Quản lý thị trường vàng của Trung Quốc

Một phần của tài liệu các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vàng theo chức năng của ngân hàng trung ương (Trang 26 - 32)

Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam từ thể chế chính trị đến đặc điểm kinh tế-xã hội, mức độ hội nhập và mở cửa nền kinh tế, do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của Trung Quốc có ý nghĩa thực tiễn cao trong việc định hướng chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Việt Nam.

Tại Trung Quốc, hoạt động kinh doanh vàng được thống nhất quản lý bởi đầu mối duy nhất là NHTW Nhân dân Trung Hoa (People’s Bank of China-PBOC). Trong giai đoạn đầu từ năm 1949 đến 2001, Trung Quốc thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, PBOC đóng vai trò độc quyền thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, cùng với việc tự do thị trường tài chính, Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc tự do hoá từng bước thị trường vàng.

1.3.3.1. Tóm tắt quá trình tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc

- Giai đoạn trước năm 2001:

Trong giai đoạn này, PBOC hoàn toàn độc quyền thị trường vàng trong nước từ khâu khai thác, tinh chế, gia công lẫn hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu vàng. Cụ thể, các công ty khai thác vàng sau khi tinh chế thành vàng miếng phải bán lại cho các chi nhánh của PBOC, sau đó PBOC sẽ bán lại cho các công ty vàng bạc đá quý chuyên gia công vàng trang sức. Các công ty này sau đó được phép bán vàng trang sức cho dân chúng. Các hãng kinh doanh vàng trang sức chỉ được phép mua vàng nguyên liệu từ PBOC và bán nhưng không được phép mua lại vàng trang sức từ dân chúng. Người dân muốn bán vàng trang sức để lấy tiền mặt sẽ bán tại các chi nhánh của PBOC. Ngoài ra, giá cả mua bán vàng đều phải áp dụng giá do PBOC quy định (giá vàng trang sức sẽ được xác định dựa trên hàm lượng vàng thực tế cộng với công chế tác).

PBOC quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng dưới dạng cấp phép xuất nhập khẩu cho các công ty được phép với số lượng tuỳ vào từng thời điểm.

- Giai đoạn từ 2001-2006:

Năm 2001 là một năm được coi là mốc quan trọng trong việc tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc. Tháng 4/2001, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên chính thức công bố kế hoạch xoá bỏ cơ chế quản lý độc quyền trong mua và phân phối vàng, đồng thời công bố thành lập Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (Shanghai Gold Exchange - SGE). Đây được coi là bước đột phá trong chính sách quản lý thị trường vàng của Trung Quốc sau hơn 50 năm thực hiện kiểm soát chặt chẽ. Về cơ bản, kế hoạch tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc cũng bao gồm 3 giai đoạn như đối với nhiều nước khác, đó là:

+) Giai đoạn 1: Xoá bỏ chế độ độc quyền kinh doanh vàng và cơ chế kiểm soát giá, đồng thời thành lập Sàn giao dịch vàng Thượng Hải.

+) Giai đoạn 2: Từng bước xoá bỏ cơ chế cấp phép đối với hoạt động sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng, bước đầu là đối với hoạt động bán lẻ. Sau đó, cho phép cá nhân được tham gia giao dịch vàng miếng.

+) Giai đoạn 3: Xoá bỏ từng bước chế độ quản lý xuất nhập khẩu vàng. Trên cơ sở các bước nêu trên, PBOC đã ban hành hàng loạt quy định theo hướng nới lỏng quản lý hoạt động kinh doanh vàng như:

+) 6/2001: PBOC bắt đầu áp dụng chế độ niêm yết giá hàng tuần áp dụng cho các giao dịch mua và phân phối vàng trong nước thay cho việc yết giá hàng ngày hoặc đối với từng giao dịch cụ thể như trước đó.

+) 8/2001: Xoá bỏ việc kiểm soát giá bán lẻ vàng trang sức. Các công ty vàng bạc, đá quý được phép tự quy định giá bán dựa trên tỷ giá, hàm lượng vàng, kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm. Các công ty vàng bạc, đá quý cũng được phép mua lại vàng trang sức từ dân chúng.

Quy định này đã khuyến khích sự phát triển của ngành kim hoàn, các công ty đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, đa dạng hoá mẫu mã, từ đó đã hình thành nhiều hãng sản xuất đồ trang sức lớn có tên tuổi.

+) 11/2001: Xoá bỏ chế độ cấp phép đối với hoạt động sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn chưa được phép tham gia vào lĩnh vực này. Cũng trong tháng 11/2001, SGE chính thức được cấp phép thành lập.

+) 10/2002: SGE chính thức đi vào hoạt động. Đây là sàn vàng vật chất giao ngay. Sản phẩm được phép giao dịch lúc đầu là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm Au 99.99, Au 99.95 và Au 100g, sau đó mở rộng sang các kim loại quý khác như bạch kim (Pt 99.95) và bạc (Ag). Để thực hiện giao dịch vàng vật chất, SGE có hệ thống thành viên là các công ty cung cấp dịch vụ lưu kho, bảo quản và giao nhận vàng.

Ban đầu, chỉ nhà đầu tư là tổ chức mới được phép tham gia giao dịch trên Sàn, nhà đầu tư cá nhân chưa được phép tham gia. SGE có hệ thống thành viên là các tổ chức kinh tế trong nước, gồm: các công ty kinh doanh vàng (công ty khai thác, chế tác, xuất nhập khẩu vàng); các định chế tài chính và các thành viên chủ chốt. Các thành viên này là các nhà tạo lập thị trường, tham gia giao dịch, làm đại lý nhận lệnh, thực hiện chức năng ngân hàng thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ kho bãi, giao nhận. Tại thời điểm đi vào hoạt động, SGE có 108 thành viên.

Theo số liệu thống kê trên website của Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, giá vàng giao dịch trên Sàn (đơn vị CNY/g) tương đối sát với giá thế giới (đơn vị USD/ounce) nếu cộng cả thuế và các chi phí nhập khẩu. Trong khi hoạt động xuất nhập khẩu vàng đang bị quản lý dưới dạng cấp phép, giá vàng trong nước có sự liên thông với giá vàng thế giới chứng tỏ PBOC có cơ chế quản lý linh hoạt trong việc cho phép các đơn vị xuất hoặc nhập khẩu vàng khi có chênh lệch giá. Ngoài ra, cũng có khả năng PBOC trực tiếp mua bán can thiệp thị trường nhằm bình ổn giá, hạn chế tình trạng buôn lậu vàng.

Với sự ra đời của SGE, giao dịch vàng miếng đã được thực hiện tập trung qua sàn bằng cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả do cung cầu thị trường quyết định, PBOC không thực hiện quy định giá đối với giao dịch vàng

miếng. Đây là sự kiện đánh dấu sự chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng của Trung Quốc.

+) 3/2003: Cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được phép đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu vàng vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của PBOC thông qua hình thức cấp phép.

+) Giai đoạn 2006- nay:

- Đối với giao dịch vàng vật chất trên SGE:

Tháng 12/2006, PBOC cho phép nhà đầu tư cá nhân được phép giao dịch vàng miếng trên sàn SGE. Nhờ quy định này, vàng trở thành kênh đầu tư tài chính hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân cùng với kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền tệ, bất động sản. Với sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, tính thanh khoản của vàng trên Sàn cũng được nâng lên đáng kể.

Ngoài ra, giữa năm 2007, PBOC đã chấp thuận cho một số ngân hàng nước ngoài gồm HSBC, Standard Chartered, UBS AG và Bank of Nova Scotia (BNS) trở thành thành viên của Sàn Thượng Hải.

- Sự ra đời của loại hình kinh doanh vàng trên tài khoản:

Tháng 12/2006 cùng với việc cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch vàng miếng, PBOC cũng chính thức cho phép các Ngân hàng thương mại được phép cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản cho khách hàng cá nhân.

Kinh doanh vàng qua tài khoản là việc nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch mua bán vàng trên tài khoản của mình nhưng trên thực tế không diễn ra việc giao nhận vàng vật chất cũng như không thể rút vàng vật chất từ tài khoản của mình. Về bản chất, đây chỉ là một loại hình đầu tư tài chính, tìm kiếm lợi nhuận nhờ chênh lệnh giá.

Hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân phải mở 2 tài khoản (1 tài khoản tiền thanh toán và 1 tài khoản vàng) để thực hiện giao dịch tại các Ngân hàng là thành viên của SGE. Ngân hàng cung cấp dịch vụ thực hiện chức năng trung gian, mở tài khoản cho nhà đầu tư, nhập lệnh, khớp lệnh và thu phí giao dịch.

Theo quy định của PBOC, nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản tiền hoặc vàng của họ. Tức là ngân hàng không được phép cho nhà đầu tư vay để đầu tư vượt quá số tiền hoặc vàng họ đang nắm giữ hay không sử dụng đòn bẩy tài chính (tỷ lệ ký quỹ là 100%). Quy định này sẽ hạn chế quy mô giao dịch vàng tài khoản nhưng sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp đầu tư thua lỗ.

1.3.3.2. Vai trò quản lý của PBOC đối với SGE

Sàn giao dịch vàng Thượng Hải là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư vốn 100% (vốn điều lệ đăng ký là 30.000.000 RMB, tương đương khoảng 4,2 triệu USD), thời gian hoạt động là 50 năm. PBOC là cơ quan quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động của SGE. Trong quy chế hoạt động của SGE ghi rõ “SGE chịu sự quản lý và giám sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa” (Điều 3). Vai trò quản lý của PBOC thể hiện rõ nhất đối với cơ cấu tổ chức, nhân sự của SGE, cụ thể như sau:

- Giám sát việc thành lập Hội đồng thành viên:

Cơ quan quyết định cao nhất đối với mọi hoạt động của Sàn là Hội đồng thành viên (Member Assembly) gồm đại diện theo pháp luật của các thành viên. Theo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ khi thành lập Hội đồng thành viên, SGE phải gửi tài liệu báo cáo cung cấp thông tin về Hội đồng thành viên tới PBOC.

- Tham gia Hội đồng quản trị:

Hội đồng quản trị (Board of Directors) là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các quyết định của Hội đồng thành viên. Cơ cấu Hội đồng quản trị gồm từ 9-15 thành viên, trong đó có thành viên Hội đồng quản trị là thành viên Hội đồng thành viên (Member Director) và một số thành viên không thuộc Hội đồng thành viên (Non-member Director). Member Director sẽ do Hội đồng quản trị hoặc trên 1/5 số thành viên Hội đồng thành viên tiến cử và do Hội đồng thành viên lựa chọn. Non-member Director do PBOC bổ nhiệm. Số lượng Non-member Director không được lớn hơn 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị có 1 Chủ tịch và 1-2 Phó chủ tịch. Chủ tịch và các Phó chủ tịch phải do PBOC tiến cử, sau đó Hội đồng quản trị lựa chọn.

Ngoài ra, PBOC cũng có quyền triệu tập họp Hội đồng quản trị bất thường khi cần. Đồng thời, trong vòng 10 ngày sau khi họp Hội đồng quản trị, mọi quyết định và các tài liệu có liên quan đến cuộc họp phải được báo cáo lên PBOC.

- Bổ nhiệm Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc:

SGE có 1 Tổng giám đốc và 1-2 Phó Tổng giám đốc trực tiếp điều hành hoạt động hàng ngày của Sàn. Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc phải do PBOC bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc là 2 năm và một Tổng giám đốc không giữ chức quá 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Sau khi Tổng giám đốc nghỉ việc, Hội đồng quản trị phải tiếp tục uỷ quyền cho tổ chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tiến hành việc kiểm tra sau thôi việc. Thông tin về tổ chức thực hiện việc kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra phải được báo cáo lên PBOC.

- Quản lý thành viên của SGE:

PBOC sẽ xem xét hồ sơ đăng ký và quyết định việc kết nạp thanh viên tham gia Sàn cũng như việc chấm dứt hoặc huỷ bỏ tư cách thành viên.

- Quyết định ngừng hoạt động Sàn:

Trong trường hợp hết thời gian hoạt động đã được đăng ký (50 năm) mà Hội đồng thành viên không quyết định tiếp tục hoạt động hoặc trường hợp sáp nhập, chia tách Sàn thì PBOC là cơ quan phê duyệt và chấp thuận phương án đóng cửa SGE.

Như vậy, PBOC đóng vai trò quản lý và chi phối mọi quyết định của SGE thông qua việc quản lý việc tham gia của các thành viên và tham gia bộ máy nhân sự chủ chốt điều hành Sàn (cử người tham gia Hội đồng quản trị, tiến cử Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, bổ nhiệm Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc). Nhờ đó, mặc dù có sự tham gia của các thành viên nhưng PBOC vẫn giữ được vai trò quản lý mọi quyết định của SGE

nhằm bảo đảm Sàn hoạt động minh bạch, hiệu quả dưới sự kiểm soát của NHTW.

Một phần của tài liệu các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vàng theo chức năng của ngân hàng trung ương (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w