Cách mở đầu

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ truyện ngắn bảo ninh (Trang 79 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1 Cách mở đầu

Cách mở đầu một tác phẩm văn học có vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ tạo ấn tượng ban đầu mà còn góp phần định hướng độc giả trong việc tiếp nhận tác phẩm. Hầu hết các truyện ngắn Bảo Ninh có kết cấu: mở đầu và kết thúc ở thời điểm hiện tại, ở giữa là quá khứ. Kiểu đi ngược quá khứ như thế này ta bắt gặp trong rất nhiều tác phẩm của ông. Nếu cắt bỏ đi phần mở đầu thì người đọc không thể cảm nhận được những câu chuyện về quá khứ được kể từ điểm nhìn của hiện tại.

Trong truyện ngắn Khắc dấu mạn thuyền, thời điểm chuyện là sau hai mươi năm chiến tranh nhưng chiến tranh được kể lại giống như đang diễn ra.

Trại “Bảy chú lùn” bắt đầu từ thời điểm hiện tại: “tôi” - nhân viên bưu điện, trên đường đi làm nhiệm vụ gặp trời mưa bão nên đã trú nhờ nhà Mộc (trên lối mòn dọc theo bờ Tây Sa Thầy). Trong thời gian trú mưa, “tôi” đã được Mộc kể về cuộc đời mình, về quãng thời gian Mộc làm lính hậu cần nơi Trại “Bảy chú lùn”. Truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ cũng vậy. Mở đầu của tác phẩm là khoảnh khắc nhân vật “tôi” đứng trước căn nhà cũ tại thời điểm thiêng liêng Giao thừa khiến “tôi” hồi tưởng về căn nhà xưa với biết bao kỷ niệm vui buồn thuở thiếu thời. Ngôi sao vô danh lại mở đầu bằng chuyến tàu đi qua “thế giới hoang vu trập trùng đồi gò khe lũng và mênh mông những trảng trống miền tây Quảng Bình” [60,292]… Phần mở đầu tác phẩm trong truyện ngắn Bảo Ninh giúp người đọc nhận ra được những câu chuyện quá khứ được kể từ thời điểm hiện tại. Từ hiện tại hồi ức về quá khứ, người đọc dễ dàng cảm nhận được đây là những vấn đề đã xảy ra nay được kể lại, hồi tưởng lại.

Thời hiện tại đóng vai trò chủ đạo vì đó là thời gian cảm nhận. Trong hiện tại các nhân vật sống với quá khứ của hiện tại. Điều này rất quan trọng. Bởi thời điểm hiện tại mở đầu tác phẩm giúp người đọc nhận thấy chiến tranh và người lính được đánh giá, nhìn nhận sau chiến tranh - khi đã có “khoảng lùi thời gian” nhất định.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Hầu hết các tác phẩm của Bảo Ninh đều bắt đầu ở thời điểm hiện tại để hồi ức về quá khứ nên những mốc thời gian quá khứ được nhà văn sử dụng đậm đặc. Nhà văn thường mở đầu tác phẩm bằng những mệnh đề quá khứ: “Đã ba chục năm hơn rồi còn gì” (Thách đấu) [60,214]; “Ngẫm lại, vậy mà, đã non bốn chục năm rồi còn gì” (Thời tiết của ký ức) [60,307]; “Hơn hai chục năm trời sau chiến tranh” (Rửa tay gác kiếm) [60,195]; “Chẵn 34 năm trời xa biệt” (Hà Nội lúc không giờ) [60,135]; “Năm ấy, tôi 17 tuổi, binh nhì, chiến sĩ của tiểu đoàn 5 tân binh” (Giang) [61,55]...

Hầu hết nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh là những người có tuổi, từng trải trận mạc nên nhìn nhận chiến tranh, cuộc sống con người trong và sau chiến tranh cũng thấu đáo và chín chắn hơn. Vì vậy, một số truyện ngắn của Bảo Ninh mở đầu bằng những suy tư, chiêm nghiệm giàu cảm xúc .

Bí ẩn của làn nước được mở đầu bằng sự suy tư của nhân vật xưng “tôi”: “Các dòng sông trôi đi như thời gian, và cũng như thời gian, trên mặt nước các triền sông biết bao nhiêu là các chuyện đời đã diễn ra. Nhất là về đêm, trên làn nước của quê hương tôi lấp lánh hằng hà những đốm sáng bí ẩn, có cả điều bí ẩn của đời tôi” [60,32]. Sau đó, tác giả lý giải điều bí ẩn và cũng là niềm day dứt đi suốt cuộc đời. Đó là việc “tôi” không cứu được vợ và con mình, đứa con hiện tại không phải con anh. Nỗi đau này không ai biết và đâu dễ bộc bạch.

Tác giả đã mở đầu cho câu chuyện may mắn của Tư Lâm (Kỳ ngộ) do tình cờ run rủi đã tìm lại được mối tình đã mất trong rừng sâu chiến tranh ba chục năm về trước. Một tình yêu mà sau chừng bấy năm trời anh cũng không còn thực tin là mình có: “Thế gian này sở dĩ đẹp vì nó không khi nào chịu giống như là lẽ ra nó phải thế. Và cuộc sống này tiếng là vẫn vậy chứ vẫn cứ vô cùng đáng sống bởi ngoài nông nỗi nhọc nhằn ngày qua ngày y chang nhau chán ngắt còn có biết bao nhiêu là những bất thường, từ những may mắn lớn lao dành cho tất cả tới những điều kỳ diệu lặng lẽ luôn âm thầm chợt đến với đời riêng mỗi người” [60,264].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Mở đầu truyện ngắn Rửa tay gác kiếm bằng nỗi lòng của ông Phúc: “Giờ đây, nhớ lại những ngày tháng cuối cùng của đời bộ đội lòng tôi vô hạn một nỗi buồn nhớ sâu lặng. Kể từ ngay sau đỉnh cao của hạnh phúc ngày chiến thắng tới buổi chiều ngày hôm nay, ngày và đêm hoà bình lững lờ trôi chảy mà đời người thì trôi quá mau (…) Tôi lặn lội kiếm sống, trải nhiều nghề, rốt cuộc thành nhà văn, song văn chương gì tôi, viết lách đã chẳng bao nhiêu lại chẳng ra thế nào, chỉ tổ ngày một thêm lạc lõng và ngày một thêm bơ phờ, thời gian và cuộc sống nhận chìm tôi” [60,194]. Đó là suy tư của một người cảm thấy sự biến đổi khôn lường của cuộc sống và con người sau chiến tranh. Thời gian trôi chảy, cuộc sống đổi thay không ngừng mà người lính trở về lại luôn ngoái lại quá khứ. Đây là cảm giác chung của nhiều người lính trận: Thời chiến, họ là những anh hùng, được sống hết mình vì đất nước, đồng đội nhưng sau chiến tranh, trở về với cuộc sống thời bình, nhiều người lính không thể thích nghi được với những bon chen, xô đẩy của cuộc sống đời thường. Vì vậy, họ sống thu mình, cô đơn, lạc lõng.

Như vậy, cách mở đầu trong truyện ngắn Bảo Ninh thể hiện rất rõ ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Hầu hết các tác phẩm của ông đều viết về chiến tranh từ cái nhìn hiện tại. Do vậy, cách mở đầu bằng thời điểm hiện tại rất đắc dụng để độc giả cảm nhận rõ quan điểm của nhà văn khi nhìn nhận vấn đề từ cái nhìn hồi tưởng. Không chỉ mở đầu bằng thời điểm hiện tại, truyện ngắn Bảo Ninh còn được mở đầu bằng những suy tư chiêm nghiệm giàu cảm xúc. Điều này làm cho truyện ngắn Bảo Ninh có sức hấp dẫn riêng.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ truyện ngắn bảo ninh (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)