Hoạt động sử dụng và quản lý sử dụng kinh phí ở các Bệnh viện huyện có vai trò quan trọng trong hoạt động và phát triển của các đơn vị này nói riêng, đến toàn ngành y tế nói chung. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động ở các Bệnh viện huyện ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, tiền đề cần thiết tạo ra trí tuệ, tài sản quý giá nhất trong mọi tài sản. Chất lượng hiệu quả của hoạt động y tế phụ thuộc nhiều vào công tác đầu tư cũng như công tác sử dụng và quản lý nguồn vốn đầu tư này.
Quản lý tài chính ở các Bệnh viện huyện góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Nhất là trong điều kiện nước ta hiện nay, mặc dù đã có sự điều tiết của Nhà nước nhưng cơ chế thị trường vẫn có những quy luật tất yếu của nó. Phân hoá giàu nghèo là hệ quả khách quan của quá trình phát triển. Mặt khác người nghèo có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người giàu, việc họ không có đủ khả năng chi trả cho việc khám chữa bệnh là điều tất yếu. Quản lý tài chính phù hợp với từng đối tượng là một vấn đề khó, việc đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng còn khó hơn. Nhà nước đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ ở mức độ cơ bản theo khả năng tối đa của NSNN dành cho khám chữa bệnh. Đối tượng ưu tiên và người nghèo không đủ khả năng chi trả được Nhà nước hỗ trợ thông qua các chính sách xã hội. Các đối tượng khác có nhu cầu phục vụ cao hơn được các cơ sở y tế, Bệnh viện tạo điều kiện thuận lợi phù hợp với khả năng thanh toán của họ.
Quản lý tài chính ở các Bệnh viện huyện nói riêng, ĐVSN y tế nói chung là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Thông qua việc xác định cơ cấu tỷ trọng các khoản chi của từng đơn vị Nhà nước tham gia điều chỉnh hướng dẫn đảm bảo các hoạt động y tế của các đơn vị đi đúng hướng theo đường lối của Đảng và Nhà nước.
Sau khi Nghị định 10/2002/NĐ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP đi vào thực tiễn mở ra con đường thuận lợi cho các Bệnh viện huyện đảm bảo nguồn tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh của mình, đem lại bộ mặt mới cho các đơn vị này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức cần được hoàn thiện hơn nữa. Việc tiếp tục hoàn thiện hoạt động tài chính và các cơ chế quản lý tài chính tại các Bệnh viện huyện là tất yếu khách quan vì các lý do:
Thứ nhất, việc hoàn thiện hoạt động tài chính và cơ chế quản lý tài chính là rất cần thiết đối với mỗi đơn vị.
Nhà nước đã giao cho các ĐVSN nói chung, Bệnh viện huyện nói riêng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ- CP của Chính phủ. Để phát huy quyền tự chủ tối đa của mình và hướng tới đạt được các mục tiêu Nghị định đề ra, các đơn vị cần xây dựng cho mình một lộ trình hoạt động và cơ chế quản lý tài chính hiệu quả, hợp lý với tình hình hoạt động cũng như tình hình tài chính của mình. Có như thế đơn vị mới có thể phát huy được tính tự chủ của bản thân đã được Nhà nước giao cho.
Mục tiêu của Nhà nước khi giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị là tạo điều kiện cho các đơn vị có thể chủ động trong việc sử dụng các nguồn lực về tài chính và sử dụng lao động sao cho có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đơn vị không xây dựng cho mình một lộ trình hoạt động và cơ chế quản lý tài chính hợp lý thì việc sử dụng các nguồn tài chính có thể không hiệu quả mà thậm chí còn kém hiệu quả hơn so với trước khi giao tự chủ tài chính.
Thứ hai về phía Nhà nước, việc hoàn thiện hoạt động tài chính và cơ chế quản lý tài chính tại các Bệnh viện huyện cũng ảnh hưởng đến chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Bệnh viện huyện cung cấp các dịch vụ y tế cho xã hội, hoạt động này đòi hỏi phải mang lại hiệu quả cao để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Nếu các đơn vị này không xây dựng được một lộ trình hoạt động và cơ chế tài chính hợp lý, phát huy được hiệu quả cao có thể dẫn tới việc không hoàn thành triệt để các nhiệm vụ được Nhà nước giao cho. Bên cạch đó, nếu lộ trình hoạt động và cơ chế quản lý tài chính của đơn vị không hiệu quả có thể gây lãng phí, thất thoát cho NSNN. Yêu cầu quản lý đòi hỏi các đơn vị phải có một cơ chế quản lý tài chính công khai, đây là công cụ để Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn tình hình sử dụng tài chính tại mỗi đơn vị một cách công khai, minh bạch.
CHƯƠNG 2
VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH BỆNH VIỆN TUYẾN HUYỆN TỈNH THÁI BÌNH