Bài 8.Cơ quan sinh sản của thực vật chưa có hoa

Một phần của tài liệu Giáo trình thực vật (Trang 143 - 145)

* Mục tiêu

- Phân biệt được thể bào tử và thể giao tử của các cây Rêu, Dương xỉ và Hạt trần. - Tóm tắt chu trình sinh sản của Rêu, Dương xỉ, Hạt trần. Nhận xét chu trình và rút ra hướng tiến hóa của giới thực vật.

- Rèn luyện kĩ năng vẽ hình.

* Dụng cụ, hóa chất và mẫu vật

- Dụng cụ: Kính hiển vi, lúp cầm tay, lưỡi dao cạo mỏng, kim nhọn, kim mũi mác, phiến kính.

- Hóa chất: Glixerin, nước cất.

- Mẫu vật: Cây rêu tường có mang túi bào tử ở ngọn. Cây dương xỉ có túi bào tử ở mặt dưới lá. Một số nguyên tản của dương xỉ. Một cành thông có mang nón đực và nón cái.

* Thí nghiệm 1: Quan sát cơ quan sinh dưỡng và túi bào tử của cây rêu tường (Funaria

hygrometricha)

- Ở rêu, cơ quan sinh dưỡng chính là thể giao tử (cây rêu). Dùng kính lúp để quan sát hình dạng của cây: hình dạng thân cây không phân nhánh, hình thái và cách sắp xếp lá và gân lá, hình dạng rễ. Vì sao nói rễ của rêu là rễ giả? Trên ngọn cây rêu có thể tìm thấy các cơ quan hữu tính là túi tinh và túi trứng trên các cây rêu khác nhau.

- Quan sát thể bào tử chính là thể mang túi nằm trên ngọn cây rêu gồm cuống và túi bào tử. Chú ý quan sát nắp túi và miệng túi bào tử. Tách dọc túi bào tử ra để quan sát các bào tử bên trong.

Ở rêu, mức độ phát triển của thể giao tử nhiều hơn so với thể bào tử. Chúng ta có thể nói thể giao tử phát triển chiếm ưu thế hơn so với thể bào tử.

* Thí nghiệm 2: Quan sát thể bào tử và thể giao tử của cây dương xỉ thường (Cyclosorus

paraciticus)

- Quan sát hình dạng cây dương xỉ, xác định kiểu lá và hình dạng phiến lá, đặc biệt chú ý mặt trên và mặt dưới của lá. Mặt dưới của các lá dương xỉ già có mang nhiều ổ túi bào tử.

- Quan sát ổ túi bào tử và các túi bào tử. Cắt lát mỏng ngang qua phiến lá có mang ổ túi bào tử còn non, có màu xanh, lên kính bằng giọt nước cất hay glixerin, quan sát áo túi và cách đính của túi bào tử vào lá.

- Tách các ổ túi bào tử, lấy một vài túi bào tử, lên kính bằng nước cất hay glixerin để quan sát các túi bào tử. Ở túi bào tử có vòng cơ được cấu tạo bởi các tế bào có vách dày cả 3 phía, khi vòng cơ khô sẽ bật ra, xé rách vách túi bào tử, giúp phát tán các bào tử.

- Dùng kim mũi mác dầm nhẹ túi bào tử để quan sát bào tử hoặc hơ nhẹ phiến kính trên đó đặt một vài túi bào tử để vòng cơ khô và bật ra làm các bào tử văng ra ngoài.

- Quan sát thể giao tử (nguyên tản): lấy rễ giả của nguyên tản đặt lên phiến kính , quan sát tìm túi tinh và túi noãn. Để quan sát rõ hơn nên tẩy bớt diệp lục bằng cách ngâm nguyên tản trong nước javen 2-5 phút. Túi tinh có hình cầu hoặc hình trứng nằm ở phía gốc và lẫn trong chùm rễ giả, túi noãn nằm ở khe lõm của nguyên tản, cổ đâm ra ngoài nên cần quan sát rất kỹ mới có thể thấy được.

* Thí nghiệm 3: Quan sát cành mang cơ quan sinh sản (nón) của cây thông nhựa (Pinus

merkusiana)

- Quan sát tổng quát cành, hình thái, cách sắp xếp và màu sắc lá thông, lá tồn tại lâu trên cành, đưa ra nhận xét.

- Quan sát nón đực: nón đực nhỏ, có màu vàng nhạt, tập trung ở đầu cành, phía dưới có những vảy màu nâu bao bọc. Chú ý cách sắp xếp của các lá tiểu bào tử (nhị đực), túi tiểu bào tử (hình dạng, vị trí của túi phấn). Chọn nón chín, túi phấn đã mở ra, dùng kim mũi nhọn gạt nhẹ lấy một ít hạt phấn lên phiến kính, quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy hai bên hạt phấn có 2 túi khí.

- Quan sát nón cái (còn gọi là nón quả): nón cái mọc ở vị trí giữa cành, có kích thước lớn hơn nón đực. Hình dạng và cấu tạo của nón, cách sắp xếp các lá noãn. Hình dạng lá noãn và 2 noãn nằm ở gốc mặt bụng của lá noãn. Phân biệt lá noãn và các vảy lá bắc ở phía dưới. Sau khi thụ tinh, nón cái sẽ chín trở thành nón hóa gỗ, toàn bộ lá noãn phát triển lớn và hóa gỗ, ở gốc mỗi vảy lá noãn có 2 hạt. Hạt có cánh mỏng và dài.

- Vẽ các thành phần đã quan sát được (lá, nón đực, nón cái, hạt thông). So sánh với cơ quan sinh sản của dương xỉ, đặc biệt là về mức độ phát triển của thể bào tử so với thể giao tử.

Một phần của tài liệu Giáo trình thực vật (Trang 143 - 145)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w