TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NHNO & PTNT QUẢNG NINH:
Trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế hiện nay, chúng ta cần rất nhiều vốn đầu tư để có thể tiến hành công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Thời gian qua phần lớn vốn đã được huy động từ nhân dân, song có nhiều lý do khác nhau nên lượng vốn huy động được vẫn còn rất thấp. Để đáp ứng được nhu cầu về vốn trong nền kinh tế, ngân hàng cần phải có những biện pháp thích hợp để khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng. Vì vậy huy động được nguồn vốn lớn là yêu cầu, thách thức đối với ngân hàng.
Muốn thực hiện được mục tiêu trên đòi hỏi không ngừng đổi mới hoàn thiện và nâng cao chất lượng kinh doanh ở cả tầm vĩ mô và vi mô trong toàn hệ thống ngân hàng.
Vì vậy trong khoá luận này em xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm mở rộng nguồn vốn tiền gửi và cải tạo sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNo & PTNT Quảng Ninh:
1.Mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới:
NHNo & PTNT Quảng Ninh là một NHTM vừa kinh doanh tiền tệ, vừa đầu tư phát triển và phục vụ các chương trình kinh tế- xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới hoạt động của ngân hàng đã phủ đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.Nhưng ngân hàng cần nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ mở rộng mạng lưới nhằm giúp nhân dân tới giao dịch thuận tiện hơn. Bên cạnh đó nhu cầu gửi và vay tiền ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cao sẽ trực tiếp huy động được nguồn vốn từ nhân cư bằng những món vay lớn, nhỏ và cũng giúp cho việc thanh toán của khách hàng được nhanh gọn, thuận tiện.
2. Phát hành kỳ phiếu:
Lãi suất và thời hạn kỳ phiếu huy động là vấn đề luôn được khách hàng quan tâm. Ngân hàng nên có những chính sách tạo sự thuận lợi cho khách hàng về lãi suất khi khách hàng có nhu cầu rút vốn trước thời hạn. Ngoài việc gửi tiền nơi này có thể rút tiền ở nơi khác, đòi hỏi ngân hàng phải thay đổi mẫu sổ tiết kiệm để khi ngân hàng trả tiền có thể phân biệt được sổ thật hay giả hoặc có thể kiểm tra, đối chiếu thuận tiện, dễ dàng qua điện thoại hoặc mạng vi tính tránh nhầm lẫn cho khách hàng.
3. Đẩy mạnh công tác huy động vốn bằng tiền gửi tiết kiệm có mục đích:
Đây là hình thức tiết kiệm trung, dài hạn. Ngân hàng nên mở rộng hình thức này vì nó mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng dưới hình thức này thì giữa khách hàng và ngân hàng biết
rõ mục đích của việc gửi tiền. Khách hàng sử dụng hình thức này với mục đích như xây dựng nhà ở, mua sắm phương tiện và một số tài sản lớn khác. Đối tượng áp dụng hình thức này chủ yếu là cán bộ công nhân viên và một phần dân cư có thu nhập thấp, không ổn định. Khi có nhu cầu mua một tài sản có giá trị lớn nhưng tiết kiệm của họ trong thời gian ngắn không thể có đủ vốn có thể đáp ứng được. Ngân hàng khuyến khích khách hàng gửi tiền vào ngân hàng. Sau một thời gian nếu tiết kiệm chưa đủ, ngân hàng sẽ cho vay thêm theo định mức mà ngân hàng quy định theo số tiền mà khách hàng đã gửi tại ngân hàng. Từ đó ngân hàng đưa ra mức lãi suất và thời hạn cho vay phù hợp.
4. Mở rộng tài khoản tiền gửi thanh toán:
Sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán là một điều mới lạ đối với người dân, khi trình độ dân trí chưa cao. Khách hàng sử dụng tài khoản này hầu hết là các xí nghiệp, công ty, các tổ chức trên địa bàn. Do đó ngân hàng cần phải mở rộng các dịch vụ phục vụ khách hàng đến từng tổ chức và cá nhân. Mở tài khoản tiền gửi này mang lại lợi ích thanh toán cho tổ chức kinh tế, cá nhân, khuyến khích người dân mở và sử dụng nhằm mục đích an toàn và thuận tiện trong việc trả tiền điện, thuế, tiền thuê nhân công...
Việc thanh toán không dùng tiền mặt cần có các ưu đãi rõ ràng, cụ thể khuyến khích người thanh toán. Đối với việc thanh toán bằng séc cần đơn giản thủ tục phát hành séc, mở rộng phạm vi và giảm hiệu lực thời hạn thanh toán séc và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến khích khách hàng mở và sử dụng tài khoản tại ngân hàng.
5. Nâng cao chất lượng huy động vốn bằng ngoại tệ:
Hiện nay nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư còn rất lớn, chủ yếu do thanh toán các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người lao động nước ngoài gửi tiền mà ngân hàng chưa huy động được nhiều. Vấn đề này cũng do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là giá mua và lãi suất tiền gửi thấp. Vì vậy ngân hàng nên có chính sách điều chỉnh giá mua ngoại tệ phù hợp với giá mua ở thị trường bên ngoài, đồng thời tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ. Ngoài ra,
cũng nên có chính sách huy động vốn bằng nhiều loại ngoại tệ khác nhau, giúp cho người dân thuận tiện hơn trong việc gửi tiền tiết kiệm và thanh toán bằng ngoại tệ.
6. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng:
Vốn nhàn rỗi trong tổ chức kinh tế xã hội còn rất lớn, ngân hàng cần có biệ pháp khai thác đồng thời thanh thủ nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng như: Kho bạc Nhà nước, các tổ chức xã hội khác. Ngoài ra cũng cần có biện pháp, định hướng tạo mọi điều kiện cho các tổ chức này tham gia quan hệ thanh toán, đa dạng hoá mọi hình thức huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức kinh tế nhằm phục vụ cho hoạt động và phát triển của ngân hàng. Đây là nguồn vốn quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy ngân hàng phải coi trọng và tăng cường mọi biện pháp nhằm thu hút được vốn.
7. Sử dụng mọi biện pháp tuyên truyền thông tin về ngân hàng:
Công tác tuyên truyền về hoạt động của hệ thống NHNo & PTNT Quảng Ninh đang được triển khai trên bề rộng, sử dụng kinh phí không nhỏ nhưng hiệu quả tuyên truyền không cao. Nhất là tuyên truyền về việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, mở tài khoản cá nhân và sử dụng séc. Bởi vậy ngân hàng cần tập trung quảng cáo về một số dịch vụ nhất định: lãi suất tiền gửi, hình thức gửi, cách thức sử dụng séc, thẻ thanh toán, tiện ích của việc mở tài khoản cá nhân ở từng thời điểm nhất định trên một số phương diện thông tin đại chúng như báo, đài... Đồng thời điều chỉnh định hướng tuyên truyền ấn phẩm báo chí trong ngành, tăng cường dán áp phích tại trụ sở, điểm giao dịch...
8. Mở rộng tìm kiếm khách hàng mới, tăng cường công tác tiếp thị:
Chủ động tìm gặp khách hàng, nhất là đối với khách hàng lớn, có hiệu quả, có dự án khả thi để mở rộng cho vay, tập trung vốn cho vay các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh... kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, thủ tục đầu tư vốn cho những đối tượng này.
Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội củng cố và mở rộng để đầu tư. Thực hiện tốt cho vay các dự án vốn uỷ thác và cho vay hộ nghèo, mở rộng cho vay đời sống đối với cán bộ công nhân viên.
9. Áp dụng các chính sách khuyến mãi:
Đối với chính sách này, ngân hàng nên áp dụng đối với các khách hàng thường xuyên, tín nhiệm và uy tín để cho khách hàng thêm tin tưởng vào ngân hàng, từ đó tạo điều kiện cho quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng tốt hơn. Như vậy ngân hàng nên năng động, linh hoạt để ưu đãi cho từng khách hàng, từng đối tượng, tạo mọi điều kiện hỗ trợ vốn cho khách hàng bằng cách hạ bớt lãi suất cho vay ở mức cho phép. Khi khách hàng có số dư tiền gửi lớn thì có thể khuyến khích thêm bằng cách tăng % lãi suất tiền gửi của họ ở mức có thể chấp nhận được. Ngoài ra, ngân hàng có thể bảo lãnh thanh toán, cung cấp các thông tin tư vấn, các vấn đề cho khách hàng của mình.