Giới thuyết về phong cách

Một phần của tài liệu Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng (Trang 77 - 80)

Khái niệm phong cách nói chung và phong cách trong văn học nói riêng là một vấn đề phức tạp. Dù đã được các nhà nghiên cứu quan tâm từ lâu nhưng khó có thể khẳng định rằng khái niệm phong cách đã được định hình một cách dứt khoát. Một mặt, còn rất nhiều vấn đề cần thảo luận, bàn bạc để đi đến thống nhất. Mặt khác, ngay bản thân khái niệm phong cách cũng không phải là một yếu tố cố định, bất biến mà ngày càng được mở rộng nội hàm theo sự phát triển của ngành nghiên cứu văn học. Xung quanh thuật ngữ này, lâu nay có rất nhiều định nghĩa, quan niệm phong phú đa dạng.

Ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại với đại biểu xuất sắc như Platon, khái niệm phong cách đã được nghiên cứu và vận dụng. Bước sang thế kỉ XIX đặc biệt là thế kỉ XX, khái niệm phong cách ngày càng được quan tâm sâu sắc.

Buffon cho rằng: “Phong cách chính là người”, mỗi nhà văn thường có một tạng riêng.

Viện sĩ Nga D.X.Likhatsep trong cuốn Thi pháp văn học Nga cổ định nghĩa: phong cách "là một hệ thống hình thức và nội dung nhất định", là "nguyên tắc thẩm mĩ để cấu trúc toàn bộ nội dung và toàn bộ hình thức". Tác giả đặc biệt nhấn mạnh sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật. Trong khi đó V. Đnepôp lại cho rằng phong cách được coi như là hình thức toàn vẹn có tính nội dung. Ông phát biểu: "phong cách là mối liên hệ của những hình thức, mối liên hệ đó bộc lộ sự thống nhất của nội dung nghệ thuật".

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Viện sĩ M.B.Khrapchenko sau khi thống kê một số định nghĩa xung quanh phạm trù phong cách cá nhân đã đưa ra ý kiến của riêng mình: "Phong cách cần phải được định nghĩa như thủ pháp biểu hiện cách khai thác hình tượng đối với cuộc sống, như thủ pháp thuyết phục và thu hút độc giả". Ông cho rằng mỗi một nhà văn có tài đều đi tìm những biện pháp và những phương tiện độc đáo để thể hiện những tư tưởng và hình tượng của mình, những biện pháp và những phương tiện cho phép nhà văn đó làm cho những tư tưởng và những hình tượng ấy trở thành hấp dẫn, dễ lôi cuốn, gần gũi với công chúng độc giả. Và điều đó cũng có nghĩa là nhà văn tạo ra được phong cách. Trên cơ sở phân tích như vậy, viện sĩ nhất trí với nhận xét của Gôlxuôrxy: "Phong cách - đó là khả năng các nhà văn khắc phục những chướng ngại vật giữa mình và độc giả, còn sự thành công cao nhất của phong cách là ở sự giao tiếp chặt chẽ với độc giả".

Như vậy, xung quanh khái niệm phong cách còn có những quan điểm khác nhau. Tựu trung có hai ý kiến cơ bản: một nhấn mạnh sự thống nhất của những yếu tố nội dung và những yếu tố tạo hình thức của tác phẩm; một cho rằng phong cách được coi như là hình thức toàn vẹn có tính nội dung. Mặc dù tách bạch như vậy nhưng trong đó có sự thống nhất bởi các tác giả đều quan tâm đặc biệt đến hai yếu tố bộc lộ tài năng độc đáo của người nghệ sĩ - nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương.

Các nhà lí luận, nghiên cứu văn học ở nước ta cũng đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu nội hàm thuật ngữ phong cách. Tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học trên cơ sở thừa nhận hai phạm trù phong cách ngôn ngữ và phong cách nghệ thuật, đã định nghĩa: "Phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mĩ, chịu sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

văn, trong một tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc". Và khẳng định: "Trong chỉnh thể "nhà văn" (hiểu theo nghĩa là các sáng tác của một nhà văn), cái riêng tạo nên sự thống nhất lặp lại ấy biểu hiện tập trung ở cách cảm nhận độc đáo về thế giới và ở hệ thống bút pháp nghệ thuật phù hợp với cách cảm nhận ấy".

Thống nhất với quan điểm đó, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, La Khắc Hoà, Thành Thế Thái Bình trong cuốn Lý luận văn học

định nghĩa: "Phong cách là chỗ độc đáo về tư tưởng cũng như nghệ thuật có phẩm chất thẩm mĩ thể hiện trong sáng tác của những nhà văn ưu tú".

Nhìn chung các nhà lí luận và nghiên cứu văn học đều nhấn mạnh cá tính sáng tạo độc đáo mang tính thẩm mĩ của nhà văn. Cụ thể hoá các yếu tố tạo phong cách nghệ thuật tác giả, các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhà văn muốn có phong cách riêng, trước hết phải có tư tưởng độc đáo, có cách cảm nhận thế giới độc đáo, có cảm hứng độc đáo, có hệ thống phương thức riêng độc đáo - lẽ dĩ nhiên phải là "tính chất độc đáo chân chính" (Hêghen).

Tựu chung lại, nói đến phong cách là nói đến những biểu hiện độc đáo của tài năng sáng tạo nghệ thuật, có tính thống nhất và tương đối ổn định, được lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm của nhà văn, thể hiện cái nhìn và sự chiếm lĩnh nghệ thuật độc đáo của nhà văn đối với thế giới và con

người. Phong cách nhà văn là quá trình vận động, phát triển không ngừng qua

mỗi giai đoạn sáng tác. Mặc dù vậy, cái riêng độc đáo có giá trị mang tính thẩm mĩ - cốt lõi phong cách, dù ở điều kiện hoàn cảnh nào cũng ổn định, thống nhất. Nó phải được "lặp đi lặp lại" một cách có hệ thống và luôn bị chi phối bởi cái nhìn độc đáo của nhà văn. Chúng thường xuyên ở thế vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng của thế giới quan, môi trường xã hội và xu thế chung của thời đại. Nhưng dù ở môi trường nào, xu thế xã hội ra sao, yếu tố

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

thường xuyên được "lặp đi lặp lại" ấy vẫn xuất hiện cho dù chúng ở thế lộ thiên hay dưới mạch ngầm.

Một phần của tài liệu Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)