3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
3.1.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Thạch Hà là một huyện của tỉnh Hà Tĩnh, nằm bao quanh thành phố Hà Tĩnh, tỉnh lỵ của tỉnh; cách Thủ đô Hà Nội khoảng 350 km; cách thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) 45 km, theo quốc lộ 1A về hướng Tây Bắc.
Thạch Hà được giới hạn bởi tọa độ địa lý trong khoảng từ 18010 đến 18029 vĩ độ Bắc và 105038 đến 106002 độ kinh Đông. Phía Tây Bắc giáp huyện Can Lộc, phía Đông Bắc giáp huyện Lộc Hà và biển Đông, phía Nam giáp huyện Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh; phía Tây giáp huyện Hương Khê và phía Đông Nam giáp biển Đông.
Huyện được tách làm hai phần nằm về hai phía Đông và Tây của thành phố Hà Tĩnh, huyện có 31 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 1 thị trấn và 30 xã), diện tích tự nhiên là 35.503,78 ha, mật độ dân số là 406 người/km2.
3.1.1.2. Dân số và lao động
Huyện Thạch Hà với tổng dân số 124.913 người, trong đó dân số sống ở nông thôn chiếm 50,51%, mật độ dân số là 406 người/km2 (Niên giám thống kê, 2013). Huyện Thạch Hà có lực lượng lao động dồi dào với hơn 75 nghìn người tham gia hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, chiếm 59,7% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Cơ cấu lao động đã có hướng chuyển dịch tích cực: lao động trong lĩnh vực nông nghiệp không ổn định, có xu hướng giảm trong các năm tiếp theo, ngược lại lao động hoạt động trong lĩnh vực TTCN – xây dựng thương mại - dịch vụ trong tương lai tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do trên địa bàn huyện đã có nhiều nhà máy, công ty đi vào hoạt động, do đó một số lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ.
Để nâng cao thu nhập, người lao động cần được tiếp cận nguồn vốn vay để nâng cao tay nghề, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm giải quyết
lao động lúc nông nhàn.
3.1.1.3. Đặc điểm sản xuất kinh doanh
Giai đoạn 2011-2013 giá trị sản xuất kinh tế toàn huyện tăng qua các năm, năm 2013 ước đạt 2.527 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 12,7 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là 10,5 triệu đồng/người/năm). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 17,2%. Trong đó tăng trưởng nhiều nhất là ngành công nghiệp và xây dựng cơ bản, tăng đến 19,3%/năm, tiếp đến là dịch vụ, tăng 18,9%, ngành nông - lâm - thủy sản chỉ tăng 4,35%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất nông nghiệp bị giảm, bên cạnh đó cũng do tác động của điều kiện tự nhiên không thuận lợi (hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…) và một lý do nữa là người dân thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, lượng vốn sử dụng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn,…
Cơ cấu kinh tế huyện Thạch Hà giai đọan 2011-2013 đã chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế của huyện.
Bảng 3.1. Cơ cấu kinh tế huyện Thạch Hà giai đoạn 2011-2013
ĐVT: %.
Các ngành kinh tế 2011 2012 2013
Công nghiệp và xây dựng 40,8 41,2 42,4
Dịch vụ 17,7 18,1 18,9
Nông - lâm - thủy sản 41,5 40,7 38,7
(Nguồn: Niên giám thống kê huyện Thạch Hà, 2014).
Sự phát triển kinh tế của huyện Thạch Hà là môi trường tốt cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế huyện nhà.
Trong cơ cấu ngành nông nghiệp theo giá trị sản xuất, hầu như không có sự thay đổi, nông nghiệp thuần túy (trồng trọt, chăn nuôi) vẫn chiếm tỷ lệ lớn: Trồng trọt chiếm tỷ trọng trên 60%, chăn nuôi trên 24% còn dịch vụ nông nghiệp chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (trên 2%). Cụ thể các lĩnh vực như sau:
a) Trồng trọt
Lúa là cây lương thực chủ lực của huyện. Năng suất, sản lượng lúa không ổn định qua các năm, năm 2011 diện tích gieo trồng là 14.526,20 ha, đạt năng suất 48,35 tạ/ha, đến năm 2012 là 14.653,70 ha, đạt năng suất 46,84 tạ/ha; năm 2013 gieo trồng 14.869 ha, đạt năng suất 47,20 tạ/ha. Năng suất không ổn định ngoài tác động của khí hậu thời tiết, thủy lợi thì yếu tố vốn đầu tư cho cây lúa chưa hiệu quả. Với điều kiện tự nhiên, kinh tế khó khăn, để cây lương thực ngày càng ổn định đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân toàn huyện thì vấn đề tiếp cận được các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi là rất cần thiết.
Trong những năm gần đây huyện Thạch Hà thay vì sử dụng diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa thì đất nông nghiệp được sử dụng nhiều sang trồng rau, củ, quả thực phẩm đang là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao, thị trường rộng lớn và ngày càng trở thành một hướng sản xuất có tính chiến lược của nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Năm 2013 đạt năng suất cao nhất trong 3 năm với 36,85 tạ/ha, diện tích trồng rau là 815 ha, sản lượng thu hoạch 3.003,27 tấn.
Hiện trên địa bàn huyện Thạch Hà có trên 7.150 ha diện tích cây công nghiệp, chiếm gần 10% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sản lượng cây công nghiệp năm 2013 của huyện đạt 625.822,9 tấn, trị giá sản xuất 2.100 tỷ đồng. Cơ cấu chủ yếu gồm cây lạc diện tích 3.100 ha, cây vừng 357 ha, cây khoai lang 1.471 ha, cây sắn 2.322 ha,… Lạc và vừng là những cây có giá trị kinh tế cao đồng thời có thị trường xuấ khẩu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do đất đai kém màu mỡ, một số diện tích đất bị thu hẹp để xây dựng, sản xuất còn manh mún, chưa có công nghệ chế biến sâu, không có khả năng cung vốn để mở rộng diện tích và trồng mới với quy mô lớn nên các cây này chỉ đóng vai trò thứ yếu trong phát triển kinh tế,… Đó cũng là nguyên nhân làm sụt giảm về sản lượng thu hoạch.
b) Chăn nuôi
Chăn nuôi huyện Thạch Hà phát triển theo hướng thay đổi cơ cấu, tăng số lượng và sản lượng thịt lợn và gia cầm các loại và giảm chăn nuôi đàn gia súc do thiếu thức ăn thô và bãi chăn thả. Trong khi chăn nuôi gia cầm và gia súc phát triển
theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi tập trung, công nghiệp vừa tạo hiệu qủa kinh tế cao vừa thuận lợi kiểm soát dịch cúm gia cầm. Chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%, tổng đàn trâu bò 28.264 con, tổng đàn lợn 28.242 con, tổng đàn gia cầm 422.398 con.
c) Lâm nghiệp - nuôi trồng thủy hải sản
Đất lâm nghiệp của huyện phân tán theo địa hình của 19 xã, quy mô tập trung nhỏ. Độ che phủ tăng từ 38% năm 2011, lên 43% năm 2013. Mỗi năm trồng mới thêm 100 ha rừng và hơn 1,9 triệu cây phân tán, khai thác 410 m3 gỗ (rừng thông), 87 tấn nhựa thông.
Giá trị sản xuất theo giá cố định của ngành thủy sản đóng góp vào cơ cấu kinh tế của huyện năm 2011 là 50. 936 triệu đồng và năm 2013 là 51.577 triệu đồng, tăng 1,01% về giá trị sản xuất và đang có xu hướng tăng trong những năm tới do nâng cao năng suất nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
Diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ giảm từ 855 ha năm 2011, xuống còn 830 ha năm 2013 nhưng tổng sản lượng tăng từ 1.158 tấn lên 1.380 tấn cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2013 cũng đạt năng suất cao nhất trong 3 năm: diện tích nuôi trồng 400 ha, đạt sản lượng 400 tấn. Số lượng tàu thuyền tăng từ 690 chiếc năm 2011 lên 950 chiếc năm 2013.