VIỆT NAM – CHI NHÁNH HAI BÀ TRƯNG
3.2.4. Tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với nghiệp vụ bảo lãnh
Nghiệp vụ bảo lãnh được đánh giá là có độ rủi ro thấp hơn so với cho vay và thực tế thì tỷ lệ trả thay so với số dư bảo lãnh tại BIDV Hai Bà Trưng vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, số trường hợp bảo lãnh bị yêu cầu trả thay đang có xu hướng tăng lên, do đó Chi nhánh không được xem nhẹ công tác kiểm tra sau khi ký hợp đồng cấp bảo lãnh hay chủ quan khi khách hàng thực hiện ký quỹ 100%. Kinh doanh tiền tệ luôn là lĩnh vực nhạy cảm và rủi ro vì vậy công việc kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên, khách quan và hiệu quả.
Trước hết, BIDV Hai Bà Trưng phải kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, triển khai thực hiện các chương trình kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của hoạt động bảo lãnh.
Yêu cầu các bộ phận liên quan phải thường xuyên kiểm tra các khoản bảo lãnh đã phát hành, hoàn chỉnh và cập nhật thường xuyên các hồ sơ bảo lãnh để đánh giá tiến độ thực hiện, tăng cường các biện pháp đảm bảo hoàn chỉnh lại hồ sơ thế chấp của bảo lãnh để đảm bảo tính pháp lý.
Cán bộ quan hệ khách hàng cần theo dõi kỹ càng hơn, với mức độ và phạm vi rộng hơn đối với các khoản bảo lãnh có giá trị lớn hoặc các khoản bảo lãnh có dấu hiệu rủi ro.
Đối với những khoản bảo lãnh đến hạn mà người được bảo lãnh không trả được nợ buộc ngân hàng phải thanh toán thay cho khách hàng thì cần làm rõ nguyên nhân và hướng tháo gỡ, xử lý tài sản đảm bảo mà khách hàng cầm cố hay thế chấp để thu hồi giá trị khoản tiền đã thanh toán.
Trong một số trường hợp cần thiết, BIDV Hai Bà Trưng có thể cử cán bộ quan hệ khách hàng xuống tận cơ sở để kiểm tra, tìm hiều tình hình thực tế khách hàng và có thể tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Làm tốt công tác này sẽ giúp Chi nhánh có được thông tin đầy đủ về việc sử dụng món vay bảo lãnh cũng như hiệu quả của món vay đó của khách hàng. Mặt khác cũng là để kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập trong việc sử dụng và quản lý vốn vay bảo lãnh của các khách hàng từ đó có thể tư vấn cho họ cách giải quyết hoặc có biện pháp xử lý kịp thời khi cần thiết. Ngoài ra, Chi nhánh Hai Bà Trưng cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi họp tổng kết, phân tích nguyên nhân thành công và sai sót, từ đó rút ra bài học kinh
nghiệm trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng.
KẾT LUẬN
Bảo lãnh ngân hàng ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, trở thành cầu nối xúc tác trợ giúp các giao dịch, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia.
Được đưa vào thực hiện từ những ngày đầu thành lập, nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hai Bà Trưng đã trở thành một trong những nghiệp vụ chủ chốt của Chi nhánh, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn chưa phát triển tương xứng với vai trò và tiềm năng của nó, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, do đó đòi hỏi ngày càng hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ này hơn nữa.
Trong khuôn khổ bài chuyên đề, bài viết đã cung cấp các thông tin giới thiệu về nghiệp vụ bảo lãnh, những đánh giá về thực trạng và tiềm năng phát triển cũng như vai trò của nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nghiệp vụ này để đưa ra một số giải pháp phát triển góp phần giúp nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng phát triển hơn trong tương lai.
Bảo lãnh ngân hàng là nghiệp vụ phức tạp, liên quan đến các nghiệp vụ khác và nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu không nhiều, trải nghiệm thực tế còn ít và nhận thức còn hạn hẹp nên bài viết không thể tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự hướng dẫn của thầy cô để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn.
Qua đây, em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Tiến sĩ Cao Thị Ý Nhi, sự hỗ trợ tạo điều kiện từ Viện Ngân hàng-Tài chính và những đóng góp ý kiến của các anh chị cán bộ nhân viên phòng Quan hệ khách hàng Doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hai Bà Trưng đã giúp em hoàn thành chuyên đề này.