Bài 7.Thân và lá cây

Một phần của tài liệu Giáo trình thực vật (Trang 138 - 143)

* Mục tiêu

- Qua quan sát đặc điểm về hình thái, phân biệt được một số dạng thân.

- Biết được các thành phần cấu tạo của thân cây Một lá mầm và cấu tạo sơ cấp, thứ cấp của thân cây Hai lá mầm.

- So sánh cấu tạo giải phẫu giữa thân cây Một lá mầm và thân cây Hai lá mầm. - Nhận biết và phân biệt các bộ phận của lá, các kiểu lá và một số lá biến dạng. - So sánh về hình thái, cấu tạo giải phẫu lá cây Hai lá mầm và Một lá mầm. - Rèn luyện kĩ năng quan sát và vẽ hình.

* Dụng cụ, hóa chất và mẫu vật

- Dụng cụ: Kính hiển vi quang học, phiến kính, lá kính, giấy thấm, kim mũi mác, đĩa đồng hồ, lưỡi dao cạo. Ngoài ra chuẩn bị các vật liệu để cắt tiêu bản như: củ su hào hoặc cà rốt.

- Hóa chất: Nước cất, glixerin, kali iotđua, nước javen, xanh metilen, dung dịch iôt- iotđua, cacmin-phèn chua, dung dịch kali iotđua.

- Mẫu vật: Thân cây thầu dầu non (Ricinus communis), cành cây dâm bụt (Hibicus

rosa-sinensis), cây ngô non (Zea mays), cây ớt mang hoa, quả (Capsicum sp.). Một số loại

cây như: nhãn, rau má, bìm bìm, đậu Hà lan, mướp, nho, mây, trầu không, củ khoai tây, su hào, củ dong, củ hành ta hoặc hành tây.

Các loại lá tươi: trúc đào, lúa, hoa hồng, rau răm, nghễ, thông, ngô, mía, mã đề, sắn, đu đủ, dâu tằm, thuốc bỏng, đậu Hà Lan, gòn, trạng nguyên, sen, sen cạn, lạc, phượng vĩ, bưởi, bèo tây. Các loại củ: dong tây, dong ta, hành; cây xương rắn, cây xương rồng ông; tiêu bản: cây nắp ấm, cây bắt ruồi.

* Thí nghiệm 1: Quan sát hình thái thân

- Quan sát các thành phần cấu tạo chính của thân cây ớt.

- Quan sát một số loại thân: cây ớt, nhãn, rau má, bìm bìm, đậu Hà Lan, mướp, nho, trầu không.

- Quan sát một số loại thân biến dạng: củ khoai tây, su hào, củ dong, củ hành ta hoặc hành tây.

- So sánh sự khác nhau giữa các loại củ như: củ khoai tây với củ khoai lang, củ su hào với củ cải, cà rốt…

* Thí nghiệm 2: Làm tiêu bản quan sát cấu tạo giải phẫu thân cây Một lá mầm

Quan sát cây ngô (Zea mays)

- Chọn cây ngô có từ 4-5 lá, cắt ngang qua thân một vài lát mỏng. Nhuộm kép rồi quan sát dưới kính hiển vi.

- Quan sát cấu tạo lớp tế bào biểu bì.

- Quan sát hình dạng các tế bào cấu tạo nên vòng mô cứng nằm ngay sát dưới lớp biểu bì. Vòng mô cứng có vai trò như thế nào đối với thân cây?

- Quan sát cấu tạo và sự phân bố mô mềm trong thân cũng như cấu tạo và sự sắp xếp của các bó mạch.

- Quan sát mô mềm ruột và tia ruột thân cây Một lá mầm.

* Thí nghiệm 3: Làm tiêu bản quan sát cấu tạo giải phẫu thân cây Hai lá mầm

a) Cấu tạo sơ cấp thân cây thầu dầu non (Ricinus communis)

- Chọn một đoạn thân nằm dưới lá mầm khoảng 1-2cm, cắt một vài lát mỏng. Nhuộm kép rồi quan sát dưới kính hiển vi.

- Quan sát lớp tế bào biểu bì; hình dạng, cấu tạo và cách sắp xếp của các tế bào mô mềm vỏ.

- Quan sát cấu tạo lớp vỏ trong, phân biệt vỏ trong với các phần khác của vỏ. - Quan sát lớp tế bào vỏ trụ, so sánh với lớp tế bào vỏ trong.

- Quan sát cách sắp xếp của các bó mạch, cấu tạo mạch gỗ và mạch libe, đếm số lượng bó gỗ và bó libe.

- Cấu tạo tế bào mô mềm ruột, vị trí của tia ruột.

b) Cấu tạo thứ cấp thân cây dâm bụt (Hibicus rosa-sinensis)

Lấy một đoạn thân hoặc cành bánh tẻ cây dâm bụt, cắt một vài lát mỏng ngang thân hoặc cành. Nhuộm kép rồi quan sát dưới kính hiển vi.

- Quan sát cấu tạo của lớp bần, so sánh với lớp bần ở rễ thứ cấp.

- Quan sát cấu tạo tầng sinh vỏ, lớp tế bào vỏ lục và các tế bào mô mềm vỏ (xem vị trí và hình dạng tế bào).

- Đếm số lượng bó mạch, xem cấu tạo chi tiết một bó mạch. Xác định vị trí tầng sinh trụ.

- Quan sát tia ruột và các tế bào mô mềm ruột. So sánh với tia ruột trong cấu tạo sơ cấp thân cây thầu dầu non.

* Thí nghiệm 4: Quan sát hình thái lá

- Quan sát các thành phần cấu tạo chính của lá: lá trúc đào, lúa, hoa hồng, nghễ. Phân biệt các bộ phận: phiến lá, cuống lá, bẹ lá, lá kèm, lưỡi nhỏ nếu có.

- Quan sát các kiểu gân lá: lá ngô, mía, mã đề, sắn, đu đủ, sen, sen cạn, bưởi, bèo tây. Phân biệt các lá: lá có 1 gân; lá có gân hình mạng (hình lông chim, chân vịt, tỏa tròn); lá có gân hình cung; lá có gân song song.

- Quan sát các dạng lá: lạc, phượng vĩ, dâu tằm, thuốc bỏng, dậu Hà Lan, gòn. Phân biệt các lá đơn (lá đơn nguyên, lá đơn chia thùy và xẻ thùy) và lá kép (kép lông chim, kép chân vịt).

- Quan sát hình thái một số loại lá biến dạng:

+ Vảy: quan sát màu sắc, đặc điểm và chức năng của vảy mỏng trên thân rễ cây dong ta (củ dong ta) hoặc riềng; quan sát vảy dày, mọng nước ở vảy hành ta, hành tây hoặc ở thân hành (tỏi, kiệu). So sánh vảy mỏng với vảy dày.

+ Gai: quan sát và xác định xem gai cây xương rồng ta, xương rắn do bộ phận nào biến đổi thành và có tác dụng gì đối với đời sống của cây?

+ Tua cuốn: quan sát tua cuốn ở đậu Hà Lan, đậu hoa (tua cuốn do toàn bộ lá biến đổi thành). Tua cuốn có vai trò gì đối với đời sống của cây?

+ Lá bắt mồi: quan sát mẫu tươi hay tiêu bản cố định lá cây bắt ruồi, lá cây nắp ấm. Xác định nguồn gốc của lá bắt mồi.

* Thí nghiệm 5: Làm tiêu bản quan sát cấu tạo giải phẫu lá cây Một lá mầm: lá bèo tây

(Eichhornia crassipes)

Cắt một vài lát mỏng ngang qua phiến lá, tẩy sạch nội chất, nhuộm kép rồi đưa lên kính hiển vi quan sát cấu tạo lá.

- Quan sát hệ gân lá, lá cây Một lá mầm không có gân chính như ở lá cây Hai lá mầm (lá bưởi, lá trúc đào).

- Quan sát sự sắp xếp và cấu tạo của các bó mạch, các bó mạch của gân lá xếp song song.

- Quan sát biểu bì trên và biểu bì dưới, ở bèo tây lỗ khí có cả ở 2 mặt lá, giải thích vì sao?

- Quan sát các tế bào mô đồng hóa (mô giậu và mô xốp). Ngoài ra, ở lá bèo tây còn có 1 loại tế bào có kích thước to, không có lục lạp, chúng có chức năng giúp lá cuộn lại khi trời khô hanh.

* Thí nghiệm 6: Làm tiêu bản quan sát cấu tạo giải phẫu lá cây Hai lá mầm: lá bưởi

(Citrus grandis)

Cắt một vài lát mỏng ngang phiến lá có gân chính, tẩy sạch, nhuộm kép rồi quan sát dưới kính hiển vi.

- Quan sát gân lá: so sánh cấu tạo của 2 lớp biểu bì trên và biểu bì dưới; quan sát khối mô mềm bao quanh gân lá và đặc biệt là các túi tiết dung sinh nằm trong khối mô mềm; quan sát các tế bào mô cứng, trong gân các tế bào mô cứng nằm ở vị trí dưới lớp mô mềm, có chức năng nâng đỡ; quan sát cấu tạo bó mạch gồm có libe và gỗ.

- Quan sát phiến lá: so sánh cấu tạo lớp biểu bì trên và biểu bì dưới, chú ý đặc điểm vách tế bào và sự có mặt của lỗ khí. Vì sao ở lá bưởi lỗ khí chỉ có ở mặt dưới? Quan sát đặc điểm cấu tạo và cách sắp xếp của các tế bào mô giậu và mô xốp, trong phiến lá mô giậu nằm ở vị trí dưới lớp biểu bì trên, sắp xếp sát nhau và chứa nhiều lục lạp. Hết lớp mô giậu rồi đến mô xốp gồm các tế bào đa giác tròn cạnh, chứa ít lục lạp hơn các tế bào mô giậu.

Ngoài ra chúng ta có thể làm thí nghiệm đối với lá trúc đào (Nerium ocleander), cách làm cũng tương tự như lá bưởi, nhưng trong cấu tạo lá trúc đào có một vài điểm sai khác so với lá bưởi:

- Có lớp hạ bì nằm dưới biểu bì (hạ bì trên và hạ bì dưới). Khoang tế bào hạ bì chứa nước có tác dụng chống nóng và cung cấp nước cho các hoạt động sinh lí của cây.

- Có 2 lớp mô giậu, mô xốp nằm giữa 2 lớp mô giậu.

- Biểu bì có lông đơn bào che chở có tác dụng giảm sự thoát hơi nước, thích nghi với điều kiện sống khô hạn.

Một phần của tài liệu Giáo trình thực vật (Trang 138 - 143)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w