Những nghiên cứu SRI ở Ấn Độ

Một phần của tài liệu nghiên cứu khả năng áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến sri (system of rice intensification) cho vùng đất không chủ động nước tại tỉnh bắc kạn (Trang 41 - 42)

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.6.7.Những nghiên cứu SRI ở Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia có diện tích trồng lúa lớn nhất trên thế giới, và đứng thứ hai về sản lượng lúa gạo sau Trung Quốc. Hơn một nửa diện tích trồng lúa nước, cung cấp hơn 75% sản lượng lúa gạo, đã tiêu tốn hết 50-60% nguồn nước ngọt rất hạn chế của đất nước này. Dân số Ấn Độ được dự kiến sẽ tăng từ 1,15 tỷ lên tới 1,6 tỷ vào năm 2050, gây ra những sức ép mạnh mẽ đối với nguồn tài nguyên đất đai và tài nguyên nước [27].

SRI được đưa vào Ấn Độ vào năm 2000 khi các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Nông nghiệp Tamil Nadu (TNAU) khởi xướng thí nghiệm liên quan đến các nguyên tắc của SRI trong một dự án hợp tác về trồng lúa sử dụng ít nước. Năm 2003, một gói các biện pháp SRI đã được hình thành và thử nghiệm tại cánh đồng của 200 nông dân tại lưu vực sông Cauvery và Tamiraparani. Kết quả ở hai lưu vực sông cho thấy sản lượng bình quân tăng 1,5 tấn/hecta trong khi giảm chi phí sản xuất, thậm chí nhu cầu lao động giảm 8%/ha. Đánh giá này tạo nền tảng cho việc chính thức khuyến cáo áp dụng phương thức thâm canh lúa cải tiến cho nông dân vào năm 2004 [27].

Đồng thời, trường đại học nông nghiệp quốc gia tại Andhra Pradesh – Đại học Nông nghiệp Acharya N.G. Ranga (ANGRAU), giới thiệu phương pháp SRI trên các ruộng lúa của nông dân trong vụ mùa năm 2003. Thử nghiệm so sánh đã được tiến hành trên các huyện của toàn bang. Việc so sánh này đã tạo ra sự quan tâm chú ý trong toàn quốc khi kết quả chỉ ra rằng năng suất trung bình của ruộng lúa SRI tăng 2,5 tấn/hecta - tăng 50% so với ruộng canh tác lúa nước tập quán [27].

Năm 2005 và 2006, SRI tiếp tục được đánh giá tại Viện nghiên cứu về nông nghiệp Ấn Độ. Trong tất cả các phương pháp canh tác thì phương thức canh tác theo SRI cho chiều cao cây là 82,5cm, sự tích lũy vật chất khô là 558 gam/m2, số lượng rễ 312,27 cái. Năng suất hạt đạt 5,47 tấn/ha, năng suất

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc-tnu.edu.vn

sinh vật học là 7,66 tấn/ha. Sản lượng của phương thức canh tác theo SRI tăng lên so với các phương pháp khác là 5,2%. Tuy nhiên SRI đã tiết kiệm được 14,5% lượng nước so với phương pháp thông thường [43].

Hiện nay, SRI được biết đến ở tất cả các bang trồng lúa tại Ấn Độ. Ước tính, có khoảng 600.000 nông dân đang trồng lúa sử dụng toàn bộ hoặc từng phần các biện pháp SRI trên diện tích khoảng 1 triệu hecta thuộc 300 trong số 564 huyện trồng lúa của Ấn Độ. SRI cũng đang được điều chỉnh để áp dụng tại những khu vực canh tác nhờ nước mưa tự nhiên [27], [43].

Đây có lẽ là tiến bộ nông nghiệp được triển khai áp dụng nhanh nhất ở quốc gia này, điều đó làm cho SRI trở thành một hiện tượng quốc gia rất điển hình với chi phí ít nguồn lực cho việc nhân rộng. Hiện nay, WWF đang hướng đến việc áp dụng SRI trên những loại cây trồng khác đang “khát” nước như mía và lúa mì.

Một phần của tài liệu nghiên cứu khả năng áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến sri (system of rice intensification) cho vùng đất không chủ động nước tại tỉnh bắc kạn (Trang 41 - 42)