NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠ
1.2.2 Sự khác biệt trong phân loại nợ xấu ở Việt Nam
Thời gian qua, có một thực tế là sự khác biệt giữa con số về quy mô nợ xấu của Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoặc các ngân hàng thương mại Việt Nam công bố và các tổ chức nước ngoài công bố là rất lớn .Ví dụ năm 2011, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống do NHNN công bố là 3,1% nhưng theo tính toán của các tổ chức nước ngoài, thì con số này sẽ cao hơn nhiều lần, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đưa ra con số tương ứng là 13%.
Sự khác biệt rất lớn này chủ yếu là do sự khác biệt cách phân loại nợ xấu ở Việt Nam và quốc tế. NHNN và các NHTM Việt Nam phân loại nợ xấu dựa vào Tiêu chuẩn Kế toán Việt Nam (VAS) trong khi đó các tổ chức quốc tế sử dụng Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế (IAS) để phân loại nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam. Điều này được thể hiện qua khái niệm về nợ xấu được đề cập ở mục trên. Theo quyết định 18, sửa đổi quyết định 493 của NHNN tại điều 6 và điều 7, nợ xấu được xác định căn cứ vào số ngày quá hạn và khả năng trả nợ của khách hàng. Như vậy, nợ xấu được xác định theo 2 yếu tố định lượng và định tính – đây được coi như
định nghĩa của VAS.
Định nghĩa nợ xấu của Phòng Thống kê - Liên hợp quốc, “về cơ bản một khoản nợ được coi là nợ xấu khi quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày; hoặc các khoản lãi chưa trả từ 90 ngày trở lên đã được nhập gốc, tái cấp vốn hoặc chậm trả theo thoả thuận; hoặc các khoản phải thanh toán đã quá hạn dưới 90 ngày nhưng có lý do chắc chắn để nghi ngờ về khả năng khoản vay sẽ được thanh toán đầy đủ”. Như vậy, theo tiêu chuẩn này, nợ xấu được xác định dựa trên 2 yếu tố: (I) quá hạn trên 90 ngày và (ii) khả năng trả nợ nghi ngờ. Đây được coi là định nghĩa của IAS đang được áp dụng phổ biến hiện hành trên thế giới.
Mặc dù, không có một tiêu chuẩn toàn cầu nào dùng để phân loại nợ xấu trên thực tế nhưng hiện nay hệ thống phân loại nợ xấu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thành 5 nhóm: Không vấn đề; Chú ý đặc biệt; Dưới chuẩn; Nghi ngờ; và Mất vốn là hệ thống phân loại nợ xấu được sử dụng rộng rãi nhất. Trong một số trường hợp khác, người ta sẽ áp dụng hệ thống báo cáo kép theo vừa theo chủ trương chính sách trong nước, vừa theo phương pháp phân loại của BIS.
Theo phương pháp của BIS thì nợ xấu được phân loại cụ thể như sau: 1. Không vấn đề: là các khoản cho vay sẽ thu hồi được.
2. Chú ý đặc biệt: là các khoản cho vay các doanh nghiệp có thể có khó khăn khi thu hồi nợ, ví dụ, do tiếp tục sản xuất kinh doanh thua lỗ.
3. Dưới chuẩn: là các khoản cho vay mà tiền trả lãi và gốc bị nợ quá hạn trên 3 tháng. Các ngân hàng phải trích lập dự phòng 10% trên phần vốn cho vay không được bảo đảm và được xác định là dưới chuẩn.
4. Nghi ngờ: khả năng tất toán toàn bộ khoản cho vay tỏ ra đáng nghi ngờ, cho thấy có khả năng sẽ mất vốn, tuy nhiên mất bao nhiêu thì chưa rõ. Các ngân hàng phải trích lập dự phòng 50% cho các khoản vay nghi ngờ này.
5. Mất vốn thật sự và không có khả năng thu hồi: các khoản cho vay này được coi là không có khả năng thu hồi. Thường là các khoản vay cho các doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục pháp lý để được bảo vệ theo luật phá sản. Các ngân hàng trích dự phòng 100% cho các khoản vay này.
Nợ xấu được định nghĩa là các khoản cho vay rơi vào 3 nhóm cuối cùng trong hệ thống phân loại 5 nhóm nói trên của BIS. So sánh với phương pháp phân loại theo thông lệ quốc tế dựa trên IAS thì phương pháp phân loại của Việt Nam dựa trên VAS có một khác biệt rất quan trọng. Đó là, hiện tại, chỉ có phần vốn đã đến hạn thanh toán (trong một khoản cho vay nào đó) mà không có khả năng thu hồi lại được thì các ngân hàng thương mại Việt Nam mới phân loại phần vốn thất thu này, chứ không phải là toàn bộ khoản cho vay đó, thành nợ xấu. Nếu sử dụng IAS thì toàn bộ khoản cho vay đó sẽ bị liệt vào nợ xấu.
- Ngoài sự khác biệt về tiêu chuẩn kế toán, hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng để phân loại nợ mà chưa tập trung vào phân loại nợ dựa trên các yếu tố định tính. Mặc dù cả hai phương pháp này đều đã được NHNN quy định rõ trong điều 7 của quyết định 493. Do vậy các yếu tố về uy tín, vị thế tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không phản ánh được chất lượng thật sự khoản vay của doanh nghiệp.