liên tục trong ngày. Có 1 tuyến đường sắt đến Hạ Long. Vào thứ 7 hàng tuần có một chuyến bay trực thăng từ sân bay Gia Lâm đến Hạ Long. Và tất nhiên du khách có thể đến bằng các phương tiện đường thuỷ khác.
Từ năm 2001 đến nay, số lượt khách trong nước đến vịnh Hạ Long cũng tăng một cách ổn định (chỉ riêng năm 2005 giảm). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khách lưu trú còn rất chậm. Mặt khác số lượt khách nội địa trong giai đoạn này luôn thấp hơn khách quốc tế.
Nguồn khách du lịch nội địa hàng năm tới vịnh Hạ Long bao gồm hầu hết các tỉnh thành phố trong cả nước nhưng phần lớn là khách từ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Bắc Bộ, một bộ phận không nhỏ là khách từ các tỉnh phía Nam đi theo tour trọn gói Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Hạ Long.
Phương tiện chủ yếu của khách du lịch Việt Nam là ô tô tiếp đến là tàu thuỷ, các phương tiện khách tuy có nhưng số lượng rất ít.
Thời gian lưu trú trung bình chỉ từ 1,2 – 1,5 ngày, mức chi tiêu bình quân cũng không cao chỉ khoảng hơn hai trăm ngàn đồng mỗi ngày [29, 33].
Về lứa tuổi du khách, đa phần ở độ tuổi 18 – 40, chỉ có một phần rất nhỏ trong số khách du lịch Việt Nam là người cao tuổi (trên 65 tuổi) đến vịnh Hạ Long, đặc biệt là nhóm khách trên 70 tuổi. Thành phần du khách chủ yếu là học sinh, sinh viên và công nhân viên chức (thuộc lứa tuổi từ 18 đến 45). Họ thường đi thành đoàn lớn từ 20 – 30 người, thậm chí có nhiều đoàn trên trăm người.
Dự án “con tàu sinh thái” – ecoboat của tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã (FFI) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đặc biệt là các em học sinh về giá trị và ý thức bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã đưa được hàng trăm các em học sinh tiểu học và phổ thông cơ sở đến vịnh Hạ Long. Tất cả các đối tượng khách du lịch đến vịnh Hạ Long theo dự án này đều được miễn vé thắng cảnh. Ngoài chương trình này, các trường học trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh đi thăm vịnh. Do vậy thành phần du khách dưới 18 tuổi đến vịnh Hạ Long chiếm một lượng không nhỏ và thường tập trung vào dịp hè.
Nghiên cứu và tìm hiểu chính xác động cơ du lịch của du khách sẽ cung cấp và dự đoán được nhu cầu du lịch của khách, từ đó đưa ra các loại hình du lịch và dịch vụ phù hợp. Đối với khách Việt Nam, có một vài động cơ khác khá phổ biến (đặc biệt là các khách ở các địa phương gần Hạ Long). Đó là các động cơ: họp mặt với bạn bè, người thân; nghỉ cuối tuần, nghỉ trăng mật... Khách du lịch Việt Nam có một lượng khá đông là học sinh, sinh viên nhưng phần lớn là họ đến vịnh Hạ Long không với mục đích học tập nghiên cứu. Mục đích vui chơi, giải trí, gặp mặt bạn bè là những động cơ chính của nhóm khách này.
Hầu hết những người được hỏi (bao gồm cả những người không nhận trả lời bảng hỏi) đều muốn đến vịnh Hạ Long để ngắm cảnh, để nghỉ ngơi thư giãn. Số những người quan tâm đến các giá trị tài nguyên khác như địa chất, đa dạng sinh học hay văn hoá, khảo cổ ít hơn nhiều so với nhóm trên.
Hình 8: Biểu đồ phân chia dộng cơ du lịch của khách Việt Nam trên vịnh Hạ Long (kết quả khảo sát 150 khách)
Đối tượng khách du lịch Việt Nam ở vịnh Hạ Long thường là:
• Khách nghỉ cuối tuần.
• Khách tham quan nghỉ dưỡng.
• Khách đi tour trọn gói.
• Khách đi nghỉ tuần trăng mật.
• Khách họp mặt.
Cũng tương tự như một số trung tâm du lịch lớn khác, tại Hạ Long đã xuất hiện một bộ phận du khách là các đối tượng có thu nhập rất cao (trên 1000 USD/tháng). Họ có nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ chất lượng cao. Ngược lại cũng có một bộ phận khách có mức thu nhập rất thấp, trên 10% du khách có thu nhập dưới 100USD. Nhưng khoảng gần 90% trong số đó là khách công đoàn (công nhân viên của các công ty xí nghiệp đi theo công ty). Số còn lại dân địa phương tại các huyện thị khác trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận. Tuy nhiên điều này cũng đã thể hiện được sự đa dạng về thành phần du khách và cũng là một bằng chứng về sự đa dạng về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Có một thực tế là một số du khách không biết hết các giá trị tài nguyên của vịnh Hạ Long (họ ngạc nhiên khi nghe đến các giá trị tài nguyên này). Ngay cả giá trị địa chất - đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cũng không phải tất cả mọi người đều biết. Đây thực sự là một dấu hỏi lớn đối với công tác tuyên truyền, xúc tiến và quảng bá du lịch vịnh Hạ Long nói riêng, du lịch Quảng Ninh và Việt Nam nói chung. Hơn nữa điều này cũng chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng trong việc cung cấp thông tin từ các công ty du lịch và từ hướng dẫn viên, nhân viên nhà tàu.
2.2.3.3 Khách nước ngoài
Vịnh Hạ Long cách Thủ đô Hà Nội – trung tâm đón khách lớn nhất miền Bắc và là một trong hai trung tâm đón khách lớn nhất cả nước, chỉ có 165km (theo đường quốc lộ). Khoảng cách địa lý không quá lớn, đường giao thông thuận lợi cộng với sức hấp dẫn tự thân của vịnh Hạ Long đối với du khách là những lý giải hợp lý cho sự gia tăng nhanh chóng về số lượt khách quốc tế đến đây. Hơn nữa ngay sát vịnh Hạ Long là cảng nước sâu Cái Lân (cũng là một cảng đón khách lớn của cả nước), hàng ngày hàng tuần đều có tàu chở khách du lịch đường biển đến Hạ Long.
Trong những năm vừa qua, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng khách đã bị chậm lại song cũng giống như thị trường khách nội địa, thị trường khách quốc tế đến vịnh Hạ Long vẫn đang tăng một cách từ từ. Từ sau năm 2000, khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần hai, khách quốc tế đã tăng theo cấp số nhân ở hai năm tiếp theo và vẫn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Các con số về số lượt khách/năm đã khẳng định vị trí của du lịch vịnh Hạ Long.
Trong năm 2008, những tháng đầu năm lượng khách quốc tế đến vịnh Hạ Long vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Trong đợt kỉ niệm 2 ngày lễ lớn 30/4 và 1/5 đồng thời cũng là đợt khai mạc lễ hội du lịch năm 2008, lượng khách quốc tế đã tăng một cách đột biến (chiếm 80% tổng số khách thăm vịnh
[29]). Tuy nhiên, thống kê 9 tháng đầu năm lại cho thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã giảm một cách đáng kể (vịnh Hạ Long không nằm ngoài tình hình chung đó). Tính riêng trong ba tháng 6, 7, 8 số lượt khách giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách sụt giảm chủ yếu tại các thị trường có mức chi tiêu cao như: khách đường biên giảm 19%, khách Nhật Bản giảm 4,2%, khách Hàn Quốc giảm 6,3%, khách Mỹ, Canada, Anh giảm hơn 3%, khách Trung Quốc giảm 8,3%.... [26]. Nguyên nhân chính của những sụt giảm này có lẽ là do khủng hoảng kinh tế thế giới trong những tháng qua. Trong khi đó giá phòng và giá vé máy bay ở Việt Nam lại tăng.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu bảo tàng sinh thái Cửa Vạn tháng 6 năm 2007, độ tuổi trung bình của khách quốc tế đến vịnh Hạ Long là 38. Song nhìn chung, 18 – 50 là nhóm tuổi chiếm phần đa trong số khách đến vịnh Hạ Long. Số lượng người trong một đoàn khách thường không lớn như các đoàn khách nội địa. Song vẫn có những đoàn quốc tế rất đông, đa thành phần, đa quốc gia. Những đoàn khách quốc tế với số lượng đông thường là khách đi theo đường biển. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, lứa tuổi cũng rất đa dạng. Với những đoàn khách quốc tế số lượng đông khác thì thành viên đoàn thường là những quan chức cấp cao, những vận động viên, những thí sinh.... tham gia các hội nghị, các hội thi.... được tổ chức tại Việt Nam. Đây cũng là một minh chứng nữa khẳng định vị thế quan trọng của vịnh Hạ Long ở Việt Nam và trên thế giới.
Về cơ cấu khách, những thị trường khách quốc tế đến vịnh Hạ Long có tỷ lệ cao là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Đông Bắc á); các nước Đông Nam á; úc, Newzealand (châu úc); Mỹ, Canada (châu Mỹ); Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ... (châu Âu). Tuy