Những hạn chế

Một phần của tài liệu phát triển hoạt động cho thuê tài chính tại công ty cho thuê tài chính ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam (Trang 85 - 87)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Công ty vẫn còn một số hạn chế nhất định cần được khắc phục, giải quyết trong thời gian tới.

- Quy trình cho thuê tài chính chưa được tuân thủ nghiêm ngặt

Quy trình cho thuê tài chính được Công ty ban hành khá chặt chẽ, hướng tới mục tiêu quản trị rủi ro. Theo đó, trách nhiệm, chức năng của từng phòng ban, từng vị trí cán bộ được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo nguyên tắc kiểm tra, giám sát công việc của nhau. Tuy nhiên, nhiều khâu của quy trình cho thuê chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là khâu thẩm định và kiểm tra giám sát sau cho thuê. Nhiều báo cáo thẩm định còn sơ sài, chung chung, bỏ qua việc thực hiện chấm điểm tín dụng khách hàng hoặc chấm điểm còn chưa đúng quy định, thẩm định còn mang tính chất miêu tả số liệu, phân tích sơ sài. Việc giám sát khách hàng sau cho thuê còn mang tính chất hình thức, nhiều trường hợp còn không thực hiện kiểm tra sau cho thuê, không thực hiện thu thập, phân tích các báo cáo tài chính, không kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro của khách hàng.

- Hoạt động cho thuê độc canh, phương thức cho thuê đơn điệu

Phương thức cho thuê của Công ty chưa đa dạng, chủ yếu vẫn áp dụng phương thức cho thuê thuần, tức là có sự tham gia của ba bên: Nhà cung cấp, Bên thuê và Công ty CTTC. Phương thức này có ưu điểm là đơn giản, ít đòi hỏi đội ngũ nhân viên hiểu biết về máy móc, thiết bị, nhưng nó cũng làm giảm khả năng thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của phương thức tài trợ này với các hình thức tín dụng khác. Điều này có thể làm giảm thị phần của Công ty trong khi Công ty hoàn toàn có khả năng triển khai các hình thức

cho thuê khác như: bán - tái thuê, cho thuê liên kết, cho thuê bắc cầu…Mặt khác, hiện tại Công ty mới chỉ độc canh trong lĩnh vực CTTC. Ngoài hoạt động tài trợ vốn trung, dài hạn này, Công ty không kinh doanh thêm bất kỳ một nghiệp vụ nào. Các phương thức khác như cho thuê vận hành vẫn chưa được áp dụng.

- Hoạt động CTTC chưa phát triển đúng với năng lực vốn có

Hoạt động CTTC trên thế giới có lịch sử phát triển lâu đời. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới, hoạt động CTTC chiếm thị phần rất lớn trên thị trường tín dụng trung và dài hạn của các nước phát triển, khoảng 40% thị phần. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động CTTC lại chỉ chiếm khoảng 2% thị phần của thị trường tín dụng trung và dài hạn. Điều này cho thấy, hoạt động CTTC của hệ thống các Công ty CTTC nói chung tại Việt Nam và Công ty CTTC NHTMCPNTVN nói riêng chưa thực sự phát triển đúng với tầm vốn có. Ngoài ra, so với các Công ty CTTC trong Hiệp hội CTTC Việt Nam, Công ty CTTC NHTMCPNTVN còn có thị phần khá khiêm tốn.

- Số lượng khách hàng có sự giảm sút

So với hệ thống các công ty CTTC trong Hiệp hội CTTC Việt Nam với cùng thời gian thành lập, hoạt động và năng lực tài chính thì số lượng khách hàng của Công ty ở mức khá cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khách hàng của Công ty có xu hướng giảm sút. Điều này phần nào làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển hoạt động cho thuê của Công ty.

- Địa bàn hoạt động của Công ty hạn hẹp

Công ty hiện chỉ có một Trụ sở chính tại Hà Nội và một chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh nên thị trường cho thuê của Công ty gặp nhiều hạn chế, khó khai thác được hoạt động cho thuê tại các vùng, địa bàn khác. Do vị trí địa lý nên Công ty đã bỏ lỡ khá nhiều dự án tốt, nguyên nhân vì địa chỉ của Bên thuê khá xa địa bàn của Công ty, không thuận lợi cho quá trình thẩm định hồ sơ và kiểm tra, giám sát khách hàng trước, trong và sau cho thuê.

- Tài sản cho thuê chưa đa dạng

Theo quy định hiện hành: Công ty CTTC chỉ được cho thuê dây chuyền, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới, việc cho thuê bất động sản đã đem lại nhiều lợi nhuận, cơ hội thành công

cho các công ty cho thuê tài chính bởi nó không chỉ làm tăng đối tượng tài trợ của công ty CTTC mà nó còn đảm bảo tính đồng bộ của dự án, từ đó cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho Công ty CTTC.

- Nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh

Với số vốn điều lệ ban đầu là 55 tỷ đồng, đến nay vốn điều lệ của Công ty đã là 300 tỷ đồng. Trong các năm 2007-2010, Công ty sử dụng đa dạng các nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động cho thuê của Công ty bao gồm vốn tự có, vốn vay của NHTMCPNTVN và các tổ chức tín dụng khác.

Tuy nhiên, dù số vốn điều lệ hiện nay của Công ty là 300 tỷ đồng nhưng lượng vốn này vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh ngày một tăng. Là một Công ty CTTC của ngân hàng thương mại nên Công ty có lợi thế là được nhận vốn của ngân hàng mẹ với lãi suất nội bộ nhưng hiện nay nguồn vốn này không thể đáp ứng hết nhu cầu kinh doanh. Việc huy động vốn của Công ty vẫn còn rất hạn chế, do chỉ được huy động các loại tiền gửi trên 12 tháng của tổ chức nên số vốn huy động được chưa nhiều mà chủ yếu vẫn chỉ trông chờ vào nguồn vốn huy động từ ngân hàng mẹ.

Một phần của tài liệu phát triển hoạt động cho thuê tài chính tại công ty cho thuê tài chính ngân hàng tmcp ngoại thương việt nam (Trang 85 - 87)