NQTM là một hoạt động thương mại. Việc xác định đây là một hoạt động thương mại có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định luật áp dụng là luật thương mại và xác định cơ quan tài phán trong trường hợp có tranh chấp là tòa án kinh tế. Luật thương mại điều chỉnh hoạt động NQTM có thể là luật của nước của chủ thể tham gia vào hợp đồng NQTM hoặc là luật của nước thứ 3 được qui định áp dụng trong hợp đồng NQTM.
NQTM được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng NQTM là văn bản xác định quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong khi tham gia vào hoạt động NQTM. Hợp đồng sẽ qui định những gì bên nhượng quyền cũng như bên nhận quyền được phép làm và có nghĩa vụ phải làm. NQTM là một hoạt động thương mại đặc trưng mà nội dung của nó bao hàm nhiều vấn đề được nêu trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau, ví dụ các vấn đề về sở hữu trí tuệ được nêu trong luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ, vấn đề quảng cáo được nêu trong pháp lệnh quảng cáo, các vấn đề về thanh toán phí được qui định trong các luật thuế và pháp luật về ngoại hối (trong trường hợp thanh toán phí cho bên nhượng quyền nước ngoài),… Hợp đồng NQTM là văn bản qui định cụ thể tất cả các vấn đề trên và vì vậy, hợp đồng NQTM cũng là luật điều chỉnh quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
NQTM là một tiểu phân ngành dịch vụ trong dịch vụ phân phối, vì vậy, NQTM chịu sự điều chỉnh của các Công ước quốc tế, các hiệp định về thương mại dịch vụ song phương và đa phương mà quốc gia tham gia. Đối với các nước thành viên của WTO như Việt Nam, NQTM còn chịu sự điều chỉnh của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS).
1.2.2.2. Về đối tượng của nhượng quyền thương mại
Đối tượng của NQTM là quyền thương mại.“Quyền thương mại”, theo khoản 6, Điều 3, Nghị định 35/2006/NĐ-CP qui định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền, bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây:
a) Quyền được Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do Bên nhượng quyền qui định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền.
b) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung.
c) Quyền được Bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho Bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng NQTM chung.
d) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.”
Vì đối tượng của NQTM là quyền thương mại, do đó, giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết.
Đây là một đặc điểm giúp chúng ta tìm thấy sự khác biệt của NQTM với các hoạt động thương mại khác. Trong NQTM luôn tồn tại mối quan hệ hỗ trợ mật thiết giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, nếu không có điều đó, thì đã thiếu đi một điều kiện tiên quyết để xác định hoạt động đấy có phải là NQTM hay không.
Mục đích và cũng là yêu cầu của NQTM là việc nhân rộng một mô hình kinh doanh đã được trải nghiệm thành công trên thương trường. Chính vì vậy, đối với NQTM thì cần phải bảo đảm được tính đồng nhất về các yếu tố liên quan trực tiếp đến quy trình kinh doanh đó như: chất lượng hàng hóa, dịch vụ; phương thức phục vụ; cách thức bài trí cơ sở kinh doanh (từ hình ảnh bên ngoài cho đến khu vực bên trong của cơ sở); việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, biểu tượng kinh doanh, tên thương mại của bên nhượng quyền; hoạt động quảng bá, khuyến mại; đồng phục của nhân viên; các ấn phẩm của cơ sở kinh doanh... Tính đồng nhất trong các mắt
xích của một hệ thống NQTM chỉ có thể được đảm bảo khi giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với nhau trong suốt thời gian tồn tại quan hệ NQTM.
Tính mật thiết của mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền thể hiện từ ngay sau khi các bên hình thành nên quan hệ NQTM. Kể từ thời điểm đó, bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền. Không chỉ vậy, mà cùng với sự lớn mạnh và phát triển theo thời gian của hệ thống, bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng cho cả hệ thống.
Quyền thương mại, với ý nghĩa là đối tượng của NQTM nên trong quá trình thực hiện quyền thương mại, bên nhận quyền luôn chịu sự kiểm soát của bên nhượng quyền.
Quyền kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền được pháp luật đa số các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Theo đó, bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của bên nhận quyền. Sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền như đã nói ở trên sẽ trở nên vô nghĩa và thiếu đi tính thực tế nếu như bên nhượng quyền không có quyền năng kiểm soát hoạt động điều hành kinh doanh của bên nhận quyền. Quyền năng này của bên nhượng quyền đã thực sự tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống NQTM và sự ổn định về chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
1.2.2.3. Về vai trò, vị trí và lợi ích của NQTM
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, không có một quốc gia nào có nền kinh tế phát triển mà không cần đến sự góp sức năng động của NQTM. Hay nói cách khác, NQTM là chất xúc tác giúp nền kinh tế phát triển, tạo điều kiện nhanh nhất cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng thành công và ngược lại cũng là giải pháp ít rủi ro nhất cho các doanh nghiệp thừa hưởng những thành công có sẵn làm tiền đề cho sự phát triển ổn định và lâu dài của mình. Đặc biệt trong kỷ nguyên của thương mại quốc tế, khi mà các doanh nghiệp nói riêng và các quốc gia
nói chung ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt thì hoạt động NQTM càng phát huy vai trò quan trọng của mình cả ở tầm vi mô và vĩ mô.
* Vai trò của NQTM đối với nền kinh tế
- Đối với việc hội nhập quốc tế: Các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực cũng như các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm sát sao tới NQTM. NQTM là một cửa ngõ rất thuận tiện và thích hợp để các thương hiệu có tiếng trên thế giới đi vào từng quốc gia. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Một ví dụ nhỏ về mặt tâm lý, du khách và các nhà đầu tư quốc tế sẽ cảm thấy gần gũi, an tâm hơn khi nhìn thấy các thương hiệu quen thuộc của thế giới cũng có mặt tại một quốc gia khác như các chuỗi nhà hàng, khách sạn và nhiều dịch vụ phổ biến khác. Nói khác đi, sự góp mặt của các thương hiệu nổi tiếng thế giới sẽ giúp kinh tế quốc gia quảng bá hình ảnh hội nhập quốc tế của mình. Do vậy để tham gia thực hiện các chương trình hoạt động của cộng đồng quốc tế đòi hỏi các quốc gia cũng phải phát triển mạnh hoạt động NQTM ở quốc gia mình cũng như phải có hệ thống tổ chức hoạt động thương mại của Chính phủ và các doanh nghiệp.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: NQTM là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp ở các quốc gia sẽ có hợp tác, học hỏi và nhân rộng mô hình kinh doanh đã chứng minh thành công trên thương trường. Bước kế tiếp của các doanh nghiệp của các quốc gia này bắt đầu áp dụng mô hình NQTM vào chính doanh nghiệp của mình để nhân rộng thương hiệu trong và ngoài nước.
* Lợi ích của NQTM đối với hai bên nhượng quyền và nhận quyền
- Đối với bên nhượng quyền:
Nhân rộng tối đa mô hình kinh doanh với chi phí vốn đầu tư thấp nhất: một doanh nghiệp muốn nhân rộng mô hình kinh doanh của mình ra khỏi ranh giới một thành phố hay một quốc gia thường gặp phải khó khăn lớn nhất là khả năng tài chính có hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phải đương đầu với những trở ngại về yếu tố địa lý, con người và văn hóa địa phương... NQTM sẽ giúp cho doanh nghiệp, chủ thương hiệu san sẻ những khó khăn này cho bên nhận quyền – bên chịu toàn bộ
chi phí đầu tư của cải vật chất và cũng là bên am hiểu tường tận về con người, thói quen tiêu dùng và văn hóa địa phương
Phát triển uy tín thương hiệu: khi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp được nhân rộng nhanh chóng thì giá trị của công ty hay thương hiệu cũng lớn mạnh theo. Sự lớn mạnh về uy tín thương hiệu sẽ có tác động tốt đến tâm lý người tiêu dùng và thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính – ngân hàng.
Tăng doanh thu: thông qua phương thức NQTM, chủ thương hiệu có thể cải thiện doanh thu của mình khi nhận được các khoản phí nhượng quyền bao gồm: phí nhượng quyền ban đầu (được tính một lần và là khoản phí hành chính, đào tạo, chuyển giao công thức kinh doanh cho bên nhận quyền), phí hàng tháng (là khoản phí bên nhận quyền phải trả cho việc duy trì sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu của bên nhượng quyền và những dịch vụ hỗ trợ mang tính thường xuyên, liên tục như đào tạo huấn luyện, tiếp thị quảng bá, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới...). Ngoài ra, nhiều chủ thương hiệu có thể tăng doanh thu từ việc bán các nguyên, vật liệu đặc thù cho bên nhận quyền.
Tiết kiệm chi phí kinh doanh: các doanh nghiệp sử dụng phương thức NQTM thường có ưu thế mua hàng giá rẻ hơn do mua với số lượng lớn. Ngoài ra, các chi phí tiếp thị, quảng cáo cũng được tiết giảm nhờ phân bố cho nhiều đơn vị mang cùng một nhãn hiệu.
- Đối với bên nhận quyền
Đầu tư an toàn và có khách hàng ngay: xác suất thành công của các doanh nghiệp nhận quyền cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp mới bắt đầu thử nghiệm mô hình kinh doanh lần đầu với nhãn hiệu, thương hiệu chưa được biết đến. Thương hiệu hay uy tín nhãn hiệu đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với khách hàng khi họ quyết định chọn mua sản phẩm. Thông thường, những nhãn hiệu, thương hiệu đã có uy tín luôn đem lại cho khách hàng cảm giác an tâm về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, khi nhận quyền của một sản phẩm đã có thương hiệu thì doanh nghiệp sẽ có một lượng khách hàng tối thiểu ngay từ ban đầu.
Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực: do bên nhận quyền chỉ tập trung vào việc điều hành hoạt động kinh doanh, phần còn lại như xây dựng chiến lược tiếp thị, quy trình vận hành, chiến lược kinh doanh... sẽ do bên nhượng quyền đảm trách chuyển giao nên mọi nguồn lực của bên nhận quyền sẽ được chuyên môn hóa hiệu quả.
Dễ dàng nhận được sự hỗ trợ tài chính: với những lợi thế về uy tín, chủ thương hiệu thường đóng vai trò cầu nối giúp bên nhận quyền vay vốn từ các tổ chức tài chính – ngân hàng hoặc chính bản thân họ đứng ra cho vay nhằm nhanh chóng phát triển và nhân rộng mô hình kinh doanh.
Tận dụng được kinh nghiệm và sự giúp đỡ của bên nhượng quyền: như đã nói ở trên, bên nhận quyền luôn luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía chủ thương hiệu trong các lĩnh vực về đào tạo, thiết kế, tìm nguồn hàng, tiếp thị, quảng cáo... Đây là lợi thế lớn đối với những ai kinh doanh lần đầu.
Nâng cao năng lực kinh doanh: bên nhận quyền phải tự mình trực tiếp quản lý điều hành cửa hàng nhượng quyền, tự mình đưa ra các quyết định tác nghiệp hàng ngày với sự tư vấn và trợ giúp của bên nhượng quyền.
1.2.3. NQTM và vị trí, vai trò của NQTM trong lĩnh vực phân phối
Khởi nguồn của hoạt động NQTM trên thế giới được đánh dấu trong những ngành nghề như: thực phẩm và đồ uống, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ xe ô tô... Ngày nay, hình thức NQTM được ứng dụng trong hầu hết các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, trong đó lĩnh vực phân phối là một trong những lĩnh vực được ứng dụng mô hình kinh doanh NQTM phổ biến nhất. Tại Mỹ, theo nghiên cứu của Tổ chức NQTM quốc tế (International Franchise Association), trong tổng số 773.436 cửa hàng nhượng quyền tại nước này có đến 78.621 cửa hàng hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ (chiếm 10,2%), tạo ra giá trị sản lượng là 11,6 tỷ USD vào năm 2005; chiếm 5.5% tổng giá trị sản lượng cả hoạt động NQTM trong nước9. Theo thống kê của Hội đồng NQTM thế giới (World Franchise Council), tại Nhật, một quốc gia có hoạt động NQTM đứng thứ 3 trên thế giới với 1.100 hệ thống nhượng quyền tạo ra gần 150 tỷ USD mỗi năm với mức tăng trưởng 7%/năm thì ngành dịch vụ phân phối bán lẻ chiếm tới 32%, chỉ sau lĩnh vực thực phẩm (chiếm 40% tổng số
hệ thống kinh doanh nhượng quyền). Nguyên nhân khiến mô hình NQTM được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ là do tính chất của ngành có nhiều đặc điểm phù hợp với phương thức kinh doanh này. Thứ nhất, ngành phân phối là một ngành không dễ dàng có thể gia nhập. Để có thể tham gia vào lĩnh vực này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có năng lực tài chính mạnh. Vì số vốn đầu tư ban đầu là không nhỏ, nến sự thất bại sẽ khiến cho người tham gia có khả năng trắng tay nếu kinh doanh không hiệu quả hoặc thất bại. Do đó, việc áp dụng mô hình NQTM sẽ giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi này. Hơn nữa, được sự giúp đỡ của bên nhượng quyền, doanh nghiệp sẽ dễ dàng lấy được lòng tin của người tiêu dùng hơn là tự mình bắt đầu khởi nghiệp. Thứ hai, khi xã hội ngày càng phát triển, dịch vụ phân phối cần làm thỏa mãn khách hàng không chỉ ở chỗ đạt chất lượng tốt mà còn cần tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu đó thì việc nhân rộng các cửa hàng bằng phương thức NQTM là cách lựa chọn tối ưu. Thứ ba, phân phối là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, nếu phát triển được hệ thống phân phối hiệu quả sẽ tách riêng biệt được sản xuất và phân phối, giúp nền sản xuất phát triển hiệu quả hơn. Nhà sản xuất sẽ yên tâm khi giao sản phẩm của mình cho một hệ thống nhượng quyền phân phối có uy tín và được khách hàng yêu thích.
Những phân tích ở trên cho thấy NQTM đóng vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống nói chung mà cả trong hoạt động phân phối. Chương 2 dưới đây phân tích thực trạng hoạt động NQTM với ý nghĩa là một loại hình hoạt động phân phối ở Việt Nam.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC PHÂN PHỐI TẠI VIỆT NAM 2.1. Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại tạiViệt Nam trong thời gian qua Việt Nam trong thời gian qua
Hoạt động NQTM có lịch sử từ rất lâu đời và không ngừng khẳng định vai trò của mình tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, đây là một lĩnh