Những vướng mắc trong việc thực hiện triển khai Luật thuế TNCN tạ

Một phần của tài liệu biện pháp kiểm soát việc thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh khánh hòa (Trang 100 - 103)

TNCN tại Khánh Hòa

 Thứ nhất, về cách xác định thu nhập chịu thuế của thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương tiền công có chỗ chưa thỏa đáng. Thu nhập tính thuế từ kinh doanh được xác định bởi hiệu số giữa doanh thu tính thuế và chi phí hợp lý, trong đó chi phí hợp lý bao gồm cả tiền lương trả cho người lao động tức là người đứng ra kinh doanh và không giới hạn mức tối đa, trong khi chi phí được khấu trừ cho 1 cá nhân đóng thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công chỉ giới hạn tối đa là 4 triệu đồng/tháng. Cần nói thêm là để tránh sự tùy tiện trong việc định ra mức lương cho chính mình, Luật “Thuế thu nhập doanh nghiệp” đã loại trừ “tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân” ra khỏi chi phí được khấu trừ, trong khi đó thuế TNCN thì không tính tới yếu tố này. Chắc chắn điều này sẽ dễ bị lạm dụng, nâng mức lương của người trực tiếp kinh doanh, giảm thu nhập chịu thuế. Mặt khác thu nhập từ kinh doanh còn được khấu trừ chi trả lãi tiền vay, chi khấu hao tài sản cố định,… trong khi thu nhập từ tiền lương tiền công không đề cập đến các yếu tố này. Giả sử một người làm công ăn lương, có thu nhập bình quân tháng là 10 triệu đồng, độc thân, không người phụ thuộc, thì thu nhập tính thuế của người đó là: 10-4 = 6 (triệu đồng) số thuế người đó nộp sẽ là 5 triệu x 5% + 1 triệu x 10% = 0,6 triệu đồng/tháng hay 7,2 triệu đồng/năm. Nếu người đó đang thuê nhà để ở với mức 1 triệu đồng/tháng, đang vay nợ ngân hàng để mua xe môtô đi làm, trả lãi và gốc định kỳ 1,2 tri ệu đồng/tháng (vay 24 triệu, thời hạn 2 năm, lãi 11%/năm), thì thực chất thu nhập khấu trừ chỉ 2,8 triệu/tháng (chứ không phải 4 triệu/tháng). Nếu người đó kinh doanh thì cả hai khoản trên đều được khấu trừ trước khi tính thuế.

 Thứ hai, về thu nhập chịu thuế khi chuyển nhượng bất động sản. Có sự phân biệt thuế suất rất lớn khi xác định được giá vốn và không xác định được giá vốn. Chính điều này dẫn tới sự kê khai giá không thực tế khi giao dịch mua

bán nhà đất. Ví dụ một người đã mua 1 bất động sản với giá 200 triệu đồng, nay bán lại với giá 250 triệu đồng, thuế TNCN phải nộp: (250-200) x 25% = 12,5 triệu đồng, nếu người đó khi mua không đăng ký chuyển quyền sử dụng thì số thuế phải nộp chỉ là: 250 x 2% = 5 triệu đồng. Tương tự như thế cho khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Điều này rất dễ gây ra tình trạng lách luật gây khó khăn cho công tác quản lý và thất thu thuế.

 Thứ ba, về các khoản thu nhập được miễn thuế. Nhìn chung các khoản thu nhập được miễn thuế là hợp lý, tuy nhiên nếu so với các khoản thu nhập phải chịu thuế khác thì có điều bất hợp lý. Như thu nhập từ kiều hối (được hiểu là một khoản quà tặng từ nước ngoài gửi về) thì được miễn thuế toàn bộ, kể cả trong trường hợp số thu rất lớn, trong khi thu nhập từ quà tặng chỉ cần trên 10 triệu đồng/lần là đánh thuế. Thu nhập về chuyển nhượng đất ở cùng với nhà của người có một nhà đất duy nhất được miễn thuế. Đó là điều hợp lý, nhưng trong thực tế người ta thường thế chấp nhà đất cũ để vay mượn tiền mua nhà đất mới trước khi bán nhà đất cũ để trả nợ. Như vậy tại thời điểm bán nhà đất cũ người đó đã sở hữu hai phần nhà đất và không được miễn thuế. Thực chất họ chỉ có một nhà đất thông qua chuyển đổi mà thôi.

 Thứ tư, về các khoản đóng góp từ thiện được giảm trừ. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng trong thực tế, rất nhiều trường hợp các khoản đóng góp này không có hóa đơn, chứng từ, hơn nữa người làm từ thiện không phải vì họ có quá nhiều tiền để không cần khấu trừ mà họ chỉ thực hiện phương châm: “Lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” nếu đòi hỏi hóa đơn để khấu trừ thuế thì quả là điều đặng chẳng đừng.

 Thứ năm, về vấn đề hoàn thuế. Quả thật đây là một ma trận mà chưa một người làm công ăn lương nào dám đối đầu. Thủ tục hoàn thuế quá phức tạp, thời gian đợi hòan thuế phải đến cuối năm. Đối với người có thu nhập thường xuyên đủ mức chịu thuế thì còn chấp nhận được nhưng đối với những người chưa đủ mức thu nhập nộp thuế hàng năm mà bất kỳ một khoản thu nhập phát sinh nào trên 500.000 đồng/lần phải khấu trừ thuế thì quả là điều khó hiểu.

 Thứ sáu, về vấn đề quản lý, thu thuế. Thuế TNCN chủ yếu dựa trên thu nhập chịu thuế do cơ quan đơn vị sử dụng lao động chi trả và những khoản thu nhập có hợp đồng, có hóa đơn chứng từ. Trên thực tế, đó là những công dân có thu nhập thấp, chính đáng. Những khoản thu nhập khác nhiều lần lớn hơn chi trả bằng tiền mặt, trao tay, rõ ràng đã nằm ngoài sự điều tiết này. Điều này gây nên tâm lý thiếu công bằng, ảnh hưởng đến tính tự giác trong kê khai và nộp thuế. Đối với việc kê khai người phụ thuộc hiện nay vẫn chưa có cơ chế kiểm tra nên việc một đối tượng được kê trùng nhiều lần như các anh chị em đều kê nuôi dưỡng cha mẹ, vợ chồng cùng kê khai giảm trừ cho các con, là điều khó tránh khỏi.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2.

Chương 2 của luận văn đã đi vào phân tích thực trạng công tác quản lý thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành (tức ngày 01/01/2009) đến ngày 31 tháng 12 năm 2011. Đề tài cũng đã đánh giá được thực trạng công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay, đó là đề tài đã nêu bậc những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân trong công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay và những vướng mắc trong việc thực hiện triển khai Luật thuế thu nhập cá nhân tại Khánh Hòa.

Từ những kết quả phân tích trong chương 2 sẽ là cơ sở để đưa ra các biện pháp quản lý tình hình thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong chương 3. Những biện pháp này xuất phát từ việc phát huy những điểm mạnh đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung nhằm đưa dần công tác quản lý nguồn thu thuế thu nhập cá nhân ngày càng hiệu quả, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước, góp phần hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội.

CHƯƠNG 3 – BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TÌNH HÌNH THU THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA.

Một phần của tài liệu biện pháp kiểm soát việc thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh khánh hòa (Trang 100 - 103)