Phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử (AAS)

Một phần của tài liệu Đồ án tốt nghiệp Nghiên cứu động học của quá trình hấp phụ một số ion kim loại nặng (Cu2+, Cd 2+) trên vật liệu nanocomposit tổng hợp từ chitosan và montmorillonit. (Trang 45 - 46)

Nguyên tắc: Phép đo dựa trên sự hấp thụ năng lượng của nguyên tử tự do ở

trạng thái hơi khi chiếu chùm tia bức xạ qua đám hơi của nguyên tố đó trong môi trường hấp thụ.

Để tiến hành đo thì phải qua các quá trình sau:

- Quá trình hoá hơi và nguyên tử hoá mẫu: chọn các điều kiện và loại trang bị phù hợp để chuyển mẫu phân tích từ trạng thái ban đầu (rắn, dung dịch) thành trạng thái hơi của nguyên tử tự do.

- Chiếu chùm sáng bức xạ đặc trưng của nguyên tố cần phân tích qua đám hơi vừa điều chế ở trên. Khi đó, các nguyên tử trong đám hơi sẽ hấp thụ tia bức xạ và tạo ra phổ AAS.

- Thu phân ly chùm sáng và chọn một vạch phổ hấp thụ của nguyên tố phân tích để đo cường độ thông qua một hệ thống máy quang phổ.

Cường độ vạch phổ có thể được đánh gíá thông qua chiều cao pic hoặc diện tích pic. Thông qua đó, chúng ta có thể định lượng nguyên tố một cách dễ dàng. Trong phép đo phổ AAS có hai kỹ thuật chính là: kỹ thuật nguyên tử hoá có ngọn lửa (FAAS) và kỹ thuật không ngọn lửa (ETA-AAS). Kỹ thuật ETA-AAS cho độ nhạy rất cao, đồng thời giới hạn phát hiện của các nguyên tố khi sử dụng phương pháp này rất nhỏ. Tuy nhiên để thực hiện thì đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền tốn kém, giá thành cao nên trong đồ án này chúng tôi chọn kỹ thuật FAAS. Hơn nữa, phép đo tốn ít nguyên liệu, ít thời gian, lại không cần sử dụng hoá chất tinh khiết cao, có thể xác định đồng thời hay liên tiếp nhiều nguyên tố trong một mẫu. Kết quả phân tích

rất ổn định, sai số nhỏ nên được sử dụng phổ biến để xác định các nguyên tố trong quặng, đất, đá, nước khoáng, mẫu y học, sinh học.

Ngoài ra ở nhiều nước trên thế giới, phương pháp AAS trở thành phương pháp tiêu chuẩn để định lượng nhiều kim loại. Với những ứng dụng rộng rãi của phép đo AAS (cụ thể là FAAS) dựa trên những ưu điểm nổi bật của nó, chúng tôi quyết định sử dụng phép đo phổ FAAS để xác định hàm lượng một số ion kim loại nặng (Cu2+, Cd2+) trong nước sau khi đã hấp phụ trên vật liệu hấp phụ Chit-Mont. Mẫu được đo tại Viện hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đồ án tốt nghiệp Nghiên cứu động học của quá trình hấp phụ một số ion kim loại nặng (Cu2+, Cd 2+) trên vật liệu nanocomposit tổng hợp từ chitosan và montmorillonit. (Trang 45 - 46)