của Công ty
Mặc dù Công ty đã xây dựng được một quy trình CTTC với các bước công việc cụ thể, tuy nhiên bên cạnh những khâu công việc đã được thực hiện nghiêm túc vẫn còn nhiều khâu trong quy trình được thực hiện lỏng lẻo, lối mòn nên mang lại những rủi ro không nhỏ cho Công ty. Trong những khâu đó có khâu thẩm định và giám sát sau khi thuê. Chính vì vậy, để góp phần phát triển hoạt động CTTC của Công ty, cần phải quán triệt tất cả các cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc quy trình CTTC đã được Ban lãnh đạo công ty ban hành, đặc biệt là trong khâu thẩm định khách hàng và khâu kiểm tra, giám sát sau khi cho thuê.
Để việc thu thập thông tin cũng như thẩm định được thực hiện có hiệu quả, Công ty cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Hiện nay, để đánh giá năng lực tài chính, năng lực quản lý, uy tín cũng như những yếu tố khác của khách hàng, các cán bộ tín dụng của Công ty sẽ căn cứ vào nguồn thông tin từ phía khách hàng và mạng thông tin nội bộ của ngân hàng. Tuy nhiên, những thông tin do khách hàng cung cấp thường có sự sai lệch, không chính xác. Vì vậy, cán bộ tín dụng của Công ty cần tận dụng triệt để nguồn thông tin từ trung tâm tín dụng của Ngân hàng nhà nước (CIC), phối kết hợp với một số cơ quan ban ngành có đủ chức năng để kiểm tra những thông tin do khách hàng cung cấp, hoặc các cán bộ tín dụng có thể sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp khách hàng, từ đó đưa ra được quyết định cho thuê đúng đắn.
Một rủi ro khác có thể xảy ra trong giai đoạn thẩm định là những đánh giá mang tính chủ quan của các cán bộ tín dụng về năng lực tài chính, năng lực quản lý của khách hàng. Vì vậy, Công ty cần có hệ thống chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng. Để hệ thống chấm điểm này đưa ra được những đánh giá xác thực, Công ty cần thường xuyên rà soát, đánh giá tính chính xác, tính khoa học và sự phù hợp với thực tiễn kinh doanh của hệ thống. Ngoài ra, Công ty cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ để đảm bảo luôn có được một hệ thống chấm điểm tín dụng đem lại những thông tin xác thực, góp phần hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Đồng thời, để tăng cường năng lực thẩm định khách hàng của cán bộ tín dụng, Công ty nên thường xuyên tổ chức hoặc cử các cán bộ nhân viên đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan. Trong một số trường hợp xin vay lớn, Công ty cũng có thể thuê đội ngũ thẩm định chuyên nghiệp, mang tính kỹ thuật cao để phân tích tính khả thi một cách chính xác trước khi quyết định cho vay. Ngoài ra, khi có sự thay đổi về nhân sự trong việc chuyển giao hồ sơ giữa các cán bộ tín dụng thì cần phải quy định cụ thể trách nhiệm bàn giao, nội dung bàn giao. Có thể lập sổ nhật ký tín dụng về các lần phát vay, thu nợ, biến động tài sản đảm bảo, tình hình kinh doanh và tài chính để đảm bảo sự liên tục, thuận tiện trong việc theo dõi và chuyển giao hồ sơ giữa các cán bộ tín dụng.