Cà Mau là tỉnh sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Nông dân chiếm 80% dân số của tỉnh, hầu hết sống bằng các nghề nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền, giai cấp nông dân Cà Mau luôn phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết nỗ lực quyết tâm góp phần quan trọng vào việc thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong nhiều năm liền. GDP của tỉnh năm 2000: 8,4%; 2001: 9,31%; 2002: 11,14%; 2003: 11,43%; 2004: 11,95%.
- Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của Cà Mau có bước chuyển dịch mạnh từ nông - ngư - lâm nghiệp - dịch vụ chuyển sang ngư - nông - lâm nghiệp và dịch vụ.
Hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế nông thôn. Cơ giới hóa khâu làm đất đạt 83%, toàn tỉnh có 126 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất 2.450 tấn/ngày, một nhà máy lau gạo xuất khẩu công suất 48.000 tấn/năm, một nhà máy đường có công suất 1.000 tấn mía/ngày, 13 lò đường thủ công có công suất 650 tấn/ngày, bảo đảm chế biến 80-96% lượng mía cây trong tỉnh.
Có thể nói, trong mấy năm qua, lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã vươn lên đáng kể, sản lượng lương thực tăng nhanh và liên tục, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống đại bộ phận nông dân trong tỉnh.
Việc trồng và bảo vệ rừng có chuyển biến rõ nét góp phần tăng vốn rừng và khai thác hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng. Môi trường sinh thái nhiều khu vực đang được hồi phục. Tình trạng cháy rừng, chặt phá cây rừng giảm rõ rệt.
Những năm qua kinh tế thủy sản tăng nhanh, từng bước phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tổng số tàu đánh bắt hiện có 4.548 chiếc với công suất 350.000 CV, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 1.063 chiếc, công suất 272 CV.
Cùng với đội tàu đánh bắt xa bờ, Cà Mau đã chuyển đổi sản xuất từ đất nông nghiệp sang nuôi tôm (diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay 210.923 ha, chiếm 40,60% diện tích đất tự nhiên), tôm - lúa kết hợp. Các cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng và khai thác thủy hải sản từng bước được đầu tư gồm: thủy lợi, hệ thống cảng cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu kiểm ngư, các cơ sở hậu cần phục vụ khai thác xa bờ, các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản... Hệ thống trại sản xuất và ươm tôm giống phát triển khá mạnh (hiện nay có trên 400 trại sản xuất tôm giống). Tổng lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh đạt 2-3 tỷ con/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tôm giống hiện tại. Ngoài ra, tỉnh đang đầu tư xây dựng ba trại tôm giống, cá nước ngọt tại huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm. Giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân hàng năm 6%.
- Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: công nghiệp chế biến thủy sản phát triển khá mạnh. Hiện nay Cà Mau có 18 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, công suất 50.000 tấn/năm, bảo đảm chế biến 80% sản lượng tôm khai thác, nuôi trồng; ba nhà máy bột cá chế biến thức ăn gia súc, công suất 15.000 tấn/năm, bảo đảm chế biến 50% lượng cá tạp.
Chế biến nước mắm 1.500.000 lít/năm, 108 cơ sở sản xuất nước đá với công suất 980.000 tấn/năm; 45 kho đông lạnh, công suất 3.280 tấn. Ngoài ra một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển phục vụ thiết thực cho nông nghiệp, nông thôn như điện, điện lạnh, cơ khí, đóng tàu, chế biến mía đường, khai thác nước ngầm, xây dựng dân dụng... khu công nghiệp khí - điện - đạm Khánh An (U Minh) đang được xây dựng mở ra triển vọng mới cho Cà Mau.
- Về kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh, nhất là những công trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Lưới điện phát triển khá nhanh. Hiện nay điện lưới quốc gia kéo đến 100% số xã trong tỉnh. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tăng từ 7,2% năm 1995 lên hơn 60% năm 2003, trong đó địa bàn nông thôn tăng từ 2% năm 1995 lên 50% năm 2003.
Hệ thống thủy lợi được đầu tư tập trung, phát huy hiệu quả nhanh. Những công trình thủy lợi trọng điểm như đê biển, đê sông xung yếu, nạo vét, đào mới một số kênh trục được Nhà nước đầu tư, cùng với phong trào nhân dân làm thủy lợi, thủy nông nội đồng, xây dựng cống thời vụ, đã tạo điều kiện thâm canh, tăng năng suất, mở rộng diện tích lúa, rau màu và phục vụ nuôi tôm.
Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển mạnh làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn của tỉnh. Đến nay, 100% số huyện trong tỉnh, 45% số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Đường bộ nông thôn được đầu tư xây dựng bằng bê tông và cầu bê tông, cầu gỗ được làm mới chắc chắn thay thế cầu khỉ ngày càng nhiều. Hiện nay tỉnh có khoảng 3.000 km đường bộ nông thôn, trong đó đường đá 875km, đường bê tông 850 km; xây dựng mới 3.155 cây cầu, trong đó có 32% là cầu kiên cố. Đồng thời tỉnh đang đầu tư xây dựng lại hệ thống giao thông đường thủy để việc đi lại, chuyên chở hàng hóa được dễ dàng. Hệ thống giao thông đường thủy có vai
trò rất quan trọng, là phương tiện giao thông chủ yếu trong tỉnh. Vì vậy ca nô, vỏ lải, tầu khách được bố trí khắp các tuyến đường tiện dụng cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa...
Có thể nói, phong trào nhân dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn là một trong những phong trào hành động cách mạng rộng lớn, được duy trì liên tục, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn.
Nhờ sản xuất phát triển, giao thông thuận tiện nên giao lưu kinh tế được mở rộng, hàng hóa khu vực nông thôn của tỉnh phong phú, dồi dào đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất của bà con nông dân.
- Về văn hóa - xã hội:
Những năm qua, văn hóa - xã hội ở vùng nông thôn Cà Mau có nhiều tiến bộ đáng kể. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục phát triển cả quy mô và chất lượng. Trường lớp, trang thiết bị dạy và học ở vùng nông thôn được đầu tư khá mạnh, có 80% số trường học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, các xã đều có trường tiểu học, liên xã có trường trung học cơ sở. Trình độ dân trí ở nông thôn được nâng lên, toàn tỉnh đã đạt phổ cập tiểu học, 25% số xã đạt phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em đến trường đạt trên 90%. Sự phát triển của giáo dục không chỉ nâng cao dân trí mà còn có tác dụng tích cực đối với kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở vùng nông thôn.
Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường và mở rộng, 100% số xã có trạm y tế và cơ bản có bác sĩ phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác truyền thông dân số, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống các bệnh xã hội nguy hiểm được coi trọng và thực hiện có kết quả, nhất là các đối tượng ở nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (từ 35% còn 33,5%).
Phong trào văn nghệ - thể dục thể thao trong nông dân phát triển khá mạnh, nhiều câu lạc bộ văn hóa, đờn ca tài tử, nhiều đội bóng đá, bóng chuyền được hình thành. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở khu dân cư"
được đẩy mạnh. Đến nay có 300 ấp, khóm, 6 xã - phường, trên 161.000 hộ nông dân được công nhận gia đình văn hóa (đạt 70,35% số hộ). Bên cạnh đó, một số thiết chế, công trình văn hóa được đầu tư xây dựng tạo thành những điểm giáo dục truyền thống, sinh hoạt văn hóa và tham quan du lịch. Một số sân thể thao được xây dựng và có tác động tích cực đến phong trào thể thao của quần chúng. Những tiến bộ đó đã làm cho sinh hoạt văn hóa của nông dân Cà Mau thêm phong phú, lành mạnh, hạn chế tác động tiêu cực của mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác.
- Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn một bước. Với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng từ Đại hội VI đến Đại hội IX, nhất là thực hiện các Nghị quyết Trung ương 3 - khóa VII (1992) "Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay", đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX "về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn", tình hình hệ thống chính trị ở nông thôn Cà Mau có sự chuyển biến tích cực. Trình độ, năng lực của đội ngũ đảng viên được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.