Bài 3.Sự co nguyên sinh-phản co nguyên sinh và sự phân bào nguyên nhiễm ở rễ hành

Một phần của tài liệu Giáo trình thực vật (Trang 129 - 131)

* Mục tiêu

- Qua quan sát hiện tượng co-phản co nguyên sinh, người học thấy được tính chất sinh lí thể hiện tính sống của tế bào.

- Làm tiêu bản quan sát sự phân bào có tơ, nhận biết được các kì trong quá trình phân bào nguyên nhiễm.

- Rèn luyện kĩ năng làm tiêu bản tạm thời, cách sử dụng kính hiển vi và kĩ năng vẽ tế bào thực vật.

* Dụng cụ, hóa chất và mẫu vật

- Dụng cụ: kính hiển vi, lưỡi dao cạo mỏng, kim mũi mác, đĩa đồng hồ, phiến kính, lá kính, giấy lọc hoặc giấy thấm, đèn cồn, diêm, cốc thủy tinh nhỏ, đồng hồ bấm giây.

- Hóa chất: Dung dịch muối ăn 10-15% hoặc mước đường 30%, nước cất, glixerin, dung dịch cacmin axetic, dung dịch cacnoa, cồn đốt.

- Mẫu vật: lá cây lẻ bạn và củ hành ta màu tím (Allium fistulosum). Trước khi làm thí nghiệm về sự phân bào cần ủ củ hành cho ra rễ.

* Thí nghiệm 1: Làm tiêu bản quan sát không bào và hiện tượng co nguyên sinh-phản co

nguyên sinh ở lá cây lẻ bạn (Rhoeo discolor)

- Chọn lá còn tươi, dùng đầu kim mũi mác tước 1 mảnh nhỏ biểu bì dưới của lá. Đặt mảnh biểu bì lên phiến kính có sẵn giọt nước cất, đậy lá kính lại rồi quan sát hình dạng tế bào ở trạng thái bình thường.

- Nhỏ 1 giọt dung dịch muối ăn 10-15% hoặc dung dịch đường 30% vào một bên mép lá kính, mép đối diện đặt 1 miếng giấy thấm để hút nước ra, cuối cùng nước cất được thay thế bằng dung dịch muối hoặc đường. Quan sát hiện tượng co nguyên sinh, mô tả và giải thích hiện tượng.

- Sau đó dùng ống nhỏ giọt nhỏ một vài giọt nước cất vào một bên mép lá kính, mép đối diện dùng giấy thấm hút dần nước muối hoặc nước đường ra. Quan sát hiện tượng phản co nguyên sinh. Chú ý, nếu ta để co nguyên sinh quá lâu thì sẽ không gây được phản co nguyên sinh vì tế bào đã mất trạng thái sinh lí bình thường.

* Thí nghiệm 2: Làm tiêu bản quan sát không bào và hiện tượng co nguyên sinh-phản co

nguyên sinh ở vảy củ hành ta (Allium fistulosum) (có màu tím)

- Chọn những vảy trung bình hoặc hơi già ở gần phía ngoài. Dùng kim mũi mác tách lấy 1 lớp mỏng biểu bì vảy hành. Các bước còn lại làm tương như đối với lá cây lẻ bạn.

- So sánh thời gian co nguyên sinh-phản co nguyên sinh ở biểu bì lá cây lẻ bạn và biểu bì vảy hành tía.

* Thí nghiệm 3: Làm tiêu bản quan sát sự phân bào nguyên nhiễm ở tế bào mô phân sinh rễ

hành (Allium fistulosum)

- Muốn tiến hành được thí nghiệm này, trước đó 1 tuần chúng ta phải đem ủ các củ hành già. Khi củ hành ra rễ dài khoảng 1cm, dùng lưỡi dao cạo cắt một đoạn khoảng 5mm từ đầu ngọn vào. Chẻ dọc mỗi đoạn thành 2 phần bằng nhau cho ngay vào dung dịch cacnoa trong 1 giờ để định hình mẫu.

- Nếu cần quan sát ngay thì sau khi định hình mẫu xong, vớt mẫu cho vào cốc thủy tinh có cacmin axit rồi đun nhẹ trên đèn cồn 30 phút. Nếu có thời gian thì sau khi định hình mẫu, chúng ta nhuộm mẫu với cacmin axit rồi bảo quản trong tủ lạnh 2-3 ngày.

- Dùng kim mũi mác vớt và đặt úp mặt cắt của mẫu lên phiến kính đã có sẵn giọt cacmin axit mới, đậy lá kính lại. Hơ nhẹ phiến kính trên đèn cồn.

- Đặt tiêu bản trên mặt bàn phẳng, dùng đầu ngón tay vừa ấn vừa miết theo một chiều xuống lá kính để các tế bào bị dàn mỏng ra, không làm vỡ lá kính.

- Đặt tiêu bản lên kính hiển vi quan sát, tìm các tế bào đang ở giai đoạn phân chia và phân biệt các thời kì phân bào.

* Thí nghiệm 4: Quan sát tiêu bản cố định về sự phân bào nguyên nhiễm

Dựa vào hình ảnh sự phân bào nguyên nhiễm trong tiêu bản cố định, từ đó có thể đối chiếu với các hình ảnh quan sát được ở tiêu bản tạm thời vừa mới tiến hành. Vẽ hình thể hiện các thời kì của quá trình phân bào nguyên nhiễm.

Một phần của tài liệu Giáo trình thực vật (Trang 129 - 131)