3.2.1.1 Giải quyết bảo lãnh vay vốn ngân hàng
Trong những năm qua, để kiềm chế lạm phát Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tài chính, việc làm nhằm góp phần ổn định an sinh xã hội, nhưng điều này cũng là nguyên nhân khiến sản xuất bị đình trệ do doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất huy động, nới lỏng tín dụng. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp cận vốn với đúng mức lãi suất công bố không dễ. Để giải quyết vấn đề nghịch lý là doanh nghiệp thì thiếu vốn còn ngân hàng thì có vốn nhưng không cho vay, nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động.
Nhà nước nên có những giải pháp kích cầu tăng sức mua trên thị trường, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh.
Ngân hàng có thể xem xét các yếu tố như tư cách pháp nhân của công ty, năng lực quản lý, triển vọng của công ty, khả năng sinh lời,… Nếu tất cả các yếu tố trên đều chấp nhận được nhưng điều kiện tài sản thế chấp chưa được đảm bảo vẫn có thể cho vay. Cách cho vay này các ngân hàng tại các nước phát triển vẫn áp dụng đối với các khách hàng có uy tín và có quan hệ tốt với ngân hàng.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế bảo lãnh vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tại ngân hàng thương mại. Theo đó, doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn phải đáp ứng bốn điều kiện:
- Thứ nhất, là doanh nghiệp vừa và nhỏ ( trừ doanh nghiệp siêu nhỏ) thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo….
- Thứ hai, có dự án đầu tư có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Dự án đầu tư được ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định.
- Thứ ba, có tối thiểu 15% vốn CSH tham gia dự án đầu tư.
- Thứ tư, tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại (tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư dự án) trên cơ sở kết quả thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng tài chính của các bên. Thời hạn bảo lãnh vay vốn được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại theo hợp đồng tín dụng và thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngân hàng Phát triển VIệt Nam được từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn trong hai trường hợp:
- Ngân hàng thương mại giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp không đúng mục đích sử dụng vốn vay ghi trong hợp đồng tín dụng.
- Doanh nghiệp sử dụng vốn vay, tài sản hình thành vốn vay không đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng và ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay đối với doanh nghiệp.
Công ty nên nghiên cứu Quy chế bảo lãnh vay vốn ngân hàng trên đây, lập kế hoạch đáp ứng các điều kiện ngân hàng Phát triển Việt Nam đưa ra để được bảo lãnh vay vốn ngân hàng, tăng nguồn vốn kinh doanh.
3.2.1.2 Mở rộng các hình thức huy động vốn
a) Huy động vốn từ cán bộ công nhân viên
Công ty cổ phần vật tư nông lâm nghiệp là một công ty thành lập đã khá lâu và có uy tín trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên số lượng cán bộ công nhân viên không nhiều, nên vốn huy động được từ nguồn này không nhiều.
Việc huy động vốn từ cán bộ công nhân viên là một cách nhằm huy động nội lực, giảm thiểu rủi ro và tăng sức mạnh tài chính của công ty, tăng thêm mối liên hệ mật thiết về kinh tế của nhân viên trong công ty với công ty. Nhưng muốn tăng huy động bằng hình thức này, trong tương lai công ty phải kinh doanh có lãi cao, tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Đặc biệt, công ty phải tiến hành việc trả lãi cho nguồn huy động này đầy đủ, đúng hạn, đưa ra các kế hoạch thu hút nguồn vốn từ cán bộ công nhân viên và người thân của họ như tặng quà lưu niệm vào các dịp lễ tết, lãi suất hấp dẫn,....
b) Phát triển hình thức tín dụng thương mại
Công ty đang huy động vốn chủ yếu từ tín dụng thương mại, tuy nhiên lượng vốn từ tín dụng thương mại chưa được ổn định qua các năm, có thể nói vốn của công ty phụ thuộc vào tín dụng thương mại nhiều. Huy động vốn từ tín dụng thương mại đem lại nhiều lợi ích cho công ty và phía nhà cung cấp, tuy nhiên công ty cần có kế hoạch để kiểm soát tương đối số vốn huy động được từ hình thức này, để đảm bảo cho nhu cầu vốn được ổn định và đáp ứng đủ cho nhu cầu kinh doanh.
Trong thời gian tới, công ty cần phát triển hình thức tín dụng thương mại bằng các phương thức: phát hành thương phiếu, hối phiếu… Việc phát triển các hình thức huy động vốn này sẽ góp phần tài trợ linh hoạt và tiện lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty. Mặt khác, nó tạo khả năng mở rộng quan hệ hợp tác bền vững lâu dài. Ngoài ra, khi công ty nắm giữ các thương phiếu, công ty còn có thể vay thêm ngân hàng thông qua hình thức chiết khấu thương phiếu.
c) Huy động vốn bằng hình thức liên doanh, liên kết
Liên doanh là hình thức hiệu quả trong trường hợp Công ty muốn thu hút cả kinh nghiệm quản lý kèm theo vốn đầu tư, nhất là những công việc mà nếu tự đảm nhiệm công ty sẽ gặp nhiều bất lợi hoặc khó đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên. hiện nay công ty chưa chú tâm lắm tới việc gọi vốn liên doanh, liên kết.
d) Tăng cường nghiệp vụ thuê tài chính
Việc sử dụng thuê tài chính có những điểm lợi chủ yếu sau:
- Giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng trong việc huy động và sử dụng vốn vay vì khi thuế tài chính người đi thuê không phải thế chấp tài sản.
- Giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng dự án đầu tư, nắm bắt thời cơ kinh doanh,
- Giúp doanh nghiệp có thể hoãn thuế TNDN.
- Việc xác định thời hạn thanh toán linh hoạt hơn so với vay của ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng có hạn chế là doanh nghiệp phải chịu chi phí sử dụng vốn tương đối cao và độ rủi ro cũng khá cao.
3.2.1.3 Sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và tiết kiệm chi phí
Bên cạnh mục tiêu huy động đủ vốn cho cần hoạt động kinh doanh, công ty cần sử dụng nguồn vốn hiện có một cách tiết kiệm và hiệu quả. Ba năm vừa qua, tốc độ luân chuyển VLĐ của công ty giảm, hiệu quả sử dụng vốn giảm, công ty lãng phí tương đối vốn. Vì vậy, công ty cần tổ chức tốt hơn công tác tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho, nhanh chóng thu hồi các khoản phải thu khách hàng để tăng hiệu quả sử dụng vốn. Phấn đấu giảm chi phí đầu vào, hạn chế mua hàng qua khâu trung gian, tiếp cận nhà sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp để mua được giá rẻ, chất lượng đạt tiêu chuẩn của Nhà nước. Ngoài ra, công ty cần quan tâm đến vấn đề tiết kiệm các loại chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động như chi phí mua hàng, chi phí dự trữ, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp,…
3.2.1.4 Giải quyết nhanh chóng lượng hàng tồn kho nhằm đẩy nhanh vòng quay của VLĐ
Thực tế cho thấy mấy năm qua ở công ty tồn tại một lượng hàng tồn kho khá lớn, gây ứ đọng vốn và tăng chi phí lưu kho, bảo quản. Để giải quyết vần đề này cần phải tổ chức tiêu thụ hàng hóa tốt.
Công ty cần xây dựng, hình thành bộ phận marketing, nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường, nắm bắt nhanh các thông tin khác để từ đó đưa ra những quyết định hợp lý, đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa. Tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với hàng hóa của công ty, ví dụ như đối với khách hàng không có phương tiện vận tải, công ty đều có xe ô tô chuyên chở đến tận nơi với cước phí hợp lý. Ngoài ra, công ty cần thường xuyên theo dõi sự biến động của thị trường vật tư, hàng hóa, dự đoán xu thế biến động trong kỳ tới để có quyết định điều chỉnh kịp thơi việc mua sắm, dự trữ vật tư, hàng hóa có lợi cho công ty trước sự biến động của thị trường.
Hàng hóa công ty kinh doanh chủ yếu là phân bón. Chịu ảnh hưởng mạnh của khí hậu nóng ẩm, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của hàng hóa trong quá trình bảo quản và vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, với một lượng hàng tồn kho lớn công ty sẽ bỏ ra khá nhiều chi phí bảo quản để chất lượng hàng hóa không bị suy giảm khi đến tay người nông dân. Công ty cần tổ chức tốt việc dự trữ, bảo quản vật tư, hàng hóa. Cần áp dụng thưởng, phạt tài chính để tránh tình trạng mất mát, hao hụt quá mức hoặc vật tư hàng hóa bị kém phẩm chất. Thường xuyên kiểm tra, nắm vững tình hình dự trữ, phát hiện kịp thời tình trạng vật tư bị ứ đọng, không phù hợp để có biện pháp giải phóng nhanh số vật tư đó, thu hồi vốn.
Thực hiện tốt việc mua bảo hiểm đối với vật tư, hàng hóa, lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Biện pháp giúp cho công ty chủ động thực hiện bảo toàn VLĐ.
3.2.1.5 Xây dựng kế hoạch hoàn vốn và luân chuyển vốn trong kinh doanh theo từng tháng, quý
Để sử dụng nguồn vốn đã huy động đạt hiệu quả cao, công ty cổ phần vật tư nông lâm nghiệp Hà Giang đã và đang xây dựng kế hoạch hoàn vốn và luân chuyển vốn cụ thể theo từng tháng, từng quý, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển VLĐ.