Đất đồng bằng phân bố chủ yếu ở châu thổ Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng ven biển kéo dài theo chiều dài đất nước với diện tích ít hơn.
Đất đồng bằng được hình thành chủ yếu do sản phẩm bồi tụ thông qua dòng chảy của các sông và sóng biển (đất thuỷ thành). Vì vậy đất đồng bằng thường có các đặc điểm sau:
- Địa hình nhìn chung là bằng phẳng, trừ một số bậc thềm phù sa cổ, bậc thềm sông mới và bậc thềm biển. Bản thân đất đồng bằng sau những vận động địa chất trở thành những vùng không bằng phẳng. Sau đó do quá trình bồi tụ, các sản phẩm phù sa bồi lấp những chỗ trũng tạo lên những vùng đất bằng phẳng hơn.
- Khí hậu vùng đồng bằng ôn hoà hơn vùng đồi núi nhưng đồng bằng chịu nhiều gió bão hơn, do gần biển, địa hình bằng phẳng và ít rừng.
- Thực bì vùng này chủ yếu là cây lương thực thực phẩm, có rất ít cây ăn quả và cây rừng. Vùng ven biển có rừng sú vẹt.
- Một tính chất điển hình của đất đồng bằng là hiện tượng glây, đa số đất đồng bằng bị glây, có nơi bị nặng như vùng chiêm trũng hay vùng sú vẹt.
Quá trình glây hoá:
Bản chất của quá trình này thực chất là trong điều kiện ngập nước yếm khí, thiếu O2, các hợp chất khoáng, đặc biệt là Fe2O3 bị khử từ Fe3+ chuyển thành Fe2+. Song song với nó, các hợp chất hữu cơ bị phân giải trong điều kiện khử có sự tham gia của vi sinh vật yếm khí. Khi ngập nước lâu dài hay đất luôn thừa ẩm thì Fe2+ sẽ cùng với silicat và khoáng sét tái tổng hợp ra nhôm silicat thứ sinh, trong đó sắt nằm ở dạng hoá trị 2. Các khoáng mới này có màu xám xanh thép nguội rất đặc trưng, người ta gọi đó là tầng glây. Nếu điều kiện thừa ẩm không kéo dài thì ít hình thành glây mà hình thành các vệt glây trong đất.
Trên những chân đất phù sa trồng lúa nước lâu ngày do hiện tượng glây đã làm cho màu sắc lớp canh tác nhạt dần từ nâu tươi sang nâu nhạt vì Fe2+ và Mn2+ bị rửa trôi. Sản phẩm của quá trình glây là đất chứa nhiều H2S, FeS, CH4 v.v... Vì vậy nếu tầng glây nông thì đất thường dính dẻo, chặt, bí, thiếu kết cấu và cây trồng dễ bị ngộ độc.