- Mở rộng mạng lưới, phạm vi kinh doanh vàng đáp ứng kịp thời nhu cầu về vàng của thị trường góp phần ổn định giá cả thị trường;
b. Tình hình thực hiện
* Huy động:
Báo cáo của các đơn vị gửi về cho thấy việc huy động và cho vay vàng đã được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện nghiệp vụ huy động và cho vay vàng đều là các chi nhánh của các TCTD có trụ sở chính tại TP HCM. Theo báo cáo hàng tháng của NHNN Chi nhánh TP HCM, trong 10 tháng đầu năm 2009 các TCTD chủ yếu huy động dưới hình thức chứng chỉ huy động bằng vàng, có 2 NH (NH Xuất nhập khẩu, NH Sài Gòn) huy động dưới hình thức tiết kiệm VND bảo đảm giá trị theo giá vàng, 1 NH (NH Sài Gòn thương tín) huy động dưới hình thức chứng chỉ VND bảo đảm giá trị theo giá vàng.
- Loại vàng huy động phổ biến là vàng miếng của Công ty vàng bạc đá quý TP HCM (SJC).
- Tổng số dư huy động bằng vàng, bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng đến tháng 10/2009 là 51.732 tỷ đồng, tăng 24,6% so với tháng 12/2008 và bằng 3,1% tổng huy động vốn của toàn hệ thống TCTD. Trong đó:
+ Huy động bằng vàng là 50.161 tỷ đồng, tăng 21% so với tháng 12/2008;
+ Huy động bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng là 1.571 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 63 tỷ đồng tháng 12/2008.
- Trong số các TCTD thực hiện huy động vàng, Ngân hàng Á Châu là ngân hàng có số dư huy động vàng cao nhất, số dư huy động vàng đạt khoảng 18.521 tỷ đồng vào cuối tháng 10/2009, chiếm 35,8% tổng số dư huy động vàng của các TCTD. Tiếp đến là Ngân hàng Sài Gòn thương tín chiếm khoảng 22,7% tổng số dư huy động vàng của các TCTD.
* Cho vay:
- Trong 10 tháng đầu năm 2009, các TCTD trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cho vay dưới hình thức cho vay bằng vàng và bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng.
- Tổng số dư cho vay bằng vàng, bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng đến tháng 10/2009 là 29.761,3 tỷ đồng, tăng 77,1% so với tháng 12/2008 và bằng 1,74% tổng vốn cho vay của toàn hệ thống TCTD. Trong đó:
+ Tổng số dư cho vay bằng vàng đến tháng 10/2009 là 29.761 tỷ đồng, tăng 77,1% so với tháng 12/2008.
+ Tổng số dư cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng đến tháng 10/2009 là 0,3 tỷ đồng, giảm 0,2 tỷ đồng so với tháng 12/2008.
Trong số các TCTD thực hiện cho vay vàng, Ngân hàng Á Châu cũng là ngân hàng có số dư cho vay bằng vàng cao nhất, đạt 10.885 tỷ đồng vào tháng 10/2009, chiếm 36,5% tổng số dư cho vay bằng vàng của TCTD và cũng là ngân hàng duy nhất có số dư cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng.
Đến tháng 10/2009, nợ quá hạn bằng vàng là 216 tỷ đồng, chiếm 0,7% dư nợ cho vay bằng vàng; cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng không có nợ quá hạn. Nợ quá hạn bằng vàng chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ cho vay bằng vàng cho thấy trước diễn biến phức tạp của giá vàng, các TCTD cũng thận trọng đối với việc cho vay bằng vàng nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
* Về nguồn vốn huy động bằng vàng chuyển đổi thành tiền:
- Tỷ lệ chuyển đổi chung của toàn hệ thống đến tháng 10/2009 là 4,24% (tăng so với mức 2,93% của tháng 12/2008), mức tương đối thấp so với tỷ lệ cho phép của NHNN (quy định tối đa 30%). Nguyên nhân chủ yếu do giá vàng diễn biến phức tạp, các TCTD huy động vàng đều hạn chế chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành vốn bằng tiền để đảm bảo an toàn trong hoạt động.
- Trong 10 tháng đầu năm 2009, tỷ lệ chuyển đổi nguồn vốn huy động bằng vàng chuyển đổi thành tiền so với số dư huy động vốn bằng vàng của các TCTD trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ khoảng 1,1% - 26,56%.
2.1.2.3. Sự xuất hiện của Sàn giao dịch vàng và vai trò quản lý của NHNN
2.1.2.3.1. Quá trình hình thành và phát triển của các Sàn giao dịch vàng Sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam là Sàn giao dịch vàng ACB, được hình thành vào ngày 25/5/2007 với tên gọi ban đầu là Trung tâm giao dịch vàng Sài gòn – trực thuộc Ngân hàng TMCP Á Châu gồm 9 thành viên (không có pháp nhân độc lập). Các thành viên tham gia là các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng có quy mô vốn lớn, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh vàng.
Ban đầu, Trung tâm giao dịch vàng ACB là nơi bán buôn giữa các thành viên. ACB đóng vai trò vừa là thành viên trực tiếp tham gia giao dịch, vừa là Trung tâm lưu ký, Trung tâm thanh toán. Tuy nhiên khối lượng giao dịch thời gian đầu không lớn.
Tháng 12/2007, trên cơ sở hoạt động của Sàn giao dịch vàng giữa các thành viên, ACB triển khai sản phẩm “Đầu tư vàng tại ACB” dành cho cá
nhân. Từ đó khối lượng giao dịch trên sàn đã gia tăng đột biến. Đứng trước nhu cầu tham gia giao dịch vàng của các cá nhân tăng mạnh và sức hấp dẫn về lợi nhuận thu được từ việc tổ chức Sàn giao dịch vàng, nhiều NHTM khác cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thành lập các Sàn giao dịch vàng như: Sàn giao dịch vàng của Ngân hàng TMCP Phương Nam, Sàn giao dịch vàng NHTM CP Việt Á, Sàn giao dịch vàng NHTM CP Xuất Nhập khẩu Việt Nam, Sàn giao dịch vàng Việt Nam (VGB)…
Tuy nhiên, do hình thức đầu tư sản phẩm vàng đa dạng, khối lượng giao dịch tăng, giá vàng quốc tế biến động mạnh, chênh lệch giữa giá trên Sàn và giá quốc tế, giá vàng vật chất trong nước lớn khiến nhu cầu rút vàng vật chất tăng gây rủi ro thanh khoản cho người tổ chức Sàn, tạo ra nhiều rủi ro cho cả đơn vị tổ chức Sàn cũng như cá nhân tham gia. Điều này dẫn đến tình trạng các Sàn tự đưa ra những quy định khác nhau để giảm bớt rủi ro cho đơn vị tổ chức Sàn, đẩy rủi ro cho những thành phần tham gia còn lại đặc biệt là các cá nhân đầu tư.
Trước thực trạng này, NHNN đã tiến hành khảo sát hoạt động của Sàn giao dịch vàng ACB và đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động của Sàn ACB nói riêng cũng như của các Sàn vàng khác đã thay đổi nhanh chóng về bản chất hoạt động. Giao dịch của các thành viên sáng lập Sàn giao dịch vàng ACB giảm mạnh do việc giao dịch vàng vật chất không còn như ban đầu và một số thành viên thành lập Sàn giao dịch vàng riêng. Sàn giao dịch vàng ACB hiện nay chủ yếu là Sàn giao dịch vàng với khách hàng là cá nhân tham gia sản phầm “Đầu tư vàng tại ACB”. Trên thực tế, hiện nay khi rút vàng vật chất nhà đầu tư phải nộp một mức phí đúng bằng mức chênh lệch giữa vàng vật chất và giá trên sàn. Hoạt động của Sàn giao dịch vàng ACB hầu như không liên quan đến việc rút/nộp vàng vật chất mà là hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.
2.1.2.3.2. Phân loại các Sàn giao dịch vàng
Theo thông tin mà NHNN có được thì trong năm 2008, 2009 có trên 20 Sàn giao dịch vàng đang hoạt động, chủ yếu tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Các Sàn này đang tồn tại và hoạt động theo nhiều hình thức khác nhau. Căn cứ theo tiêu chí kinh doanh vàng vật chất hay tài khoản thì các Sàn giao dịch vàng gồm 03 loại: (i) Sàn giao dịch vàng vật chất; (ii) Sàn giao dịch vàng tài khoản; (iii) Sàn giao dịch vàng kết hợp cả tài khoản và vật chất.
Tuy nhiên, chủ yếu các sàn vàng hoạt động dưới hình thức giao dịch vàng tài khoản.
2.1.2.3.3. Quy định của Sàn giao dịch vàng ACB
- Để tham gia giao dịch, khách hàng phải ký quỹ một tỷ lệ nhất định, ACB sẽ cho vay phần còn lại của giá trị giao dịch. Tuy nhiên, việc cấp hạn mức tín dụng này không làm phát sinh các luồng tiền mặt giữa khách hàng và Sàn giao dịch vàng vì thực chất đây là giao dịch dưới hình thức ghi sổ.
- Khách hàng mua bán vàng trực tiếp thông qua hệ thống phần mềm giao dịch. Sau khi khớp lệnh, ACB sẽ thanh toán tiền cho người bán, và thanh toán vàng cho người mua.