Định hướng phát triển dịch vụ thẻ tại chi nhánh Cửa Lò

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ thẻ tại ngân hàng tmcp công thương việt nam chi nhánh cửa lò (Trang 101 - 104)

3.1.2.1. Xu hướng phát triển dịch vụ thẻ tại Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay được đánh giá là khá ổn định và đang trên đà phát triển. Hệ thống NHTM Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể đặc biệt trong công nghệ thanh toán ngân hàng, đưa những phương thức thanh toán hiện đại của thế giới tiếp cận với thị trường Việt Nam, đồng thời đưa các hoạt động của ngân hàng Việt Nam vào thương trường quốc tế. Bối cảnh kinh tế thuận lợi này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều nhân tố tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển dịch vụ thẻ tín dụng - một phương tiện thanh toán thuận lợi, được chấp nhận rộng rãi - dần mở rộng phạm vi sử dụng và thanh toán thẻ.

Xu hướng phát triển tăng tiện ích cho các dịch vụ TTKDTM ở VN trở thành xu thế tất yếu. Lợi thế của VN trong việc phát triển TTKDTM hiện nay là chúng ta đang có một “tháp dân số vàng” với 56,3% dân số (tính đến 12/2012) đang trong độ tuổi lao động, tầng lớp trung lưu và cư dân đô thị tăng lên nhanh chóng cùng với quá trình đô thị hóa - đây chính là khách hàng tiềm năng của hoạt động TTKDTM. Không những thế, nền kinh tế VN hiện cũng đã vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình (>1000USD/người/năm) nên nhu cầu đối với TTKDTM sẽ tăng lên nhiều. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Công ty Nghiên cứu thị trường hàng đầu của Mỹ Research and Markets thì VN sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 18,5% đến năm 2014.

Xu hướng chung ở hầu hết các thị trường là tập trung phát triển thẻ ghi nợ nội địa để khẳng định vị thế của mình trên thị trường, sau đó, khi thị trường thẻ nội địa đã chuyển sang xu hướng bão hòa, các ngân hàng sẽ chuyển dần sang khai thác những dòng sản phẩm quốc tế (tín dụng quốc tế và ghi nợ quốc tế). VN hiện nay cũng đang trong giai đoạn thẻ nội địa chiếm tỷ lệ chi phối (93% số lượng thẻ phát hành là thẻ ghi nợ nội địa), nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường thẻ nội địa đã bước vào giai đoạn bão hòa bởi lẽ số lượng thẻ phát hành càng nhiều thì lượng “thẻ ngủ” cũng càng lớn. Theo tính toán của một lãnh đạo Hội Thẻ VN, ngân hàng nào có lượng khách hàng sử dụng thẻ thường xuyên thì số lượng thẻ “ngủ” cũng khoảng 30%.

Trong tương lai không xa, thẻ do các NHTM Việt Nam phát hành sẽ phù hợp hơn với nhu cầu của nhiều tầng lớp dân cư. Hạn mức tín dụng và thanh toán thẻ sẽ hạ thấp hơn hiện nay để mở rộng cho chi tiêu nội địa. Thẻ thanh toán sẽ không chỉ được sử dụng để rút tiền mặt, thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ, tiếp nhận các dịch vụ ngân hàng khác mà còn có thể sử dụng để gọi điện thoại, sử dụng như chứng minh thư nhân dân… và tiến tới cũng sẽ phát hành loại thẻ liên kết giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp như bưu điện, xăng dầu, hàng không.

Với nhu cầu sử dụng thẻ phát triển, mạng lưới cơ sở chấp nhận thẻ cũng sẽ mở rộng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thẻ sẽ được chấp nhận để trả tiền dịch vụ điện nước, xăng dầu, thanh toán cước phí điện thoại, thanh toán học phí,… Dịch vụ thương mại điện tử cũng sẽ phát triển ở Việt Nam và thẻ sẽ là phương tiện thanh toán thuận lợi nhất trong loại hình giao dịch này. Số lượng cơ sở chấp nhận thẻ sẽ không chỉ dừng lại ở con số hàng nghìn mà sẽ đạt tới hàng trăm nghìn. Lượng giao dịch thanh toán thẻ được xử lý tự động đảm bảo an toàn và phòng ngừa rủi ro cho hoạt động thẻ dự báo sẽ đạt tới khoảng 90%.

Thị trường thẻ sẽ tiếp tục phát triển, điều đó là không phủ nhận nhưng chắc chắn sẽ không thể mở rộng mãi. Những khách hàng dễ tiếp nhận thẻ trong thanh toán cơ bản đã được các ngân hàng khai thác gần hết. Nên chăng cần phải phát triển thị trường theo chiều sâu, theo hướng gia tăng tiện ích cho các loại thẻ và tăng thêm quyền lợi cho các chủ thẻ.

Nền kinh tế mạnh luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại. Tuy nhiên, sau rất nhiều những nỗ lực của cả hệ thống pháp lý và quản lý, có vẻ như “mơ ước” về một nền kinh tế với hệ thống TTKDTM hiệu quả vẫn đang là “khát khao” của nhiều người. Vẫn cần lắm sự chung tay của mỗi người dân, mỗi đơn vị kinh doanh, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân hàng để TTKDTM trong dân cư phát triển một cách đúng nghĩa.

3.1.2.2. Định hướng phát triển dịch vụ thẻ tai chi nhánh

Những nghiên cứu thị trường đã cho thấy rằng người tiêu dùng coi thẻ tín dụng như một công cụ giúp thể hiện phong cách sống, giúp họ được thoả mãn nhiều hơn trong cuộc sống. Sản phẩm thẻ tín dụng vẫn đang không ngừng phát triển với các dịch vụ như “ chiếc ví điện tử” hay thẻ vay trực tuyến và sẽ hứa hẹn sẽ ngày càng nhiều công dụng hơn. Sử dụng thẻ đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong đời sống. Những lợi ích mà thanh toán qua thẻ mang lại cũng là xu thế tất yếu. Thanh toán qua thẻ là một trong những chiến lược của Ngân hàng. Vì vậy cần sự đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, phần mềm chuyên dụng với những giải pháp tiên tiến cùng với đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm nhằm phát triển các sản phẩm giản đơn, thân thiện, dễ dàng tiếp cận, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Nhận thức được điều này, Ngân hang TMCP Công thương Việt Nam- chi nhánh Cửa Lò đã đề ra một số chỉ tiêu cần thực hiện như:

- Tăng số lượng phát hành thẻ E –partner lên 29.000 thẻ trong năm 2020 (tăng 10% so năm 2012), tăng số lượng phát hành thẻ TDQT đạt 3.500 thẻ năm 2013.

- Tăng doanh thu từ hoạt động thẻ, cũng như tăng doanh số thanh toán qua thẻ nhằm tăng doanh thu cho chi nhánh

- Đạt chỉ tiêu trả lương qua thẻ cho cán bộ công nhân viên các doanh nghiệp là: 30 doanh nghiệp.

- Tiếp tục phát triển mở rộng mạng lưới CSCNT, đặt them máy ATM ở những địa điểm thuận lợi cho khách hàng.

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ thẻ tại ngân hàng tmcp công thương việt nam chi nhánh cửa lò (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)