Một đặc điểm khá đặc trưng của tái sinh tự nhiên là phân bố cây tái sinh không đều trên mặt đất, tạo ra các khoảng trống thiếu tái sinh. Đặc điểm này được thể hiện qua kết quả nghiên cứu phân bố số cây theo mặt phẳng nằm
ngang. Nghiên cứu phân bố cây tái sinh trên mặt phẳng nằm ngang có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình lợi dụng khả năng tái sinh tự nhiên để phục hồi rừng. Sự phân bố cây trên mặt đất phụ thuộc vào đặc tính sinh vật học của loài cây và không gian dinh dưỡng, nguồn gieo giống tự nhiên.
Thực tế cho thấy, có những lâm phần có mật độ cây tái sinh cao, chất lượng và tổ thành cây tái sinh đảm bảo cho quá trình tái sinh, nhưng vẫn phải tiến hành xúc tiến tái sinh do phân bố cây tái sinh trên bề mặt đất rừng chưa hợp lý. Do đó, nghiên cứu hình thái phân bố cây tái sinh là cơ sở đề xuất các biện pháp kỹ thuật lâm sinh hợp lý nhằm thúc đẩy tái sinh theo hướng có lợi cho quá trình hồi phục rừng.
Để nghiên cứu hình thái phân bố cây tái sinh, chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn U của Clark và Evans.Kết quả phân bố được tổng hợp ở bảng 4.10.
Bảng 4.10. Phân bố cây tái sinh theo mặt phẳng nằm ngang
Trạng thái N (cây/ha)
Số k/c
đo λ R U Kiểu phân bố
Giai đoạn I 5653 30 0.243 1.08 -0.72674 Ngẫu nhiên
Giai đoạn II 5831 30 0.372 1.04 1.847387 Ngẫu nhiên
Giai đoạn III 5600 30 0.364 1.51 3.270845 Đều
Kết quả cho thấy, hình thái phân bố cây tái sinh theo mặt phẳng nằm ngang bằng tiêu chuẩn U ở các trạng thái thảm thực vật là phân bố ngẫu nhiên liên tục ở giai đoạn I va II, phân bố cách đều ở giai đoạn III. Quy luật phân bố cụm và phân bố ngẫu nhiên của cây tái sinh đã dẫn đến mất đất rừng còn nhiều khoảng trống không có cây tái sinh. Điều này cho thấy sự xuất hiện của nhóm loài cây định cư cùng với sự thay đổi mật độ cây tái sinh và tiểu hoàn cảnh làm cho mạng hình phân bố của cây trên bề mặt đất cũng thay đổi theo hướng tiến dần đến phân bố đều. Vì vậy, các giải pháp lâm sinh tác động cần phải điều tiết phân bố cây tái sinh tiệm cận dần với phân bố cách đều, bằng cách chặt tỉa cây ở những nơi có mật độ dày, trồng bổ sung các loài cây mục đích vào chỗ trống và mật độ còn thưa để điều chỉnh phân bổ cây cho đồng đều hơn.