Về cơ bản, Việt Nam không hạn chế tiếp cận thị trường theo phương thức 3 đối với mọi lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ phân phối trong lĩnh vực NQTM, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Trước hết, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng dịch vụ nói chung và NQTM nói riêng hoàn toàn được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài19, chỉ trừ khi có các qui định khác tại từng ngành và phân ngành cụ thể trong Biểu cam kết về Thương mại dịch vụ. Các nhà đầu tư nước ngoài còn được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam mà không có hạn chế nào, chỉ cần đảm bảo văn phòng đó hoạt động trong đúng khuôn khổ là không tham gia vào các hoạt động sinh lời trực tiếp. Tuy nhiên theo cam kết nền chung, Việt Nam chưa cam kết về việc cho phép các doanh nghiệp phân phối nước ngoài được thành lập chi nhánh tại nước mình, trừ khi các ngành và phân ngành cụ thể qui định khác vấn đề này. Nhìn chung, dù vẫn giữ được mức độ chặt chẽ cần thiết để kiểm soát và hỗ trợ ngành DVPP, Việt Nam đã tạo ra cơ chế tương đối thông thoáng cho việc các công ty phân phối nước ngoài thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của WTO.
Bên cạnh những chính sách cho nhà đầu tư mới, Việt Nam cũng đảm bảo đối xử công bằng với các doanh nghiệp phân phối đang hoạt động ở Việt Nam. Các điều kiện về sở hữu, hoạt động, hình thức pháp nhân và phạm vi hoạt động được qui định tại giấy phép thành lập hoặc cho phép hoạt động và cung cấp dịch vụ, hoặc các hình thức chấp thuận tương tự khác của họ sẽ không bị hạn chế hơn so với mức thực tế tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Ngoài ra, dù là nhà đầu tư mới hay doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thuê đất để thực
hiện dự án đầu tư của mình trong thời hạn phù hợp với thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp này, được qui định trong giấy phép đầu tư. Thời hạn thuê đất sẽ được gia hạn khi thời gian hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền gia hạn.
Nếu không đầu tư thành lập các hiện diện thương mại trên, nhà cung cấp dịch vụ NQTM nước ngoài có thể lựa chọn góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các doanh nghiệp NQTM của Việt Nam. Trong trường hợp này, tổng mức vốn cổ phần do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong một doanh nghiệp không được vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó, trừ khi pháp luật Việt Nam có qui định khác hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. Hạn chế 30% cổ phần nước ngoài trong các doanh nghiệp NQTM của Việt Nam được bãi bỏ sau một năm Việt Nam gia nhâp WTO, tức là vào đầu năm 200820. Cam kết này được coi là chặt chẽ hơn so với 2 hiệp định thương mại song phương Việt Nam đã ký kết trước đây với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong 2 hiệp định đó, Việt Nam chỉ hạn chế tỷ lệ góp vốn và mua cổ phần không quá 30% đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, còn trong trường hợp là doanh nghiệp tư nhân thì nhà đầu tư nước ngoài có thể mua với bất kỳ tỷ lệ nào.
Về cam kết Đãi ngộ quốc gia trong phương thức 3, về cơ bản, Việt Nam chấp hành theo đúng yêu cầu đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp NQTM trong nước và doanh nghiệp NQTM từ các thành viên của WTO, thể hiện qua mức độ cam kết là “không hạn chế”. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đàm phán được một số trợ cấp được hưởng hạn chế áp dụng quy chế về NT.
Trước hết, Việt Nam được phép chỉ đưa ra trợ cấp cho các nhà cung cấp DVPP và NQTM trong nước, tức là các pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam mà không phải áp dụng cho các đối tượng khác. Đồng thời, Việt Nam có thể cấp trợ cấp một lần để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần doanh nghiệp mà không bị coi là vi phạm cam kết này. Điều này sẽ giúp Nhà nước có quyền hợp pháp trong việc phát triển các thành phần kinh tế cổ phần còn non yếu trong tổng quan chung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa cam kết về trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển, cho y tế, giáo dục, nghe nhìn; và cho nâng cao phúc lợi và
tạo công ăn việc làm cho đồng bào thiểu số. Những trợ cấp này tuy có mục đích chính là đảm bảo đời sống nhân dân và an sinh xã hội trong bối cảnh đất nước kém phát triển nhưng cũng có tác động gián tiếp tới hoạt động NQTM trong lĩnh vực phân phối.