Về cung cấp dịch vụ NQTM trong lĩnh vực phân phối theo phương thức Hiện diện thể nhân, chúng ta vẫn chưa cam kết gì, trừ các biện pháp liên quan đến nhập cảnh và lưu trú tạm thời của các thể nhân thuộc 5 nhóm là: 1) Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; 2) Nhân sự khác; 3) Người chào bán dịch vụ; 4) Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; 5) Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng21.
Trước hết Nhà nước Việt Nam cho phép các doanh nghiệp NQTM nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam được di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp từ nước ngoài tới Việt Nam nhân sự cho ba loại công việc là nhà quản lý, giám đốc điều hành (là những người trực tiếp quản lý doanh nghiệp nước ngoài đã thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, chỉ chịu sự giám sát hoặc chỉ đạo chung từ hội đồng quản trị hoặc các cổ đông của doanh nghiệp hoặc cấp tương đương và không trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến việc cung cấp dịch vụ của hiện diện thương mại) và chuyên gia (là thể nhân làm việc trong một tổ chức, là người có trình độ chuyên môn cao và có kiến thức về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý của tổ chức đó. Chuyên gia có thể bao gồm các thành viên của một ngành nghề chuyên môn được cấp phép). Tuy nhiên, nhân sự được di chuyển nội bộ phải được tuyển dụng trước đó ít nhất một năm và được nhập cảnh và lưu trú trong thời gian ban đầu là ba năm, có thể gia hạn sau đó tùy theo thời gian hoạt động của đơn vị đó tại Việt Nam. Đồng thời, ít nhất 20% tổng số các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia phải là công dân Việt Nam, nghĩa là số người nước ngoài đảm nhận các công việc này trong ngành DVPP chỉ có thể chiếm tối đa là 80%, tuy nhiên theo Biểu cam kết về Thương mại dịch vụ, số này cũng không được ít hơn 3 người22. Đối với các nhà quản lý, giám đốc điều
21 Mutrap II, Cẩm nang các cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO
hành và chuyên gia mà người Việt Nam không thể thay thế thì thời gian lưu trú sẽ được cân nhắc giữa 3 năm và thời hạn của hợp đồng lao động để cấp phép theo thời hạn ngắn hơn23. Bên cạnh đó, hai nhóm thể nhân khác của doanh nghiệp phân phối nước ngoài là những người chào bán dịch vụ (là những người không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó với điều kiện không bán trực tiếp hay tham gia cung cấp dịch vụ cho công chúng) và những người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại (là các nhà quản lý và giám đốc điều hành của một pháp nhân, chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại của một nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên WTO tại Việt Nam, với điều kiện: những người này không tham gia trực tiếp vào việc bán hàng hay cung cấp dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ đó có địa bàn kinh doanh chính tại lãnh thổ của một thành viên WTO không phải Việt Nam và chưa có bất kỳ hiện diện thương mại nào khác tại Việt Nam) nhìn chung đều không được phép lưu trú quá 90 ngày24. Như vậy, chúng ta đã đưa ra những qui định rõ ràng về các trường hợp di chuyển nhân sự của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài vào Việt Nam làm căn cứ cơ bản để bảo vệ thị trường lao động trong quá trình hội nhập.
Trong trường hợp không thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài vẫn được phép di chuyển nhân sự vào Việt Nam để thực thi các hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết với một doanh nghiệp Việt Nam nhưng với các điều kiện chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cho phép nhập cảnh để cung cấp các dịch vụ máy tính và liên quan đến máy tính và dịch vụ tư vấn kỹ thuật25. Như vậy, việc di chuyển nhân sự vào Việt Nam để thực hiện hợp đồng trong ngành DVPP và NQTM vẫn chưa được cho phép theo cam kết gia nhập WTO.