• Hiện trạng về chất lượng
Được xây dựng từ cuối năm 1995, cho đến nay nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà máy đã trở nên cũ kỹ và lạc hậu. Ngoài một số loại máy như máy chặt và máy mài được mua mới (vào năm 2004, tuy nhiên trình độ công nghệ vẫn còn khá hạn chế), còn lại tất cả các loại máy đều được mua vào những năm đầu thành lập.
Môi trường làm việc không thực sự thuận lợi cũng là một vấn đề dễ nhận thấy, đặc biệt là sự ô nhiễm do khói bụi của hóa chất và tiếng ồn ảnh hưởng rất lớn tới khả năng làm việc của công nhân.
Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được chứng nhận từ năm 2008, tuy nhiên hệ thống này vẫn chưa thực sự hoàn thiện và hiệu quả. Nhiều tài liệu cần thiết để quản lý và đánh giá chất lượng vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh chẳng hạn như bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm...
Ngoài những nguyên nhân trên, những yếu tố về con người và nguyên vật liệu (như trình độ lao động còn hạn chế, tình trạng nhảy việc nhiều, nguồn cung nguyên vật liệu không ổn định...) cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình chất lượng tại nhà máy. Điểm sáng trong công tác quản lý chất lượng hiện nay chính là việc đảm bảo chất lượng trong khâu thiết kế. Đội ngũ thiết kế của nhà máy (và cả của công ty) được đánh giá là một tập hợp những cá nhân tài năng, có trình độ và có thể chuyển hóa tốt những yêu cầu của khách hàng thành những tiêu chuẩn hay đặc tính của sản phẩm. Chất lượng trong khâu sản xuất sản phẩm mẫu cũng được kiểm soát nghiêm ngặt và phải được cả một hội đồng thông qua trước khi được phép sản xuất hàng loạt.
Tuy nhiên, điểm sáng này vẫn không che lấp được một thực trạng là vấn đề chất lượng vẫn đang là một trong những mối bận tâm lớn nhất của nhà máy hiện nay. Những năm vừa qua để thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, nhà máy đã không ngừng mở rộng quy mô và gia tăng sản lượng sản xuất, thế nhưng đi kèm với sự tăng trưởng ấy thì tình hình chất lượng sản phẩm lại đang có chiều hướng xấu đi thể hiện qua việc số lượng và tỷ lệ sản phẩm không phù hợp có xu hướng gia tăng qua các năm.
Hình 4.1: Biểu đồ tỷ lệ sản phẩm không phù hợp giai đoạn 2006 - 2009 của phân xưởng hoàn thiện
(Nguồn: Số liệu thống kê của phòng chất lượng)
• Một số công tác quản lý chất lượng tại nhà máy
Mặc dù đã được nhận chứng chỉ ISO về hệ thống quản lý chất lượng tuy nhiên, như đã nói ở trên, hệ thống này vẫn chưa hoàn thiện và hiệu quả. Việc đảm bảo chất lượng chỉ dựa trên sự kiểm tra là chính.
Quy trình sản xuất đế cao su được nhà máy chia làm 4 giai đoạn chính là xuất tấm, ép đế, xén và hoàn thiện. Sau mỗi giai đoạn đều có bố trí các trạm kiểm tra nhằm đánh giá và phân loại sản phẩm trước khi chuyển sang giai đoạn sau.
Hình 4.2: Các giai đoạn chính trong quá trình sản xuất đế cao su
Việc bố trí các trạm kiểm tra sau mỗi giai đoạn chỉ đơn giản là giúp nhà máy phát hiện sớm các sản phẩm không phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này lại không giúp nâng cao chất lượng sản phẩm do không đặt nặng yếu tố "phòng ngừa". Nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng như con người, môi trường, máy móc...không được kiểm soát một cách đầy đủ và chặt chẽ. Mặt khác, hiệu quả của phương pháp còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng làm việc của đội ngũ KCS. Nếu như chất lượng làm việc của đội ngũ này thấp thì sẽ gây ra nhiều thiệt hại đáng kể.
Giai đoạn xuất tấm: - Cán - Lưu hóa - Xuất tấm Giai đoạn ép đế: - Chặt - Ép đế Giai đoạn xén
Giai đoạn hoàn thiện: - Mài
- Dán - Sơn
Hiện nay, công tác thống kê ở mỗi phân xưởng được thực hiện khá đầy đủ. Các số liệu về chất lượng được các nhân viên KCS ghi nhận và báo cáo cho KCS trưởng ở mỗi phân xưởng, sau đó chúng sẽ được chuyển cho nhân viên thống kê của phòng chất lượng vào cuối mỗi ca sản xuất để làm công việc tổng hợp và lưu trữ. Tuy nhiên, hiện nay không phải tất cả các KCS đều ghi nhận số liệu, theo quy định của nhà máy chỉ có các KCS ở cuối mỗi phân xưởng - tức là ở giai đoạn ép đế và hoàn thiện - mới ghi nhận dữ liệu về số lượng sản phẩm không phù hợp. Ngoài ra, KCS ở giai đoạn xén có ghi nhận thêm về số liệu sản phẩm không phù hợp cần phải trả lại phân xưởng ép đế (do KCS ép đế kiểm tra không tốt nên để lọt sản phẩm sang phân xưởng hoàn thiện). Các số liệu thống kê là một nguồn dữ liệu quý giá để cải tiến và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, các số liệu này lại hiếm khi được sử dụng, trừ trường hợp phải báo cáo với cấp trên về tình hình chất lượng. Do vậy, có thể nói đây là một sự lãng phí rất lớn.