Ngày 20/05/2010, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo quy định mới, các tỷ lệ đảm bảo an toàn đối với các tổ chức tín dụng đều được nâng cao nhằm đảm bảo tăng cường khả năng thanh khoản và giảm thiểu rủi ro tín dụng đối với một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan. Những quy định này đã khiến chi phí huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng lên, đồng thời cũng khiến nguồn vốn để cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng suy giảm.
Luật tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực từ 01/01/2011 cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt hoạt động của các Tổ chức tín dụng, trong đó có các công ty cho thuê tài chính. Hiện tại, nguồn vốn hoạt động của công ty chủ yếu là vay và nhận gửi từ các tổ
chức tín dụng khác (đến 31/10/2010, khoảng 900 tỷ, gấp 3 lần vốn tự có của Công ty), chủ yếu do việc huy động vốn từ thị trường 1 của Công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn vốn của Công ty chủ yếu là vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Vì vậy, Công ty sẽ bị động trong hoạt động CTTC, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và chiến lược phát triển dư nợ. Mặt khác, muốn tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Công ty phải huy động được nguồn vốn đầu vào với mức lãi suất thấp nhất có thể. Vì vậy, giải pháp tạo lập nguồn vốn bằng nhiều hình thức cần được Công ty tích cực triển khai, sử dụng với mục tiêu tạo ra một cơ cấu vốn tối ưu và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Việc xây dựng chiến lược tạo nguồn vốn của Công ty là một việc làm cần thiết và cấp bách. Muốn có đủ nguồn vốn cần thiết cho nhu cầu kinh doanh cũng như chi phí lãi suất đầu vào của nguồn vốn hợp lý thì Công ty phải đa dạng hóa các hình thức và các kênh huy động vốn như:
- Nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, tín dụng khác ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
- Nguồn vốn huy động từ phát hành kỳ phiếu, trái phiếu trung và dài hạn. - Nguồn vốn huy động từ nhận tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức và cá nhân. - Nguồn vốn từ việc trả chậm trong việc mua máy móc, thiết bị, phương tiện từ nhà cung ứng tài sản.
- Nguồn vốn có được thông qua việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài…
* Nguồn vốn vay từ ngân hàng mẹ (NHTMCPNTVN) và các tổ chức tín dụng khác
Nguồn vốn này nên được Công ty đặc biệt coi trọng vì khi vay ngân hàng mẹ, Công ty sẽ được hưởng lãi suất nội bộ thấp hơn so với lãi suất đi vay từ các tổ chức tín dụng khác. Ngoài ra, ngân hàng mẹ có thể bảo lãnh cho Công ty vay vốn nước ngoài thông qua hai hình thức: vay bằng tiền hoặc ngân hàng mẹ bảo lãnh cho Công ty mua máy móc, thiết bị trả chậm để cho các doanh nghiệp thuê. Đây là hình thức huy động vốn rất có hiệu quả. Nhất là hiện nay, khi Công ty CTTC Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng với hàng loạt sai
phạm thì việc vay vốn từ ngân hàng mẹ là tối ưu hơn cả vì Công ty rất khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng bên ngoài hay từ các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện nay, việc vay vốn từ ngân hàng mẹ có thể không đáp ứng đủ nhu cầu về vốn của Công ty vì bị giới hạn vốn vay theo các văn bản pháp luật liên quan và các văn bản nội bộ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
* Nguồn vốn từ huy động tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức
Nhận tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức sẽ giúp Công ty vượt qua được những khó khăn về vốn trong giai đoạn hiện nay để tăng trưởng dư nợ. Tuy nhiên, Công ty phải tính toán và đưa ra được mức lãi suất, kỳ hạn gửi hợp lý để vừa huy động được vốn, vừa cạnh tranh được với các tổ chức tín dụng khác. Thông thường khi có nguồn vốn nhàn rỗi, các tổ chức thường tìm đến các ngân hàng thương mại còn công ty CTTC không phải là lựa chọn của họ. Ngoài ra, họ cũng có tâm lý không muốn gửi tiền dài hạn. Vì vậy, nếu muốn huy động được nguồn tiền này Công ty cần phải có mức lãi suất thật hấp dẫn để cạnh tranh với các ngân hàng thương mại hoặc có những điều kiện bổ sung hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Công ty cũng nên tích cực tìm kiếm nguồn vốn huy động thông qua các công ty bảo hiểm, các khách hàng hiện đang thuê tài chính tại Công ty. Khoản tiền ký quỹ của khách hàng là nguồn vốn mà Công ty được phép sử dụng vào mục đích kinh doanh nhưng không phải trả lãi hoặc chỉ trả lãi theo lãi suất không kỳ hạn do Sở giao dịch NHTMCPNTVN công bố nên Công ty cần tận dụng triệt để nguồn vốn này. Công ty cần đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động vốn với biện pháp chủ động, tích cực, quan tâm, chăm sóc khách hàng thường xuyên, tìm kiếm các khách hàng mới để tìm được nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý, đáp ứng đủ vốn cho yêu cầu kinh doanh.
* Nguồn vốn phát hành trái phiếu trung, dài hạn của Công ty
Bên cạnh vay vốn từ ngân hàng mẹ hoặc huy động từ tổ chức, từ tiền ký quỹ của khách hàng, Công ty có thể đề nghị NHNN cho phép phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác để huy động thêm nguồn vốn trung, dài hạn sử dụng cho hoạt động CTTC. Việc phát hành này một mặt sẽ giúp Công ty
chủ động hơn về quy mô và lãi suất của nguồn vốn huy động. Mặt khác, giúp nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của Công ty trên thị trường CTTC. Tuy nhiên, Công ty cần phải tính toán mức lãi suất huy động với chi phí thích hợp để có lãi và phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định phù hợp về thời hạn trái phiếu cũng như phương thức thanh toán trái phiếu. Cách phát hành thuận tiện nhất là nhờ ngân hàng mẹ bảo lãnh phát hành để có thể giảm chi phí và huy động được nguồn vốn lớn, đúng hạn.
* Nguồn vốn trả chậm trong việc mua máy móc thiết bị từ nhà cung cấp Đối với nguồn vốn này, Công ty cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề tỷ giá. Khi tỷ giá xuống, Công ty sẽ được lợi từ việc chênh lệch tỷ giá nhưng khi tỷ giá lên, Công ty lại gặp nhiều bất lợi. Vì vậy, Công ty nên có những phân tích và dự báo thị trường chính xác để có thể tận dụng được nguồn vốn này. Để huy động được nguồn vốn này, Công ty cần thiết lập các mối quan hệ thường xuyên, lâu dài với các nhà cung cấp lớn, có uy tín để từ đó có thể mua trả chậm trung, dài hạn các máy móc, thiết bị cho thuê.
* Nguồn vốn thông qua liên doanh, liên kết với nước ngoài
Thông qua hình thức này, Công ty có thể giải quyết khó khăn khi thiếu vốn, đặc biệt là khi phải giải ngân cho các dự án thuê tài chính vượt quá khả năng của Công ty và có nhiều cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường ra nước ngoài và học hỏi được nhiều kinh nghiệm về hoạt động cho thuê.
* Các nguồn vốn khác: Công ty cần tận dụng đa dạng hóa các phương thức huy động vốn như:
- Công ty có thể triển khai nghiệp vụ bán các khoản phải thu từ các hợp đồng CTTC cho các định chế tài chính, đặc biệt là các khoản phải thu mà theo đánh giá của Công ty sẽ là những khoản nợ khó đòi trong hiện tại và tương lai khi mà Công ty tự đứng ra thu nợ là không hiệu quả. Việc bán khoản phải thu một mặt sẽ tăng thêm nguồn vốn cho Công ty, mặt khác giảm tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động CTTC, giảm các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết khoản nợ xấu.
- Tiếp tục xin tăng thêm vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo an toàn hoạt động và phát triển.
- Với các dự án lớn mà Công ty đã hết hạn mức cấp tín dụng đối với khách hàng, trong khi đó là những khách hàng tốt, có tiềm năng, Công ty có thể hợp tác đồng tài trợ với các Công ty CTTC khác. Cho thuê đồng tài trợ sẽ giải quyết khó khăn về vốn, về hạn mức cấp tín dụng, đồng thời cũng hạn chế được rủi ro cho Công ty và cung cấp đầy đủ hơn các dịch vụ cho khách hàng.
- Nhận tài trợ bằng tài sản của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua phương thức cho thuê liên kết hay cho thuê giáp lưng…