- Tổ chức và hoạt động của Hội nông dân các cấp của tỉnh Cà Mau còn có những bất cập
3.1.1.2. Phương hướng
- Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn đảng bộ về vị trí, vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn và CTVĐND.
Công tác vận động nông dân là hoạt động có ý nghĩa chiến lược của Đảng. Nó không chỉ có vai trò quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ, mà còn cả trong công cuộc xây dựng CNXH, công cuộc CNH, HĐH đất nước hiện nay. Chính vì vậy cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo ra sự chuyển biến tích
cực trong nhận thức cho toàn đảng bộ về CTVĐND. Mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ, đặc biệt là cán bộ, đảng viên ở nông thôn cần xác định CTVĐND là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác dân vận, khắc phục tình trạng đùn đẩy, ỷ lại.
Cà Mau là tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, nông dân chiếm phần lớn trong dân cư. Do vậy, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của nông thôn, nông nghiệp, nông dân mới có những chủ trương, chính sách đúng và có biện pháp giải quyết kịp thời những tồn tại, bức xúc trong nông thôn hiện nay.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các lực lượng tiến bộ trong xã hội làm CTVĐND.
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn là điều kiện để giải quyết tốt các vấn đề khác. Bởi vì nông dân có mối quan hệ chặt chẽ với các giai tầng khác trong xã hội. Mọi sự biến đổi trong nông thôn, nông nghiệp, nông dân đều tác động, ảnh hưởng đến các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác. Vì vậy, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của toàn xã hội tham gia CTVĐND là việc làm cần thiết. Đó là sự phối hợp sức mạnh, lợi thế của tất cả các tổ chức, các cấp, các ngành tạo ra sự đồng thuận trong xã hội cùng giải quyết những vấn đề đặt ra ở nông thôn.
Trong giai đoạn hiện nay, cũng như trong thời gian tới, để CTVĐND của Đảng bộ tỉnh Cà Mau đạt kết quả tốt đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng cần lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể chủ động liên kết, hợp tác với các tổ chức xã hội - nhân đạo, các doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học,... cùng hướng về nông dân, chăm lo cho nông dân. Ngoài ra cần phải thu hút các lực lượng khác như công an, cựu chiến binh, lão thành cách mạng, các chức sắc tôn giáo... tham gia CTVĐND dưới nhiều hình thức. Giai cấp nông nhân và các lực lượng, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một mặt giai cấp nông dân đóng góp tích cực cho toàn xã hội, mang lại lợi ích cho các lực lượng xã hội khác. Mặt khác các lực lượng xã hội khác phải có trách nhiệm giúp đỡ giai cấp nông dân. Sự giúp đỡ này là rất cần thiết. Nếu không có sự giúp đỡ đắc
lực của các lực lượng xã hội khác thì giai cấp nông dân khó tránh khỏi đói nghèo để vươn lên làm giàu. Vả lại, một mình giai cấp nông dân thì không thể tiến hành thành công công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Vì những lý do trên, có thể khẳng định cần phải huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội để làm CTVĐND. Việc nâng cao chất lượng CTVĐND, chăm lo cho giai cấp nông dân không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, của đội ngũ cán bộ, đảng viên nông thôn mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
- Gắn nội dung CTVĐND với yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Cà Mau.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng ta xác định CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là bước khởi đầu rất quan trọng. Vì vậy, vận động nông dân thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là nội dung trọng tâm của CTVĐND. Tất cả các biện pháp tác động đến nông dân đều phải xoay quanh nội dung này. Nếu không xuất phát từ nội dung này, CTVĐND sẽ mất phương hướng.
Quán triệt quan điểm của Đảng về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XII đã xác định:
Phát huy tiềm năng, lợi thế và hướng mạnh về nông thôn là khâu trọng tâm đột phá để phát triển kinh tế với nhịp độ nhanh, vững chắc, hiệu quả, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn [11, tr.13].
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ nêu trên đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân phải tuyên truyền, vận động nông dân hăng hái sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, CTVĐND phải thu hút mọi lực lượng nông dân tham gia đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tùy từng lúc, từng nơi, từng loại đối tượng mà cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân phải đổi mới hình thức và phương pháp tác động đến nông dân
cho phù hợp. Làm được như vậy sẽ phát huy được tiềm năng to lớn của nông dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đó cũng là điều kiện góp phần nâng cao chất lượng CTVĐND.
Gắn CTVĐND với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
Công tác vận động nông dân, suy đến cùng là nhằm lôi cuốn nông dân tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, thực chất là tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân.
Phương hướng này đỏi hỏi các cấp ủy, chính quyền địa phương phải tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, lấy lực lượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt để vận động, cuốn hút đông đảo nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề mới, lực lượng sản xuất mới, phát triển kinh tế hợp tác - hợp tác xã; huy động và thúc đẩy các thành phần kinh tế tạo ra sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh, bình đẳng, tiến bộ, thực hiện "nông dân giàu, nông thôn mạnh".
Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền phải quan tâm giải quyết những bức xúc trong từng địa phương, của từng gia đình, đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn khác.