Ngoài Hội đồng xét duyệt đối với người lao động được đề cử thì cần tổ chức cuộc bỏ phiếu đối với tất cả các nhân viên hoặc một bộ phận trong đội ngũ nhân viên mà người lao động đó quen thuộc nhằm tăng tính khách quan trong quyết định đề bạt, tạo công bằng trong Ban. Ban có thể thực hiện bằng việc xây dựng phiếu điều tra hoặc phỏng vấn người lao động trong đơn vị mình đã từng làm việc với người được đề bạt trong đó có những câu hỏi như : người được đề bạt có đủ kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của vị trí mới hay không? Tinh thần trách nhiệm của người được đề bạt trong công việc như thế nào? Kết quả thực hiện công việc của người được để bạt ở mức độ nào?.... Nội dung của việc điều tra, phỏng vấn phải xây dựng để lấy thông tin trả lời cho câu hỏi: liệu người được đề cử có xứng đáng với việc thăng tiến; có đủ khả năng, trình độ chuyên môn, đáng tin cậy, có phẩm chất đạo đức tốt, có thời gian làm việc đủ để tích lũy kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế,...nếu người được đề cử không phù hợp thì ai trong tổ chức có thể đảm nhiệm vị trí còn trống đó.
Từ đó mà Ban có thể đưa ra những quyết định mang tính khách quan hơn, có những điều chỉnh hợp lí nếu người được đề cử không được sự đồng lòng nhất trí của phần đông người lao động trong Ban. Hơn thế, người lao động sẽ cảm thấy hành động của người quản lý tại Ban dân chủ, công bằng, công khai và đúng đắn đồng thời tin tưởng, ủng hộ đối với những quyết định mà ban lãnh đạo đưa ra.
Xây dựng một loạt những chỉ tiêu đối với người được đề bạt là điều nên làm bởi có như vậy mới giúp cho việc thăng tiến trở nên thuận lợi và được sự ưng thuận của tất cả mọi người. Đây cũng là nền tảng, là công cụ cho người lao động thực hiện điền vào phiếu hoặc trả lời phỏng vấn dễ dàng, xác thực hơn, có thể đưa ra những đề cử phù hợp, đạt yêu cầu cho vị trí mới nếu người được đề cử trước đó họ cảm thấy không xứng đáng.