Để đảm bảo cho hệ thống đường bộ làm việc có hiệu quả trong thời hạn thiết kế và kéo dài tuổi thọ con đường thì cần thiết phải nâng cao công tác bảo trì đường bộ, bao gồm việc áp dụng có hiệu quả công nghệ bảo trì và hơn nữa là quyết định thời gian bảo trì cho phù hợp. Thực trạng hiện nay, công tác điều tra xác định các loại hư hỏng mặt đường còn kém và hạn chế dẫn đến không xác định rõ được nguyên nhân gây hư hỏng, vì thế việc bảo trì được thực hiện không đúng cách, không kịp thời đã làm cho mặt đường dưới tác dụng của các nhân tố phá hoại (tải trọng xe, môi trường…) đã hư hỏng lại càng thêm hư hỏng khiến công tác khắc phục và sửa chữa càng trở nên khó khăn hơn.
Một thực tế hiện nay là công nghệ bảo dưỡng sửa chữa mặt đường ở nước ta nhìn chung chưa được phát triển. Về vật liệu bảo dưỡng, chủ yếu sử dụng nhựa đường thông thường, hoặc nhũ tương nhựa đường thông thường. Về máy móc thiết bị bảo dưỡng, hầu như không có máy móc thiết bị chuyên dùng như máy rải cốt liệu, máy rải lớp phủ bê tông nhựa chuyên dụng có thể rải lớp rất mỏng (> 2cm), hệ thống phun nhũ tương tự động có tốc độ và tỷ lệ phun ổn định quá ít và thường xuyên hư hỏng do kém bảo dưỡng. Về công nghệ thi công, các công nghệ mới trong bảo trì (chipseal, slurryseal, capseal...), trong sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa (vá ổ gà, khắc phục vết nứt...) và trong mặt đường bê tông xi măng (nứt vỡ, sửa chữa lỗ hổng dưới bản bê tông xi măng...) với vật liệu mới như nhựa đường polime, nhũ tương nhựa đường polime và hệ thống thiết bị đồng bộ hầu như chưa có nghiên cứu áp dụng. Những nghiên cứu gần đây như: nghiên cứu một số giải pháp chính bảo dưỡng sửa chữa mặt đường trong chương trình SHRP; chiến lược tối ưu cho công tác bảo trì và cải tạo mặt đường nhựa trong điều kiện Việt
Nam; khảo sát sử dụng mô hình HDM-4 kết hợp phương pháp đường dốc; phương thức kết hợp giữa kết quả từ mô hình HDM-4 và cách thức xác định công việc cụ thể theo phương pháp VIZIR... là rất thiết thực cho công tác bảo trì của nước ta.
2.3.5. Tóm tắt.
Mặt đường BTN là loại mặt đường mềm được sử dụng rộng rãi ở Bắc Ninh vì có những ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên những hư hỏng của loại mặt đường này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác đường. Phân tích các yếu tố liên quan đến hư hỏng của mặt đường bê tông nhựa để làm rõ các nguyên nhân gây hư hỏng, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, sửa chữa phù hợp.
Có nhiều yếu tố gây ra hư hỏng cho mặt đường bê tông nhựa. Những yếu tố mang tính khách quan thì khó tránh khỏi, nhưng các yếu tố chủ quan thì có thể lường trước. Con người với những hiểu biết khoa học của mình cần phải cố gắng và nỗ lực để hạn chế tối đa những sai sót có thể là nguyên nhân dẫn đến những hư hỏng cho mặt đường bê tông nhựa nói riêng và các công trình xây dựng khác nói chung.
Bốn yếu tố chủ quan gây hư hỏng cho mặt đường bê tông nhựa đã phân tích ở trên có vai trò và mức độ quan trọng như nhau, cần phải được làm tốt ở tất cả các khâu thì mới tăng được tuổi thọ và độ bền khai thác của mặt đường bê tông nhựa.
CHƯƠNG 3
PHÂN LOẠI VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG CỦA MẶT ĐƯỜNG BÊ TÔNG ASPHAL TẠI BẮC NINH