Các nguyên tắc xây dựng biện pháp sư phạm giúp chúng ta vận dụng tốt cơ sở lý luận của PPDH này đồng thời có thể định hình được cách thức thực hiện giảng dạy chủ đề Tổ hợp – Xác suất theo PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề.
Nguyên tắc 1: Đảm bảo mục tiêu DH chủ đề “Giải tích – tổ hợp” trong chương trình SGK lớp 11 hiện hành
SGK và phân phối chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo là pháp lệnh nhà nước về giáo dục. Chương trình và SGK môn Toán được xây dựng trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm tiên tiến trong và ngoài nước theo một hệ thống nhất quán về phương diện toán học và phương diện sư phạm. Chương trình, SGK môn Toán đã được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Vì vậy, việc xây dựng các biện pháp sư phạm phải được thực hiện trên cơ sở nội dung SGK và phân phối chương trình hiện hành và đảm bảo hướng vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục môn Toán ở trường phổ thông nói chung, ở trường THPT nói riêng.
Nguyên tắc 2: Đảm bảo cơ sở lí luận của PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề
Thực hiện DH phát hiện và giải quyết vấn đề là đảm bảo một hệ thống các bước, các giai đoạn khác nhau. Các giai đoạn, các bước này phải được liên kết, gắn bó, thống nhất với nhau và phải được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Các biện pháp sư phạm thực hiện DH chủ đề “Tổ hợp – Xác suất” theo PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề phải được xây dựng đảm bảo tư tưởng xuyên suốt theo các bước của quá trình phát hiện và giải quyết vấn đề hoặc theo các cách thức tiến hành xây dựng tình huống gợi vấn đề.
Nói cách khác, các biện pháp sư phạm được xây dựng phải đảm bảo tính lí luận của PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề.
Nguyên tắc 3: Phù hợp với khả năng nhận thức của đối tượng HS
Các biện pháp sư phạm được xây dựng góp phần giúp HS nắm vững kiến thức và kỹ năng toán học cơ bản của chủ đề “Tổ hợp – xác suất”, đồng thời rèn luyện cho họ khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của HS và thấy được ý nghĩa thực tiễn của chủ đề “Tổ hợp – Xác suất”, góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ dạy học toán một cách toàn diện.
Vì vậy, các biện pháp sư phạm này phải được xem xét và đặt trong hoàn cảnh của quá trình dạy học chủ đề toán học này ở nhà trường phổ thông, trên cơ sở tôn trọng nội dung chủ đề “Tổ hợp – Xác suất” trong chương trình môn Toán hiện hành. Đặc biệt, các ví dụ trong các biện pháp nên chú ý lấy trong SGK hoặc rút từ các tình huống thực tiễn gần gũi với kiến thức, kinh nghiệm, sự trải nghiệm thực tiễn của HS. Đồng thời chú trọng việc khai thác những bài toán mới, đặc biệt là các bài toán thực tiễn tạo nên sự phong phú cho hệ thống bài tập của chủ đề. Nói cách khác, khi xây dựng các biện pháp sư phạm cần thiết phải bám sát nội dung chủ đề “Tổ hợp – Xác suất” trong chương trình môn Toán hiện hành.
Nguyên tắc 4: Đảm bảo tính khả thi trong DH chủ đề “Tổ hợp – Xác suất” ở các trường PT
Khi xây dựng quá trình phát hiện và giải quyết vấn đề phải đảm bảo tính hiệu quả, tức là nó vừa có thể tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS, nâng cao chất lượng dạy học chủ đề, vừa được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Tính khả thi của biện pháp là khả năng thực hiện được, áp dụng được vào thực tế dạy học. Để đảm bảo tính khả thi, việc xây dựng và hướng dẫn thực hiện biện pháp cần đảm bảo độ linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển để có thể tạo điều kiện cho GV sử dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện nhận thức, điều kiện thời gian học tập, …của HS. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho HS học tập tích cực, chủ động, hứng thú, lĩnh hội tri thức một cách đầy đủ và vững chắc còn phải hình thành cho HS những kĩ năng Toán học quan
trọng, bằng các biện pháp sư phạm thích hợp trong dạy học chủ đề “Tổ hợp – xác suất”.
Tóm lại, quá trình thực hiện dạy học chủ đề “Tổ hợp – xác suất” theo PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề phải tạo ra hiệu quả dạy học một cách toàn diện. Nó vừa giúp HS nắm vững tri thức, rèn luyện được những kĩ năng học tập và hình thành cho HS những năng lực phẩm chất cần thiết để học tập môn Toán tốt hơn.