Phân loại đất trên thế giớ

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG ĐẤT VÀ VI SINH VẬT ĐẤT (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH TRỒNG TRỌT) (Trang 65 - 67)

8.2.1.1. Phân loại đất của Liên Xô (cũ) (Phân loại đất theo phát sinh)

Là học thuyết phát sinh học đất. Học thuyết này do nhà khoa học đất người Nga V.V. Đôcutraiep đưa ra năm 1883. Ông cho rằng: "Đất là một vật thể có lịch sử tự nhiên hoàn toàn độc lập, nó là sản phẩm hoạt động tổng hợp của mẫu chất và đá mẹ, khí hậu, sinh vật, địa hình và tuổi địa phương”.

Học thuyết này đã được các nhà khoa học đất ở Nga và các nước khác trên thế giới tiếp thu, hoàn thiện dần và bổ sung thêm một số yếu tố nữa, đó là tác động của con người trong quá trình hình thành đất trồng trọt. Sự tác động tổng hợp của các yếu tố trên sẽ quyết định các quá trình hình thành đất chính. Kết quả hoạt động của các quá trình hình thành đất sẽ được biểu hiện rõ trong cấu tạo phẫu diện đất. Mỗi tầng đất trong phẫu diện là sản phẩm đặc trưng của một hay nhiều quá trình phát sinh nào đấy nên được gọi là "tầng phát sinh". V.V. Đôcutraiep cũng là người đầu tiên đưa ra nguyên tắc phân chia phẫu diện ra thành các tầng, dùng các chữ cái A, B, C, D để ký hiệu cho các tầng đất.

Nội dung của phương pháp:

• Nghiên cứu các yếu tố hình thành đất: Điều tra thu thập các yếu tố hình thành đất là đá mẹ, sinh vật, địa hình, khí hậu, sự tác động của con người.

• Xác định các quá trình hình thành đất chính: Từ những kết quả nghiên cứu 6 yếu tố hình thành đất, kết hợp với nghiên cứu các phẫu diện đất và số liệu phân tích lý hoá học của đất sẽ biết được quá trình hình thành đất. Vì vậy việc nghiên cứu ngoài thực địa, mô tả phẫu diện, phân tích mẫu chất là những căn cứ quan trọng để phân loại đất theo phát sinh (người ta gọi phân loại phát sinh là phân loại bán định lượng là vì vậy).

• Xây dựng bản đồ phân loại đất: Cần xác định được các loại đất có trong khu vực theo một hệ thống phân vị chặt chẽ với các tên đất rõ ràng. Hệ thống phân loại theo phát sinh của Liên xô (cũ) gồm các cấp từ lớn đến nhỏ là:

Lớp → Lớp phụ → Loại → loại phụ → chủng

Phân loại đất theo phát sinh đã giải thích được sự hình thành đất, chiều hướng biến đổi và phát triển, tính chất của các loại đất. Việc đặt tên đất gắn với các yếu tố và quá trình hình thành đất, dễ tiếp nhận và sử dụng.

8.2.1.2. Phân loại đất của Mỹ (Soil taxonomy)

Cơ sở khoa học của phương pháp: Các tác giả của Soil taxonomy cũng dựa vào các yếu tố hình thành đất của học thuyết phát sinh, nhưng cơ sở chính để phân loại đất lại là những tính chất hiện tại của đất.

Nội dung của phương pháp:

• Nghiên cứu các yếu tố hình thành đất: Điều tra thu thập các yếu tố hình thành đất như phân loại theo phát sinh học. Tuy nhiên việc mô tả tuân thủ theo những quy định chặt chẽ để dễ dàng quản lý số liệu bằng hệ thống máy tính hiện đại.

• Xác định và định lượng các tầng chẩn đoán: Chia các tầng chẩn đoán thành 2 nhóm chính: Nhóm tầng mặt và nhóm tầng dưới tầng mặt.

• Hệ thống phân vị: Soil taxanomy có hệ thống danh pháp riêng, hệ thống phân vị từ lớn đến nhỏ như sau:

Lớp, bộ (Order) → Lớp phụ hay bộ phụ (suborder) → Nhóm lớn (great group) → Nhóm phụ (subgroup) → Họ (family) → Dãy (series) → Đơn vị (soil unit).

Điểm khác nhau cơ bản của phân loại đất theo Soil taxonomy so với phân loại theo phát sinh học là: Soil taxanomy dùng những chỉ tiêu định lượng các dấu hiệu đặc trưng của tầng đất và các tính chất hiện tại để phân loại đất. Đất được xác định sắp xếp trên cơ sở chẩn đoán và định lượng tầng phát sinh, định lượng các tính chất của đất. Nhìn chung đây là phương pháp phân loại tốt, tuy nhiên khá phức tạp và khi tiến hành phân loại đòi hỏi chi phí cao.

8.2.1.3. Phân loại đất theo FAO - UNESCO

Năm 1961, hai tổ chức FAO và UNESCO của Liên hiệp quốc bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu phân loại và biên vẽ bản đồ đất cho toàn thế giới tỉ lệ 1:5.000.000.

Cơ sở của phương pháp:Giống như Soil taxonomy, các tác giả của hệ thống phân loại theo FAO - UNESCO cũng dựa vào nguồn gốc phát sinh và tính chất hiện tại của đất để tiến hành phân loại đất và sử dụng nguyên tắc định lượng của Soil taxanomy, nhưng hệ thống phân loại này có chú

dẫn bản đồ đất thế giới và hệ thống phân vị đơn giản, một số thuật ngữ tên đất mang tính chất hòa hợp giữa các trường phái.

Nội dung của phương pháp:

• Nghiên cứu quá trình hình thành đất: Thu thập và nghiên cứu các tư liệu có liên quan tới các yếu tố hình thành đất như đá mẹ, khí hậu, sinh vật, địa hình, thời gian và tác động của con người. Việc đánh giá các điều kiện tự nhiên theo một hệ thống chặt chẽ để xử lý bằng hệ thống máy tính hiện đại.

• Định lượng tầng chẩn đoán

• Định tên đất: Kết quả định lượng tầng chẩn đoán, đặc tính tầng chẩn đoán sẽ xác định được tên tầng chẩn đoán từ đó xác định được tên đất của vùng cần xác định. Tên đất gắn liền với tính chất đất.

Hệ thống phân vị của FAO - UNESCO gồm 4 cấp từ lớn đến nhỏ là:

Nhóm chính (major group) → Đơn vị (units) → Đơn vị phụ (subunits) → Pha (phase). FAO - UNESCO chia đất thế giới thành 28 nhóm đất chính với 153 đơn vị đất.

Ngoài ra, hệ thống phân loại của FAO - UNESCO còn sử dụng một số thuật ngữ có tính chất hoà hợp hoặc kế thừa truyền thống của các nước tiên tiến. Sự cải tiến tên gọi đã giúp cho phương pháp phân loại đất theo FAO - UNESCO được nhiều nước áp dụng vì đã xây dựng được tiếng nói chung cho ngành khoa học đất.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG ĐẤT VÀ VI SINH VẬT ĐẤT (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH TRỒNG TRỌT) (Trang 65 - 67)